Ông Trần Bá Dương: "Giá heo hơi tăng cao mặt nào đó khuyến khích đầu tư căn cơ, bài bản"

09/05/2020 11:03 GMT+7
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) cho rằng, thời gian gần đây giá heo hơi tăng cao ở một mặt nào đó là khuyến khích đầu tư căn cơ, bài bản để sau này Nhà nước không cần phải can thiệp thị trường, xây dựng ngành nuôi heo bền vững, chứ không phải tạo ra tâm lý, ỉ lại.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng và Doanh nghiệp sáng nay 9/5, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm 25% nhưng cam kết nộp ngân sách nhà nước 12.000 tỷ đồng (giảm 15% so với năm trước).

Ông Trần Bá Dương: "Giá heo hơi tăng cao một mặt nào đó khuyến khích đầu tư căn cơ" - Ảnh 1.

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương

Đưa ra các giải pháp, Chủ tịch Thaco đề nghị, Nhà nước nên ưu tiên cho thành phần doanh nghiệp dễ bị tổn thương, SME và doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy từng giai đoạn, doanh nghiệp sẽ có lời, có lỗ nên ông Dương đề nghị Nhà nước có các giải pháp điều hành kinh tế hài hoà, cân nhắc về giải quyết khó khăn trước mắt. Cần tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, phù hợp kinh tế thị trường.

"Mục tiêu là không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn khuyến khích tinh thần đổi mới với đích tới là tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, phù hợp với kinh tế thị trường", ông Dương nói.

Dẫn chứng cho ý điều hành kinh tế hài hòa, ông Trần Bá Dương ví dụ về giá heo hơi thời gian gần đây liên tục tăng cao. Ở khía cạnh nào đó, việc tăng giá này sẽ thúc đẩy, khuyến khích về đầu tư căn cơ, bài bản để sau này Nhà nước không cần phải can thiệp thị trường, xây dựng ngành nuôi heo bền vững, chứ không phải tạo ra tâm lý, ỉ lại.

"Tôi đề nghị không nêu trực tiếp các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp để làm mất nhuệ khí của doanh nghiệp, xin chia sẻ với cộng đồng doanh nhân như thế", ông Dương nhấn mạnh.

Ông Dương cũng kiến nghị các chính sách thúc đẩy kinh tế sau dịch Covid-19 ở các cấp ngành cần tập trung cao điểm quyết liệt, đồng hành cùng doanh nghiệp như thời gian chống dịch vừa qua. Sớm nới lỏng với Lào và Campuchia, các nước có nguy cơ dịch thấp, ưu tiên cửa khẩu đường bộ sớm hơn thuận tiện giao thương sản xuất kinh doanh.

Đề cập trực tiếp đến doanh nghiệp của mình, ông Dương cho hay trước nay Thaco nhập linh kiện về nhưng phải xuất hơn 90% container rỗng về TP. HCM hoặc ra Hải Phòng.

Theo đó, hàng xuất từ miền Trung phải đưa về TP. HCM rồi mới xuất khẩu, dẫn đến giá thành vận chuyển cao gấp rưỡi so với 2 đầu đất nước. Thời gian qua, với nỗ lực xuất khẩu, hiện lượng xuất khẩu đạt khá lớn và tăng nhanh, ví dụ tháng 4 đạt 1.000 container, dự kiến cuối năm đạt 1.500 container/tháng, sang năm 2021 đạt hơn 2.000 container/tháng. Như vậy đến cuối năm giá thành tại Chu Lai – Quảng Nam sẽ bằng ở TP. HCM và Hải Phòng.

"Nhưng có 2 dự án lớn có chủ trương từ 2018 nhưng chưa được triển khai. Một là luồng tàu Cửa Lở đón tàu 5 vạn tấn, vốn đầu tư 5.000 tỷ và Quốc lộ 14A nối từ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đi TP. HCM, chiều rộng 5, 5 – 7m hiện đang xuống cấp, vốn đầu tư khoảng 1.700 tỷ.

Thaco xin ứng vốn thực hiện và xin các cơ chế tạo nguồn thu hoàn vốn. Nếu 2 dự án này được làm nhanh, Thaco hứa với Thủ tướng sẽ tiếp tục phát triển Chu Lai, miền Trung trong công – nông nghiệp và giao nhận vận chuyển…", ông Dương nói.

M.Lan
Cùng chuyên mục