dd/mm/yyyy

Phát triển thương hiệu lúa đặc sản hành trình gian nan

Nếp Tú Lệ (Yên Bái), Séng Cù (Lào Cai), Tám xoan Hải Hậu (Nam Định)… là các giống lúa đặc sản có chất lượng vượt trội, có tiềm năng xuất khẩu và được người tiêu dùng trong, ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, việc phát triển, mở rộng và tìm đầu ra cho các giống đặc sản này đang gặp nhiều khó khăn.

Nông dân Tú Lệ (Yên Bái) thu hoạch lúa đặc sản nếp Tú Lệ

Chất lượng, thương hiệu đã có

Lúa nếp Tú Lệ là đặc sản của tỉnh Yên Bái, được biết đến là loại lúa, gạo có nhiều đặc tính quý là cơm ngon, dẻo lâu, vị đậm, ngậy. Đặc biệt cốm nếp Tú Lệ có hương vị đặc trưng riêng, thơm ngào ngạt.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lò Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Tú Lệ cho biết: Do được trồng trên những cánh đồng màu mỡ nên nếp Tú Lệ bao đời nay được người nông dân nâng niu, gìn giữ như “hạt ngọc trời ban”, chỉ để thết đãi khách quý hoặc những dịp lễ trọng.

Gạo Tám xoan Hải Hậu (Nam Định) ngon nức tiếng cả nước.

Theo ông Thức, năm 2008, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể “Nếp Tú Lệ” cho sản phẩm gạo nếp của Hội Nông dân xã Tú Lệ. Thời gian qua, các dự án phục tráng giống lúa quý này đã và đang được triển khai, góp phần bảo tồn và phát triển giống lúa “có một không hai” ở vùng miền núi phía Bắc.

Cũng nổi tiếng không kém lúa nếp Tú Lệ, lúa Tám xoan ở Hải Hậu được xếp vào dòng đặc sản trứ danh của Việt Nam. Ông Vũ Văn Triển - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) cho rằng: Là đặc sản, Tám xoan nổi tiếng, từng một thời được dùng để tiến vua. Từ tháng 10.2004 để giữ gìn và phát triển thương hiệu gạo tám xoan, Hải Hậu đã thành lập Hiệp hội Gạo tám xoan Hải Hậu với mục đích bảo vệ quyền lợi cho người nông dân và đảm bảo chất lượng cho hạt gạo tám xoan.

Để các loại lúa, gạo đặc sản ở phía Bắc phát triển hơn, các cơ quan chức năng và địa phương cần tiếp tục đầu tư để chọn lọc và phục tráng, duy trì ổn định kiểu gen để bảo đảm chất lượng nguyên bản của giống… Đặc biệt, các địa phương rà soát quy hoạch vùng thích hợp, đầu tư thủy lợi để chủ động gieo trồng, thâm canh, không chạy theo số lượng, ổn định chất lượng và giá trị….
Ông Trần Xuân Định

Tiếp đó, đến tháng 5.2007 hạt gạo tám xoan Hải Hậu chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp giấy chứng nhận thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Gạo tám xoan Hải Hậu” - thương hiệu cao nhất về hàng nông sản.

Khó mở rộng diện tích

Ông Triển cho biết thêm: Dù đã quá nổi tiếng, song hiện nay gạo Tám xoan Hải Hậu đang phải đối mặt với việc bị làm giả, đồng thời gặp khó khăn trong mở rộng diện tích sản xuất, tìm chỗ đứng trên thị trường.

“Diện tích trồng lúa Tám xoan (lúa cao cây) đã bị thu hẹp chỉ còn 1/5 so với 5 năm trước và chỉ còn được trồng trên địa bàn xã Hải Đường, huyện Hải Hậu với diện tích khoảng 30ha, năng suất trung bình khoảng 2 tấn/ha. Với diện tích trồng ít, gạo Tám xoan được thu hoạch sau tháng 11 nhưng đến sau Tết Nguyên đán gần như không còn. Gạo làm ra chỉ đủ để người dân Hải Hậu sử dụng”, ông Triển chia sẻ.

Nói về những khó khăn trong phát triển các thương hiệu gạo đặc sản, ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Khó khăn trong phát triển diện tích lúa đặc sản ở trung du, miền núi phía Bắc là rất khó hình thành những vùng sản xuất, vùng nguyên liệu lớn. Việc liên kết với doanh nghiệp chưa nhiều, chưa đủ mạnh; đầu tư công nghệ để xay xát, chế biến cũng hạn chế…”, ông Định nhấn mạnh.

Đăng Quang