dd/mm/yyyy

Phát triển nông nghiệp chất lượng cao ở Tam Kỳ

Nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, huyện Tam Kỳ (Quảng Nam) đã xây dựng hoàn chỉnh phương án sản xuất nông nghiệp đô thị theo mô hình chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 Làng nghề chiếu cói ở xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ phát triển mạnh. 

Phát triển nông nghiệp hàng hóa

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, cho biết: Trong năm 2016, Tam Kỳ đã triển khai Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp đến các địa phương, gồm các mô hình: vùng rau muống biển Tam Thanh; cánh đồng lớn sản xuất lúa tại thôn Thái Nam (xã Tam Thăng); liên kết với doanh nghiệp Việt Thắng thực hiện các mô hình sản xuất tại Tam Ngọc; xúc tiến các chuỗi giá trị của tỉnh trên địa bàn thành phố như gà Mười Tín, thịt lợn Tam Phú; xúc tiến quy hoạch vùng nuôi tôm ven sông Trường Giang và làm thí điểm theo hướng VietGAP.

Mô hình trồng ớt bao tiêu sản phẩm theo chuỗi liên kết ở xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ.

“Về việc triển khai tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất), xã Tam Thanh chọn tổ hợp tác nước mắm để nâng cấp thành hợp tác xã sản xuất nước mắm Tam Thanh; xã Tam Phú hình thành HTX dịch vụ nông nghiệp; Tam Ngọc tiếp tục hỗ trợ, phát triển HTX Đồng Hành...”, ông Nam cho biết thêm.

Vụ Đông xuân 2016-2017, Thành phố triển khai gieo trồng trên 2.230ha, đạt 92,7% kế hoạch. Tổng sản lượng đạt trên 6.770 tấn; tăng 387,6 tấn so với cùng kỳ. Tổng đàn gia súc giảm 6,5%, gia cầm tăng gần 30% so với năm ngoái. Về khai thác thủy sản đạt 53,8% kế hoạch năm và bằng 112% so với cùng kỳ. Nuôi trồng thủy sản với diện tích thả nuôi tôm gần 120ha.

Liên kết theo chuỗi giá trị 4 nhà

Thành phố tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 2017-2018 với việc quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa và xây dựng chuỗi giá trị nông sản an toàn.

Nghề khai thác thủy, hải sản được Tam Kỳ chú trọng đầu tư để phát triển theo chuỗi liên kết.

“Yêu cầu các xã, phường cần tăng cường lãnh đạo sâu sát hơn nữa trong xây dựng NTM; quan tâm đến hoạt động của các HTX; đôn đốc tiến độ giải phóng mặt bằng xây dựng chợ Tam Thanh; đẩy mạnh tiến độ dồn điền đổi thửa tại Tam Phú; tăng cường liên kết sản xuất chuỗi; các phòng, ban phát huy vai trò, tăng cường phối hợp cùng với địa phương thực hiện xây dựng NTM…”, ông Nguyễn Minh Nam – Trưởng phòng kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết.

 “Để tháo gỡ khó khăn do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, đầu ra của sản phẩm quá bấp bênh, Thành phố đã tập trung xây dựng hoàn chỉnh phương án sản xuất nông nghiệp đô thị theo mô hình chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là giải pháp hướng đến một nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao…”
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ.

Để cùng nhau phát triển theo chuỗi giá trị 4 nhà cùng liên kết, Thành phố đã ký kết với Công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu Việt Thắng (chi nhánh tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư để liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Hiện Công ty trên đang hợp đồng thu mua ớt cho bà con nông dân tại xã Tam Ngọc và phường Hòa Hương hơn 4ha của hơn 30 hộ dân với giá thành sản phẩm 4.500 đồng/kg. Thời gian tới sẽ mở rộng thêm các mặt hàng nông sản khác.

Ông Đỗ Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020 Thành phố sẽ triển khai thí điểm 5 chuỗi giá trị từ quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Những chuỗi giá trị mà Tam Kỳ nhắm đến là thịt gà, thịt heo, rau củ quả, hoa cây cảnh, tôm nuôi.

Tam Kỳ có hơn 200ha đất triển khai những mô hình canh tác rau củ quả, hàng năm thu về tổng sản lượng 6.600 - 7.600 tấn sản phẩm. Khi triển khai thí điểm chuỗi giá trị này, địa phương sẽ chọn các vùng sản xuất chính ở Trường Xuân, Hòa Thuận, Tam Phú, Tam Thanh làm điểm nhấn.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 12.200 con heo, trong đó heo ngoại chiếm 30% tổng đàn. Tại Tam Ngọc, Trường Xuân, Tam Phú, An Phú đã hình thành 2 trang trại và 13 gia trại chuyên nuôi heo hướng nạc với quy mô mỗi năm xuất chuồng 200 - 1.000 con/mô hình.

Đối với con tôm, hiện nay Thành phố có 267ha mặt nước chuyên nuôi tại các xã Tam Thanh, Tam Phú, Tam Thăng, Hòa Hương, An Phú. Khi triển khai chuỗi giá trị, Tam Kỳ sẽ lấy vùng đã quy hoạch phát triển nghề nuôi tôm theo hướng VietGAP ở xã Tam Phú làm điểm, sau đó nhân rộng ra các nơi khác…

Tam Kỳ đang hoàn chỉnh việc dồn điền đổi thửa tại các xã NTM.

“Đề án hướng đến năm 2020 thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng/người/năm. Để những chuỗi giá trị vừa nêu mang lại thành công lớn cho người dân Tam Kỳ, Thành phố ưu tiên nguồn lực tài chính xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và hỗ trợ nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã mua sắm những loại máy móc hiện đại phục vụ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm.

Thời gian tới, Thành phố tiếp tục xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm cho nông hộ. Thực hiện gắn kết “4 nhà” trong sản xuất, chế biến và thu mua sản phẩm. Trong đó sẽ hình thành nguồn kinh phí xúc tiến đầu tư tiêu thụ sản phẩm của thành phố để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ hợp tác, cá nhân liên kết với nông dân trong sản xuất, thu mua nông sản…”, ông Minh chia sẻ.

Trương Hồng - Trần Hậu