Một nơi ở Điện Biên đi vào nghe lách cách thoi đưa, thổ cẩm dân tộc Lào hoa văn đường nét thế này đây

Vinh Duy Thứ tư, ngày 06/12/2023 13:30 PM (GMT+7)
Dệt thổ cẩm với tiếng lách cách thoi đưa là nghề truyền thống có từ lâu đời, gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang đậm nét văn hóa của dân tộc Lào sinh sống tại 2 bản Na Sang 1 và Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Bình luận 0

Dệt thổ cẩm của dân tộc Lào, bản Na Sang, xã Lúa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Âm thanh quen thuộc ở đây là tiếng lách cách thoi đưa, màu thổ cẩm dân tộc Lào hiện lên sắc nét...

Dệt thổ cẩm - nét đặc sắc trong văn hóa mặc của người Lào

Tại xã Núa Ngam, người dân tộc Lào sinh sống tập trung ở 2 bản: Na Sang 1 và Na Sang 2. Đến nay, người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ nghề truyền thống dệt thổ cẩm. 

Ban đầu, đồng bào Lào ở Na Sang chỉ dệt trang phục cho bản thân, tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy nghề dệt không chỉ là bản sắc mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, những người phụ nữ ở Na Sang đã cùng nhau gìn giữ, phát huy làng nghề truyền thống của dân tộc mình.

Để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm những người phụ nữ Lào ở Na Sang với đôi tay khéo léo, tỉ mỉ phải qua nhiều công đoạn, từ trồng lanh, xe sợi, nhuộm chàm đến khâu vá, thêu thùa… để tạo ra những tấm vải nhiều màu với những họa tiết, hoa văn hết sức đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Lào.

Gieo trồng cây lanh. Đến độ thu hoạch sẽ đem cây lanh ra phơi nắng cho khô rồi tước thành sợi. Sợi lanh được đưa vào cối giã mềm, sau đó nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn, mang đi giặt. 

Tiếp đó, đem luộc đến khi sợi lanh mềm và trắng lại mang ra phơi nắng cho khô. Sau đó dùng guồng chia sợi lanh trước khi mắc vào khung cửi để dệt. Những người phụ nữ Lào sẽ dùng các loại lá, cây rừng để nhuộm cho sợi lanh với các mầu sắc như đỏ, vàng, tím, xám, xanh, đen…

Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của người Lào ở Điện Biên   - Ảnh 2.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống có từ lâu đời, gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người phụ nữ Lào, bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Ảnh: Vinh Duy

Bà Lường Thị Un, bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nói: Phụ nữ Lào ai cũng biết dệt vải từ nhỏ. Hàng ngày phụ nữ người Lào phải tự dệt chân váy, dệt áo dệt khăn Piêu cho mình. 

Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của người Lào ở Điện Biên   - Ảnh 4.

Bà Lường Thị Un , bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên dậy cho cháu cách dệt vải. Ảnh: Vinh Duy

Dệt chăn, dệt gối khi đi lấy chồng. Theo truyền thống của dân tộc Lào, khi người con gái muốn đi lấy chồng thì phải biết dệt, vì sau khi xây dựng gia đình thì người con gái Lào sẽ tự tay dệt trang phục cho chồng, cho con.

Nếu không biết dệt thì sẽ không lấy được chồng. Nên các bà, các mẹ trước dậy tôi như nào giờ tôi dậy lại cho con cháu như vậy. Cứ như thế từ đời này sang đời khác để giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.

Hiện nay, những nghệ nhân dệt thủ công truyền thống ở Na Sang cũng đã lớn tuổi. Trước nguy cơ mai một nghề truyền thống, nhiều người có kinh nghiệm dệt lâu năm trong bản cũng đã và đang tiến hành truyền dạy cho con cháu.

Họ mong muốn gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của dân tộc để đưa các sản phẩm dệt thủ công của người Lào nơi đây đi xa hơn, trở thành một sản phẩm thương hiệu đặc sắc.

Lưu giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Lào

Chị Hoàng Yến Vy - Bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho hay: Trang phục của dân tộc Lào rất đẹp, nhiều màu sắc, thế hệ trẻ của bọn em cũng đang cố gắng để tiếp nối nghề dệt vải. 

Như em, từ khi 14 15 tuổi, ở nhà cũng được mẹ dạy cho cách dệt ra sao để được cái chân váy đẹp. Hiện nay em cũng đã biết dệt chân váy, dệt khăn cho mình. Sau này em cũng sẽ dậy lại cho con, cho cháu để thế hệ trẻ chúng em luôn phát huy được cái nghề dệt vải của dân tộc mình.

Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của người Lào ở Điện Biên   - Ảnh 5.

Vải sau khi nhuộm chàm bằng lá cây rừng sẽ đập ra cho mềm, mịn. Ảnh: Vinh Duy

Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của người Lào ở Điện Biên   - Ảnh 6.

Họa tiết thổ cẩm với nhều mầu sắc được dệt khéo léo thành những chân váy đẹp của người phụ nữ Lào. Ảnh: Vinh Duy

Để tạo điều kiện giữ gìn và phát huy nghề dệt thủ công truyền thống của người dân tộc Lào ở Na Sang, chính quyền xã Núa Ngam cũng đã thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang. 

Từ đó, giá trị sản phẩm dệt cũng đã được nâng lên, một số cơ sở tìm đến bản Na Sang để đặt hàng. Thế nhưng, các sản phẩm dệt ở Na Sang vẫn chưa xây dựng được thương hiệu để nhiêu nơi trên cả nước biết đến.

Ông Trần Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay UBND xã Núa Ngam đã hoàn thiện hồ sơ trình huyện, các cấp có thẩm quyền phê duyệt nghề truyền thống thành sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu vải thổ cẩm truyền thống cho bản Na Sang. 

Về phía UBND xã tiếp tục để khuyến khích vận động bà con phát huy truyền thống làng nghề lâu đời của dân tộc mình.

Trải qua nhiều thế hệ, nghề dệt thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Lào ở Na Sang vẫn được gìn giữ, bảo tồn. 

Thế nhưng, để trở thành một thương hiệu sản phẩm tạo nên nguồn thu nhập chính cho bà con nơi đây, các cấp, ngành địa phương cần có những cơ chế quan tâm hơn nữa nhằm tạo thương hiệu cho làng nghể. Để sản phẩm dệt thủ công của đồng bào Lào ở Na Sang sẽ trở thành một trong những điểm nhấn đối với du khách khi đến với mảnh đất này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem