Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Mong các gói hỗ trợ không “rơi rớt dọc đường”

Thanh Phong - Quang Dân - Lê Thúy Thứ sáu, ngày 08/05/2020 17:47 PM (GMT+7)
Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp" được doanh nghiệp, doanh nhân và chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng. Thông qua Hội nghị này, họ mong rằng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch Covid-19 không bị "rơi rớt dọc đường"
Bình luận 0

Sáng mai (9/5), sẽ diễn ra Hội nghị trực tuyến "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp". Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế. Giới doanh nhân, doanh nghiệp cùng các chuyên gia đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự kiện này. Trao đổi với Dân Việt trước thềm hội nghị, nhiều DN đã có những bày tỏ, kiến nghị đến Thủ tướng.

Hỗ trợ đầu ra cho nông sản

Anh Trần Văn Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần Phong cách mới (Thanh Hóa), một DN chuyên ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cho biết, dịch Covid-19 gây ra cho công ty rất nhiều xáo trộn trong hoạt động kinh doanh. Từ khâu sản xuất, nhân công đến chăm sóc và đầu ra cho nông sản đều bị ảnh hưởng.

Anh Tân chia sẻ, rất nhiều lần DN trình văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện để tiếp cận với những chính sác hỗ trợ về nông nghiệp hoặc vay vốn mở rộng thị trường, quy mô sản xuất, tuy nhiên vẫn chưa được chấp thuận.

"Khác với những ngành nghề khác, mặt hàng nông sản thường thu hoạch theo mùa. Thành phẩm sau thu hoạch thường không để được lâu. Trong khi đó, chi phí bảo quản, kho lạnh, bến bãi và vận chuyển rất tốn kém. Hơn nữa, đa phần vốn đổ vào của người dân thường là các khoản vay ngắn hạn, nghĩa là xong mùa thu hoạch phải thanh toán cho chủ nợ. Vì thế, nếu để tình trạng khó khăn kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến đời sống người dân", anh Tân cho hay.

Trước thềm hội nghị với Thủ tướng: DN mong các gói hỗ không “rơi rớt dọc đường” - Ảnh 1.

DN vẫn "đau đáu" vấn đề đầu ra cho sản phẩm

Theo anh Tân, mong muốn lớn nhất của DN với Chính phủ là tiếp cận được các nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ về cơ chế tiếp xúc thương mại, tiếp cận với thị trường nội địa và xuất khẩu thông qua các kênh để sản phẩm tới được với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, đặc thù với những sản phẩm nông nghiệp cao cấp, có chứng nhận an toàn thực phẩm, đạt 4 sao, đủ điều kiện VietGAP sẽ được bảo vệ thương hiệu, giá cả và đầu ra được chú ý hơn những sản phẩm bình thường trên thị trường hiện tại.

Tương tự, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hồng Xuân (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết, vải thiều đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch, tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, người dân rất lo lắng về đầu ra cho loại nông sản này.

"Mỗi năm, phần lớn vải thiều sẽ được các thương lái Trung Quốc thu mua, nhưng năm nay có dịch Covid-19 không biết hai bên Chính phủ có mở cửa khẩu cho thương nhân Trung Quốc sang thu mua không?", ông Dũng băn khoăn.

Thời gian tới, HTX mong muốn nhà nước, các cấp chính quyền tạo điều kiện, kết nối với những hệ thống siêu thị lớn trong nước nhằm giúp HTX và nông dân có thể cung cấp nông sản vào trực tiếp các kênh bán hàng này.

Bên cạnh đó, trong thời điểm khó khăn, DN đề xuất Chính phủ hỗ trợ các công ty nông sản trong vấn đề vận tải, vận chuyển hàng hóa như hỗ trợ cước vận chuyển, thuế, phí cầu đường để giảm bớt gánh nặng cho người dân.

Mong các gói hỗ không "rơi rớt dọc đường"

Ông Nguyễn Trọng Duy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nhựa NAACO cho biết, do tác động của dịch Covid -19, các hoạt động xây dựng giảm nên doanh thu của DN sản xuất vật tư cũng bị ảnh hưởng. Thời gian vừa qua, công ty bị giảm tới 50% doanh số. Hiện nay DN phải chủ động "phòng thủ" như tiết giảm một số chi phí chưa cần gấp. Cố gắng duy trì nhân công để khi hết dịch khôi phục hoạt động.

"Để thích nghi với tình hình, chúng tôi cũng phải tăng cường hoạt động online. Đây cũng có thể nói là một cơ hội để chúng tôi chuyển đổi công nghệ số, nghiên cứu thêm sản phẩm mới. Tuy nhiên, mặt hàng của chúng tôi cũng rất hạn chế đối với việc bán online, chủ yếu là chăm sóc khách hàng, tư vấn", ông Duy chia sẻ.

Theo ông Duy, đối với các DN tư nhân, khi biết được thông tin có các gói hỗ trợ thì rất là mừng. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn nghi ngại về khả năng hỗ trợ của các gói này.

Trước thềm hội nghị với Thủ tướng: DN mong các gói hỗ không “rơi rớt dọc đường” - Ảnh 2.

Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nhằm chiếm thị phần là vấn đề quan tâm hàng đầu của DN.

"Chúng tôi cũng không hy vọng nhiều lắm vì không biết các hỗ trợ có "rơi rớt dọc đường" không? Khi nào có thể tới tay DN? Trong thời điểm khó khăn như hiện tại, về chi phí đối với DN giảm được cái gì thì hay cái đó. Tuy nhiên, từ trước tới giờ, tôi nhận thấy chính sách thì rất tốt, nhưng các thủ tục để làm thì chậm quá.

Đặc biệt là đối với các DN sản xuất kinh doanh, cụ thể, rất nhiều sản phẩm của Trung Quốc gần giống với sản phẩm của chúng tôi và đương nhiên, họ chiếm thị phần rất lớn. Trong thời điểm hiện tại, khi Trung Quốc đang ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến ngưng trệ hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Lúc này DN đang rất cần được hỗ trợ để giới thiệu sản phẩm tới các đối tác quốc tế các sản phẩm đó để có thể nắm được thị phần", ông Duy nói.

Theo đó, ông Duy nhận định, vấn đề hiện tại tất cả DN đều cần là việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Nói rõ ràng hơn là lo phần đầu ra cho sản phẩm.

"Thời gian qua, công ty NAACO cũng xuất khẩu khá nhiều sản phẩm đi các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu,… Tuy nhiên, hiện tại các nước này đều bị ảnh hưởng của dịch nên đóng cửa nền kinh tế, hàng hóa của bị ứ đọng rất nhiều. Do vậy, vấn đề lớn nhất của DN lúc này là tìm đầu ra, sự hỗ trợ lớn nhất về phía nhà nước chúng tôi cần lúc này là việc xúc tiến thương mại", ông Duy thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem