dd/mm/yyyy

Nông trại mai vàng “máy in tiền” của nhà nông Sài thành

Bao năm đánh vật với cây mía, nhưng khi chuyển qua trồng mai vàng, anh Trần Tứ Vương (Bình Lợi, Bình Chánh, TP.HCM) mới trở thành tỷ phú. Cứ mỗi dịp xuân về, nông trại mai “khủng” nhất Sài thành này biến thành… “máy in” tiền tỷ.

Nhân công vác mai ra điểm tập kết để giao cho thương lái.

Ghé xã Bình Lợi, tôi hỏi đường vô nhà Tứ Vương. Một bác nông dân hăng hái tình nguyện dẫn đường. “Nhà thằng Vương hả, ở tuốt trong đồng kìa. Giờ này chắc nó bận túi bụi lo chuyện bán mai tết cho thương lái rồi. Để tui dẫn anh đi”, vừa khoác vội cái áo sơ mi bạc màu, bác nói.

Mùa của… “máy in” tiền

Trên con đường rải đá phối xanh thẳng vào giữa đồng mai vàng rộng hàng trăm ha của xã Bình Lợi, chúng tôi bon bon xe vào nhà Tứ Vương. Khi cái Tết Nguyên đán cận kề, đi đâu trong cánh đồng mai vàng này cũng thấy nông dân trồng mai treo bảng bán mai. Trong tiết trời se lạnh, những nụ mai vàng nở sớm khoe sắc trên cành, khiến người xem có cảm giác “nàng xuân” đã về trước ngõ.

Cuối cùng thì cánh đồng mai vàng của Tứ Vương cũng hiện ra trước mặt. Cặp trên con đường Giáp Ranh, cả trăm gốc mai vàng hơn 3 tuổi được tập kết chờ lên xe tải đến lấy. Trong khi đó trong vườn, hàng loạt gốc mai vàng được đào lên nằm lăn lóc. Cả chục nhân công đang hì hục làm, người đào, người vác mai ra điểm tập kết. Thấy tôi đến, Vương cười tươi như phấn khởi báo hiệu một mùa vụ tết bội thu.

Mỗi dịp tết, hàng ngàn gốc mai từ vườn của Trần Tứ Vương được xe tải chuyển đến các tỉnh thành phục vụ người dân chơi xuân.

Theo Tứ Vương, cánh đồng mai vàng này rộng khoảng 5ha. Ngoài ra, anh còn hơn 5ha trồng mai vàng ở khu vực xã Hựu Thạnh (Đức Hòa, Long An). Từ khi bước vào vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu (tầm từ tháng 8 Âm lịch) đến nay, anh đã bán gần 3.000 gốc mai vàng các loại. Trung bình, một gốc mai có giá thấp nhất 450.000 đồng.

“Vào thời điểm nửa tháng trước Tết Nguyên đán, cánh đồng mai vàng rộng hàng trăm ha này sẽ ken đặc người mua mai, người bán mai. Xe tải từ khắp các tỉnh, thành rùng rùng kéo đến đây chở mai. Cứ mỗi dịp tết, ở đây cung cấp cả trăm ngàn gốc mai các loại cho thị trường. Riêng vườn mai nhà tôi, mỗi dịp tết cũng đóng góp gần chục ngàn gốc mai cho bà con chơi xuân”, Tứ Vương thổ lộ.

Trong nông trang mai của Tứ Vương lúc này có khoảng vài ngàn gốc mai độ tuổi từ 5 – 10 năm, cao 3 - 4m. Đây là “của để dành” mà Tứ Vương “dành dụm” ngay từ khi bắt tay vào trồng mai vàng. Bà con trồng mai ở đây, vì một số lý do, cứ trồng mai được 2, 3 năm thì gọi lái đến bán sạch kiếm một vài tỷ đồng. Với Vương, sau khi tuyển lại những cây mai đẹp, nuôi nấng để giành, mới gọi bán vườn mai.

“Mỗi dịp tết tôi xuất bán nhiều loại mai vàng có tuổi khác nhau. Tuy nhiên, năm nay tôi sẽ bán một số mai khủng ra thị trường. Tình hình kinh tế đang hồi phục so với các năm trước nên dịp tết năm nay sức mua mai tôi nghĩ sẽ khả quan hơn”, Tứ Vương hồ hởi.

Nếu như mỗi dịp tết, chủ vườn mai vàng bỏ túi tiền tỷ, thì giới nhân công làm mai cũng rủng rỉnh tiền trong túi. Hà Quang Thuận – một nhân công trồng mai cho Tứ Vương chia sẻ: vào mùa tết, cứ mỗi ngày đào mai bán cho lái anh cũng kiếm được gần triệu đồng. “Từ giờ đến Tết, cứ làm việc quần quật suốt ngày, hết đào mai rồi khuân vác. Cực nhưng có tiền là được”, Thuận nói rồi cười vui.

Khát khao thương hiệu “mai vàng Bình Lợi”

Sau khi xăng xái cột lại cẩn thận một gốc mai để chuẩn bị đưa lên xe tải giao thương lái, Tứ Vương thổ lộ: Vùng đất Bình Lợi khá thích hợp để trồng mai vàng. Mai vàng trồng ở đây rất ít khi bị ngập nước do có đê bao chống triều cường, cũng như ít khi mai trổ hoa sớm.

Trong vườn mai vàng của anh Trần Tứ Vương hiện có hàng ngàn gốc mai có độ tuổi từ 5 – 10 năm.

Theo định giá của những lái mai, mỗi gốc mai chục năm tuổi có giá nhiều triệu đồng. Chỉ riêng với “của để dành” khoảng vài ngàn gốc mai khủng này đã giúp Tứ Vương đứng vào hàng tỷ phú.

Theo Tứ Vương, việc nông dân Bình Lợi tiếp cận được với cây mai vàng là một nỗ lực sau hơn chục năm loay hoay, nghèo khó với các cây mía, cây khóm (dứa)… Tứ Vương kể tiếp: “Trước năm 2003, tôi trồng mía và thu mua mía cho bà con nông dân xã Bình Lợi. Làm cũng kiếm ăn được nhưng không khá. Một lần tình cờ đi qua làng mai Thủ Đức (TP.HCM) chơi, thấy mấy ông nông dân trồng mai nói chuyện kinh doanh mai, tôi thấy tiềm năng kinh tế của cây mai là siêu lợi nhuận”.

Về nhà, Tứ Vương bắt đầu “cơ cấu hóa” lại cây trồng. Anh dẹp dần diện tích trồng mía rồi bắt đầu nhân giống trồng mai. Tuy nhiên , từ năm 2010 đến nay, anh mới ồ ạt tăng diện tích mai trồng. Hết đất khu vực Bình Lợi, anh chạy sang Hựu Thạnh thuê đất trồng mai. Với hơn 10ha mai vàng, Tứ Vương đang được xem là người trồng mai “khủng” nhất Sài thành.

Theo Tứ Vương, so với 1ha mía, 1ha mai cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Mỗi ha trồng được khoảng 10.000 cây mai. Nếu để khoảng 3 năm tuổi, 1ha mai này có thể bán được hơn tỷ đồng. Nếu biết làm ra thành phẩm thì lợi nhuận còn lớn hơn nhiều.

Từ ngày đưa cây mai vàng về xã Bình Lợi không chỉ giúp anh Vương trở thành tỷ phú mà còn giúp đời sống nông dân theo trồng loại cây này vươn lên thoát nghèo, có đời sống khấm khá hơn. Trần Tứ Vương cũng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố.
Ông Trần Trường Sơn - Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM.

Trước đây, nông dân trồng mai ở Bình Lợi chỉ trồng mai nguyên liệu cung cấp cho các nghệ nhân làng mai khác do chưa có tay nghề làm mai thành phẩm (mai ghép, bonsai) và cũng để tránh đối đầu với sản phẩm mai từ các nơi, như: Bến Tre, Thủ Đức, Bình Định… Nhưng gần đây, nông dân trồng mai Bình Lợi đã nhảy vào việc làm mai thành phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm.

“Thời gian qua các làng mai Bến Tre và Thủ Đức đang giảm dần sản phẩm mai bonsai và mai ghép, do đô thị hóa và thời tiết không thuận lợi. Nông dân trồng mai ở đây biết được tình trạng này. Và cùng lúc đấy là nhu cầu nâng cao giá trị sản phẩm nên nông dân trồng mai xã Bình Lợi đã chuyển dần từ chỗ chỉ làm mai nguyên liệu sang làm mai thành phẩm nhằm tiếp cận thị trường”, Tứ Vương cho biết.

Theo Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Bình Lợi Phan Tiến Đạt, hiện ở khu A (xã Bình Lợi) có khoảng 800 hộ dân thì hơn 200 hộ đang trồng mai vàng với diện tích hơn 200ha. Chỉ tính riêng trong Câu lạc bộ Sinh vật cảnh xã Bình Lợi có hơn chục thành viên thì mỗi năm xuất bán 200.000 cây nguyên liệu.

Tứ Vương cho biết, anh sẽ mở rộng thêm 5ha đất để trồng mai, cũng như đã đề nghị Sở NN&PTNT Thành phố quy hoạch nơi đây thành vùng nguyên liệu mai vàng, xây dựng thương hiệu cho mai vàng Bình Lợi.
Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết: Sở đang lên kế hoạch xây dựng thương hiệu mai vàng Bình Lợi nhằm hỗ trợ nông dân ở đây phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Trần Đáng