dd/mm/yyyy

Nậm Pồ: Nỗ lực nâng cao giá trị nông sản của địa phương

Với tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đang từng bước giúp nông dân huyện Nậm Pồ nâng cao giá trị nông sản của địa phương.

Mang nghề trồng sả về với Nậm Pồ

Ông Tráng A Chu, bản Ham Xoong, xã Vàng Ðán, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên là người Mông đầu tiên của huyện Nậm Pồ trồng và chưng cất thành công tinh dầu sả; đưa giá trị của cây sả lên gấp nhiều lần; không chỉ giúp bản thân mà còn giúp nhiều hộ gia đình trong xã phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Nậm Pồ: Nỗ lực nâng cao giá trị nông sản của địa phương   - Ảnh 1.

Ông Tráng A Chu, bản Ham Xoong, xã Vàng Ðán, huyện Nậm Pồ là người Mông đầu tiên của huyện Nậm Pồ trồng và chưng cất thành công tinh dầu sả. Ảnh: Trần Hương

Ông Tráng A Chu nói: Tôi quê gốc ở Lào Cai, theo làn sóng di cư năm 1992 di chuyển vào huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên. Tháng 12/2015, Mường Nhé chia tách thành 2 huyện Mường Nhé, Nậm Pồ. Trước kia tôi cũng giống như bao người Mông khác của Nậm Pồ, làm nương, nuôi trâu bò, cuộc sống cũng chỉ đủ ăn. Năm 2018, trong một lần trở về quê cũ, tôi gặp gỡ những người đồng hương ở Lào Cai, tôi thấy họ đang trồng sả chưng cất lấy tinh dầu. Tôi thấy hay quá, nên đã học hỏi kinh nghiệm và về bắt đầu trồng 2ha sả trên diện tích nương  gần nhà. Sau 3 tháng, cây sả lên xanh tốt, tôi cắt toàn bộ đem về chưng cất. Những mẻ tinh dầu sả đầu tiên cho sản lượng thấp nhưng vẫn có lãi.

Quy mô mở rộng, sản phẩm sản xuất ra ngày càng nhiều, song ông Chu không khỏi lo lắng khi thường xuyên bị thương lái ép giá. Mặc dù khẳng định chất lượng không thua kém, song giá thành tinh dầu của ông Chu luôn thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Không những vậy, nhiều lần ông còn phát hiện tinh dầu của mình bị "đánh cắp thương hiệu". Họ mua tinh dầu của ông đem về pha chế, dán nhãn khác rồi đưa ra thị trường.

Nậm Pồ: Nỗ lực nâng cao giá trị nông sản của địa phương   - Ảnh 2.

Lò chưng cất tinh dầu sả người dân xây đắp đơn giản. Ảnh: Trần Hương

Nông dân Nậm Pồ lựa chọn cây sả để xóa nghèo

Với sự định hướng của chính quyền địa phương, tháng 8/2022 ông Chu thành lập HTX Vàng Ðán để tập trung sản xuất bài bản, quy mô hơn nhằm xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm. 17 hộ dân đồng tình hưởng ứng tham gia cùng ông Chu. Năm đầu sau thành lập, HTX bán khoảng 3.700 lít tinh dầu. Ði cùng với số lượng, các thành viên trong HTX được tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để tập trung cho chất lượng sản phẩm. "Ðể tinh dầu có mùi thơm đậm, chúng tôi yêu cầu các hộ phải sơ chế lá thật sạch, để ráo, dụng cụ cũng phải rửa sạch sẽ, thay nước chưng cất liên tục. Cây sả không được bón phân hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả các khâu phải làm thật tỉ mỉ mới mong có được một mẻ tinh dầu đạt chất lượng như ý" - ông Chu cho biết. 

Bình quân 1ha sả sẽ cho thu hoạch được khoảng 100 triệu đồng/năm trừ chi phí. Hiện gia đình Tráng A Chu có 3ha sả, theo tính toán của anh mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng. Hiện HTX có tổng số khoảng 30ha sả đã cho thu hoạch vụ 3. Như vậy, việc chưng cất tinh dầu sả của Tráng A Chu đã làm cho giá trị cây sả tăng lên rất nhiều lần.

Ông Giàng A Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Ðán cho biết: Việc sản xuất tinh dầu sả đang cho thấy nhiều lợi thế trong chuyển đổi cây trồng, phát triển sản xuất ở địa phương. Chất lượng sản phẩm cũng được đánh giá cao trên thị trường. Vì thế, chính quyền địa phương đã xác định đưa tinh dầu sả của HTX thành sản phẩm OCOP và hiện nay đang tuyên truyền, hướng dẫn bà con đầu tư sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm. Hi vọng sau khi sản phẩm có chỉ dẫn địa lí, truy xuất nguồn gốc, tinh dầu sả Vàng Ðán sẽ có chỗ đứng ổn định, vững chắc trên thị trường.

Trao đổi về nội dung này, ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay huyện cũng nhất trí và ủng hộ chủ trương xây dựng tinh dầu sả xã Vàng Ðán thành sản phẩm OCOP. Ðây là hoạt động nằm trong lộ trình Kế hoạch thực hiện Ðề án "Chương trình Mỗi xã một sản phẩm" năm 2023 của địa phương. Ngoài sản phẩm tinh dầu sả Vàng Ðán đang trong tiến trình xây dựng, hiện nay Nậm Pồ đã và đang duy trì, giữ vững sản phẩm OCOP Mật ong Chà Nưa  hạng 3 sao; Rượu Mông kê Si Pa Phìn 2 sao.

Nậm Pồ: Nỗ lực nâng cao giá trị nông sản của địa phương   - Ảnh 3.

Tinh dầu sả là một loại tinh dầu được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh: IT

Ðồng thời tiếp tục mở rộng vùng phát triển sản phẩm Cam Nậm Tin hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo các tiêu chí của sản phẩm OCOP. Mặc dù số lượng còn khiêm tốn, song các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của huyện đã và đang có những bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì đảm bảo các điều kiện về nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, được khách hàng đánh giá cao và lựa chọn sử dụng.

Với mục tiêu hình thành các chuỗi giá trị từ các sản phẩm OCOP, huyện Nậm Pồ đã tập trung sản xuất gắn với vùng nguyên liệu dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên. Tập trung các sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý và chế biến sâu, xây dựng mô hình sản xuất nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân về việc nâng cao chất lượng các sản phẩm. Ðồng thời thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thanh Tùng