Nở rộ hội nhóm chia sẻ cách "bùng nợ", công ty tài chính "đuối sức", nợ xấu tăng cao

31/10/2023 14:00 GMT+7
Các công ty tài chính bị đánh đồng với các tổ chức tín dụng đen và khách hàng cố tình bùng nợ, thậm chí hội nhóm chia sẻ cách "bùng nợ" vay tiêu dùng đang nở rộ. Khó chồng khó khiến các công ty tài chính "đuối sức".

Trong nhiều năm qua, việc cho vay tiêu dùng qua các kênh chính thức như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty tài chính công nghệ (fintech)… đã và đang đáp ứng nhu cầu vốn chi dùng cá nhân, góp phần tránh cho người dân phải tìm đến tín dụng đen.

Ước tính tới nay, các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay, với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.

Theo số liệu mới nhất của NHNN, tính đến ngày 31/7/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2022, chiếm 21,31% dư nợ nền kinh tế.

Nếu so sánh với mức tăng 22% của cả năm 2022, thì con số 2,93% của 07 tháng đầu năm nay là quá khiêm tốn. Số liệu trên cho thấy thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển khi nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân là rất lớn.

Trong 05 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khủng hoảng khi liên tiếp đối mặt nhiều khó khăn do dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng.

Nở rộ hội nhóm chia sẻ cách "bùng nợ", công ty tài chính "đuối sức", nợ xấu tăng cao - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo.

Khó chồng khó, công ty tài chính... đuối sức

Dẫn số liệu cho thấy sự khó khăn của các công ty tài chính tại Hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen" do Hệ sinh thái Thông tin kinh tế VTVMoney, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 31/10/2023 tại Hà Nội, ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei cho biết, trong nửa đầu năm 2023, dư nợ cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng đã giảm đáng kể với mức giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022 và 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022.

Những khó khăn của thị trường tài chính tiêu dùng đến từ nhiều nguyên nhân như: Kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng giảm; Trong nước, kinh tế 9 tháng đầu năm 2023, GDP tăng 4,24% là mức thấp nhất trong giai đoạn từ năm 2011 tới nay (trừ năm 2020, 2021 do tác động của dịch Covid-19); Người lao động có cầu tiêu dùng giảm do suy giảm thu nhập.

Đặc biệt, 2 lý do được ông Ninh nhấn mạnh đó là việc các công ty tài chính bị đánh đồng với các tổ chức tín dụng đen và khách hàng cố tình bùng nợ.

Vị này nêu rõ: Các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang bị đánh đồng với những tổ chức tín dụng đen khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.

"Có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép song giá trị tích cực mà các công ty này đang bị pha loãng bởi sự xâm lấn của hàng trăm tổ chức tín dụng phi chính thức - hay còn gọi là tín dụng đen. Việc bùng nổ các app cho vay tiêu dùng giả danh khiến góc nhìn của nhiều người đối với hoạt động của các công ty tài chính được cấp phép trở nên méo mó", ông Ninh nhấn mạnh.

Về ý thức trả nợ, có thực trạng một số bộ phận khách hàng "cố tình" bùng nợ. Thậm chí, hàng loạt hội nhóm ra đời chia sẻ cách thức trốn nợ, người trước bảo người sau, tạo hệ lụy lớn cho cho thị trường cũng như các công ty tài chính.

Nở rộ hội nhóm chia sẻ cách "bùng nợ", công ty tài chính "đuối sức", nợ xấu tăng cao - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng.

Làm rõ thêm khó khăn của các công ty tài chính, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10% cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

"Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình qui kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên zalo, facebook …. nhưng không hề bị xử lý. Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được, thực tế dự nợ không tăng mà còn giảm so với năm 2022 (giảm trên 60.000 tỷ). Người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng…", ông Hùng nhấn mạnh.

Đâu là giải pháp căn cơ?

Trong bối cảnh "khó chồng khó", ông Lê Quốc Ninh cho rằng giải pháp căn cơ nhất là những chính sách hỗ trợ vực dậy nền kinh tế; các chính sách tiền tệ, tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, từ đó giúp hồi phục thị trường tiêu dùng.

Bên cạnh đó là, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động truyền thông về tín dụng tiêu dùng chính thống, phân biệt rõ với hoạt động tín dụng đen.

Nở rộ hội nhóm chia sẻ cách "bùng nợ", công ty tài chính "đuối sức", nợ xấu tăng cao - Ảnh 3.

Ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei.

Ông Ninh cũng mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ cho các lực lượng thu hồi nợ và nhân sự của các công ty tài chính tiếp cận khách hàng để tìm giải pháp, thay vì có những giải pháp tiêu cực, thậm chí là ngăn cấm như hiện tại. Đồng thời phối hợp răn đe đối với những đối tượng cố tình mặc dù có tiền nhưng chây ì không trả nợ.

"Việc thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng bị hạn chế hơn rất nhiều so với ngân hàng bởi khách hàng không có tài sản đảm bảo. Hoạt động cho vay hoàn toàn dựa vào tín chấp, ý thức trả nợ của khách hàng", ông Ninh cho biết.

Đại diện MB Shinsei cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện các quy định đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng. Trong đó đáng chú ý là nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho phép quản lý dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp.

"Dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp theo luật hiện nay bị cấm tại Việt Nam. Song theo tại nhiều nước, dịch vụ này được quy định rõ ràng, chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý cho dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp.

Vị này cũng đề nghị được áp dụng ngưỡng nợ xấu riêng cho các công ty tài chính có sự khách biệt so với các ngân hàng thương mại. Phù hợp với đặc thù hoạt động và cho vay với đối tượng có thu nhập trung bình, thấp, không ổn định… của các công ty tài chính.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục