dd/mm/yyyy

Nông thôn mới Phước Sơn: Giao thông đi trước mở đường ấm no

Để mở đường thoát nghèo cho bà con khu vực vùng núi, vùng cao, huyện Phước Sơn đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, trong đó, giao thông nông thôn được ưu tiên hàng đầu.

Ưu tiên của huyện Phước Sơn là chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn.

Hiệu quả của cách làm trên ở Phước Sơn trong xây dựng NTM đã chứng minh có đường đi thuận lợi, bà con mới có cơ hội tiếp cận, giao lưu, trao đổi hàng hóa với nhau và phát triển kinh tế để nâng cao đời sống.

Nhân dịp này, Phóng viên Trang Trại Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quảng – Phó chủ tịch UBND huyện về những dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới mà huyện đã đạt được.

Sau hơn 6 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, theo ông đâu là những thành tựu nổi bật của huyện Phước Sơn?

Đi vào xây dựng NTM, Phước Sơn là huyện có xuất phát điểm thấp, bởi địa hình phức tạp, giao thông cách trở nên đi lại rất khó khăn. Vào mùa mưa, nhiều thôn bản, xã gần như tách biệt với các vùng lân cận. Việc phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào thuần nông, đời sống đại bộ phận của người dân trong vùng rất khó khăn.

Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Phước Sơn đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện xây dựng NTM. Trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ năm 2011 đến nay, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực để đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về đường - trường - trạm… tạo tiền đề cho những bước đi tiếp theo.

 Diện mạo cơ sở hạ tầng ở Phước Sơn đã có những thay đổi lớn nhờ nông thôn mới.

Đặc biệt, để mở đường thoát nghèo cho bà con miền núi, Huyện đã ưu tiên dành các nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhất là giao thông bằng nhiều nguồn khác nhau như Chương trình 30a, Chương trình 135, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA...

Huyện đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư đạt hơn 1.650 tỉ đồng. Nhờ đó mạng lưới giao thông trên địa bàn đã cơ bản ổn định, thông suốt đến tất cả các xã vùng cao trong cả 2 mùa.

Đường trục thôn, đường liên thôn, đường làng ngõ xóm trong khu dân cư được cứng hóa, không còn lầy lội vào mùa mưa. Đường đến khu sản xuất, đường nội đồng cũng đã đầu tư cơ bản, giải quyết được nhu cầu đi lại của người dân.

 Phần lớn người dân đã nhận thức được lợi ích tích cực của Chương trình NTM, biết được vai trò chủ thể của mình để cùng tham gia thực hiện, tư duy sản xuất mới đã dần được hình thành và phát triển, hướng đến sản xuất hàng hóa, nhiều hộ nông dân đã giàu lên từ phát triển giao thương, trồng trọt, chăn nuôi...
Ông Nguyễn Quảng – PCT UBND huyện Phước Sơn

Nhìn chung trong 5 năm qua, hạ tầng cơ sở đã tạo sức bật mới, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh. Tại thời điểm năm 2010, các tiêu chí về hạ tầng mới chỉ đạt rất thấp, nhất là về giao thông, thủy lợi, điện… trong đó nhóm 5 xã vùng cao hầu như không đạt. Đến nay qua rà soát, đánh giá, hầu hết các xã đã đạt chuẩn những tiêu chí này.

Bên cạnh đó, hạ tầng trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư… đến nay cũng đã có những chuyển biến tích cực, mặc dù chưa đạt chuẩn nhưng bước đầu đáp ứng cơ bản nhu cầu cuộc sống của nhân dân trên địa bàn.

Cùng với quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Phước Sơn luôn quan tâm đến phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và chọn những cây con có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai tại địa phương để đưa vào sản xuất. Đặc biệt, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, có hiệu quả kinh tế cao như Keo (1.000ha), Bời lời (200ha); chăn nuôi gia súc (trâu, bò) đạt gần 9.000 con, nhiều hộ có quy mô đàn từ 10-20 con.

Bên cạnh những kết quả đáng kể trên, hiện nay số tiêu chí đạt vẫn còn thấp. Theo ông, nguyên nhân và khó khăn trong triển khai xây dựng NTM của Phước Sơn là gì?

Do đặc thù xuất phát điểm của Phước Sơn còn thấp nên khi triển khai xây dựng NTM trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Lúc bắt đầu qua khảo sát và đánh giá, bình quân chỉ đạt được 1 đến 2 tiêu chí/xã, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, nhu cầu nguồn lực đầu tư khá lớn, trong khi việc phân bổ nguồn vốn ngân sách hàng năm từ Trung ương, tỉnh và huyện rất hạn chế, việc huy động sức dân đang gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng các công trình, không thể thực hiện đúng lộ trình theo đề án đã phê duyệt.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn cao, trình độ dân trí thấp và vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Việc lãnh đạo, chỉ đạo định hướng phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đổi mới và xây dựng các hình thức sản xuất phù hợp để nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn còn lúng túng, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động tại các xã chưa được triển khai thực hiện tốt.

Mục tiêu trọng tâm trong xây dựng NTM của Phước Sơn trong những năm tới và giải pháp thực hiện?

Mục tiêu Phước Sơn phấn đấu giai đoạn 2017 - 2020 tập trung đầu tư đưa 3 xã Phước Năng, Phước Chánh và Phước Xuân về đích NTM. Các xã còn lại tập trung đầu tư vào các tiêu chí gần đạt, phấn đấu tăng 1-2 tiêu chí/năm. Hoàn thành cắm mốc quy hoạch khu trung tâm và vùng phụ cận cho 11 xã. Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn đầu dự kiến 158.000 triệu để hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho các xã, nhất là các xã vùng cao, trong đó ưu tiên các hạng mục như: Đường vào các khu sản xuất, thủy lợi, khu thể thao xã, trường học, xử lý rác thải... để dảm bảo các tiêu chí cứng được đồng bộ và đạt chuẩn, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.


Chú trọng phát triển chăn nuôi đã giúp cho bà con nhân dân ở Phước Sơn có thu nhập khá ổn định.

Huyện cũng tiếp tục tổ chức thực hiện tái cơ cấu Ngành nông nghiệp theo kế hoạch được phê duyệt; thành lập các tổ đội sản xuất ở một số xã có điều kiện để tổ chức sản xuất theo hướng liên kết. Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế (nuôi cá lồng, nuôi bò sinh sản, heo đen, trồng keo, bời lời, bắp lai, chuối...) giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, tỉnh để đầu tư cho NTM theo như quy hoạch đã được duyệt, phù hợp với từng xã, trong đó ưu tiên nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, lựa chọn cơ cấu giống cây, con phù hợp để hỗ trợ cho nhân dân tổ chức sản xuất. Đồng thời, huyện cũng nghiên cứu lựa chọn một số cây, con giống mới, có giá trị kinh tế cao để đưa vào thực nghiệm tại một số xã như: Nuôi trên lòng hồ, nuôi mật ong truyền thống, trồng cây dược liệu (đẳng sâm, ba kích, sa nhân, cà gai leo...).

Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho các xã, nhất là các xã vùng cao, ưu tiên trong các hạng mục như: thủy lợi, trường học, xử lý rác thải... phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Nghĩa Đại – Trần Hậu