dd/mm/yyyy

Nậm Pồ: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để học sinh có những bữa cơm ngon

Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà trường có tổ chức nấu ăn, bán trú cho học sinh, được ngành giáo dục huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đặc biệt quan tâm. Ngay từ khâu nhập thực phẩm, phải đảm bảo rõ nguồn gốc, chất lượng. Tổ chức nấu ăn đảm bảo vệ sinh, để cơm ngon, canh ngọt từng bữa cho học sinh.

Để học sinh nghèo Nậm Pồ có thêm sức khỏe đến trường

Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: "Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh là một trong những khâu rất quan trọng trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ trên địa bàn. Vì vậy, hàng năm Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đều ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn, đặc biệt quan tâm vấn đề nhập thực phẩm cho các em học sinh trong trường học. Trong quá trình nhập thực phẩm vào trường học luôn đảm bảo tươi sống; các nhà cung ứng phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, khi giao nhận hàng luôn kiểm tra kỹ, đảm bảo nguồn thực phẩm tươi, sống và bảo quản cẩn thận để chế biến thức ăn cho các em học sinh.

Nậm Pồ: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để học sinh có những bữa cơm ngon - Ảnh 1.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học luôn được Ngành Giáo dục - Đào tạo Nậm Pồ đặc biệt quan tâm. Ảnh Vũ Mạnh.

Năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 42 trường, 779 lớp, với hơn 20.700 học sinh. Trong đó: cấp mầm non 285 nhóm trẻ và lớp với hơn 6.600 học sinh; cấp tiểu học 326 lớp, hơn 8.600 học sinh; cấp THCS 168 lớp, gần 5.700 học sinh. Cùng với việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, trường lớp học cho năm học mới thì việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các đơn vị trường học trên địa bàn luôn sâu sát với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những khâu rất quan trọng ở tất cả các cấp học, nhất là trong cấp Mầm non.

Để đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh, trường PTDTBT THCS Nà Hỳ luôn quan tâm chú trọng yếu tố dinh dưỡng trong từng khẩu phần ăn. Thường xuyên kiểm tra thực phẩm từ khâu sơ chế và trước khi chế biến. Khu vực bếp ăn được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều, chia thành các khu riêng biệt, gồm khu đựng nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín.

Hàng tuần dưới dự chỉ đạo của Ban giám hiệu Nhà trường, nhà bếp luôn thay đổi thực đơn khẩu phần thức ăn và tổ chức nấu ăn 03 bữa/ngày. Thức ăn không sử dụng hết được bảo quản cẩn thận. Đồ dùng trong nhà bếp được trang bị đầy đủ, gồm nồi cơm đa năng, máy lọc nước, tủ đựng thức ăn chín, tủ lưu mẫu thực phẩm... Nhà trường cũng lắp đặt hệ thống cửa chắn ruồi, muỗi, hạn chế bụi và người ra vào khu chế biến thực phẩm.

Đồng thời, trong quá trình nấu ăn, thực hiện nghiêm vấn đề an toàn thực phẩm, từ khâu sơ chế, chế biến đến bảo quản, lưu mẫu, đảm bảo đúng theo quy định về thực hiện bếp ăn bán trú trong trường học. Trước khi chuẩn bị vào nấu ăn thì có đầy đủ các bộ phận vào kiểm tra như: y tế, phụ trách bếp để kiểm tra ký nhận thực phẩm đảm bảo tươi sống. Trong quá trình nấu ăn luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, nấu chín và thường xuyên thay đổi thực đơn các bữa ăn theo hàng tuần.

Nậm Pồ kiểm tra chặt chẽ nguồn nhập thực phẩm

Theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện thì khâu nhập thực phẩm đầu vào được đơn vị chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm. Kiểm tra chặt chẽ nguồn thực phẩm đầu vào, phải rõ nguồn gốc, thực phẩm tươi ngon. Việc bảo quản thực phẩm cũng được các trường quan tâm. Làm sao để bữa cơm của học sinh được ngon miệng, đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Nậm Pồ: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để học sinh có những bữa cơm ngon - Ảnh 2.

Để học sinh có được bữa ăn ngon thì ngày từ khâu nhập thực phẩm, các trường kiểm tra chất lượng thực phẩm, đảm bảo rõ nguồn gốc, tươi ngon. Ảnh Vũ Mạnh.

Khi bước vào năm học mới, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho các em học sinh, nhân viên nấu ăn tại các trường phải tham gia khám, kiểm tra sức khỏe. Ddoognf thời các trường thường xuyên kiểm tra các thực phẩm trong trường từ khâu nhập vào đến khâu chế biến. Phối hợp liên kết với các hợp tác xã để cung cấp thực phẩm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn. Anh Lường Văn Chính Nhân viên Y tế học đường trường PTDTBT THCS Nà Hỳ cho biết: Được Nhà trường giao nhiệm vụ hàng ngày thường xuyên kiểm tra chất lượng tất cả các loại thực phẩm từ khâu nhập vào cũng như khi đưa vào chế biến các bữa ăn cho em học sinh trong khu bán trú đảm bảo, an toàn và thực hiện lưu mẫu 24 giờ. Ngoài ra, tôi cũng tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về đảm bảo vệ sinh an toàn thực của cấp trên theo yêu cầu.

Thầy giáo Trần Hoàng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nà Hỳ, xã Nà Hỳ cho biết: Nhà trường cũng rất coi trọng các trang thiết bị, đồ dùng nấu ăn trong nhà bếp, ngay khi vào năm học mới nhà trường đã thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra về nguồn gốc thực phẩm của đơn vị cung ứng, giao cho nhân viên Y tế tổ chức kiểm tra công tác tiếp nhận thực phẩm đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm để giao cho Nhà bếp trước khi chế biến, nấu ăn. Đồng thời, ngay đầu năm học Nhà trường cũng đã quán triệt cho các thầy cô giáo và nhân viên hành chính tổ chức dọn dẹp toàn bộ hệ thống nhà bếp, nhà ăn cũng như khử khuẩn các thiết bị, đồ dùng phục vụ trong công tác nấu ăn và tổ chức kiểm tra sức khỏe đầu năm cho học sinh, hướng dẫn, phổ biến các nội quy, quy chế trong khu nội trú cho học sinh, đặc biệt là công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tươi, sống và rửa tay trước khi ăn, đảm bảo ăn chín, uống sôi...

Ngoài ra Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo, định hướng lựa chọn các nhà thầu, doanh nghiệp có uy tín đảm bảo để cung cấp thực phẩm cho nhà trường phục vụ công tác nấu ăn cho học sinh bán trú. Năm học 2023 - 2024 trường PTDTBT THCS Nà Hỳ có 16 lớp, với 585 học sinh, trong đó, 268 học sinh ở bán trú.

Công ty Điện lực Điện Biên: Thực hiện thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ mua bán điện
Vinh Duy - Vũ Mạnh