Mất khá nhiều thời gian trên con đường bê tông loằng ngoằng, chúng tôi mới lần ra ngôi nhà nhỏ của anh Đặng Phát Cường (xã Nhơn Đức, Nhà Bè, TP.HCM) núp sau đám cây ven rạch Dơi.
Anh Đặng Phát Cường và những hồ cá dã chiến dùng để thuần dưỡng cá đặc chủng.
Chính con rạch nước lợ này đã nuôi dưỡng những con cá hoang dã khiến anh Cường nghĩ ra cách làm nông lạ đời, đáp ứng thú chơi của những người chơi cá kiểng.
“3 năm trước, trong một lần nhìn thấy những con cá lìm kìm, bống mắt tre… vẫy vùng trong túi cào của những người cào cá trên rạch Dơi, tôi chợt nghĩ tại sao không thuần dưỡng loại cá hoang dã này để cung cấp cho người chơi cá kiểng”, anh Cường giải bày.
Lúc đầu, anh Cường chỉ nuôi 2 loại cá: Thòi lòi và cá bống mắt tre. Theo anh Cường, thòi lòi là loại cá độc lạ, dễ gây sự chú ý cho người khác bởi những tập tính mà gần như đa số các loại cá khác không có được.
“Thòi lòi có thể leo cây, nhảy linh hoạt trên mặt đất. Càng độc đáo là nó săn mồi trên cạn lẫn dưới nước. Còn cá bống mắt tre sở hữu màu sắc khi trưởng thành không hề thua kém các loại cá cảnh khác. Chính vì điều này mà những người sành chơi cá kiểng thích nuôi”, anh Cường chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm về nuôi cá nước lợ, anh Cường cho rằng, người nuôi cần phải hiểu rõ đặc tính loại cá hoang dã trước khi tiến hành thuần dưỡng.
Theo anh Cường, khó nhất là giai đoạn thuần nước, vì lúc đầu nếu pha tỷ lệ nước không chuẩn, cá nước lợ chưa quen với môi trường mới sẽ bị sốc và chết ngay.
Hiện, anh Cường mở rộng nuôi thêm các loại cá khác như: Hải long, cá lìm kìm, cá nâu, cá cao xạ pháo, cá nóc; cua nhện và một số loại tép….
Tất cả đều bán tính theo đơn vị con. Giá cá thòi lòi thấp nhất cũng 10.000 đồng/con; hải long, cá ngựa gai 100.000 đồng/con, cua nhện 25.000 đồng con…
Cá nóc, lìm kìm... - những loại cá đặc chủng của Việt Nam giờ đã thành cá kiểng xuất đi nước ngoài.
Nguồn cá hoang dã này tự tay anh bắt và mua lại từ những người đánh bắt cá trên sông rạch.
“Khách hàng của tôi không chỉ ở TP.HCM mà đã vươn ra cả nước với nguồn hàng cung ứng khá ổn định. Mỗi tháng trừ đi chi phí tôi còn lời khoảng 15 triệu đồng”, Cường cho hay.
Theo ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Đức, mô hình thuần dưỡng cá hoang dã đặc chủng của anh Cường mang lại hiệu quả kinh tế rất thiết thực. “Xem thì thấy cứ như đang làm chơi, nhưng hiệu quả kinh tế rất tốt”, ông Hùng đánh giá.
Cũng thuần dưỡng cá hoang dã, nhưng nếu anh Cường chỉ bán buôn thị trường trong nước thì anh Trịnh Ngọc Hùng - quản lý trại cá Saigon Aquarium (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM), đã xuất loại cá độc lạ này ra thị trường nước ngoài.
Hiện, tại trại cá này đang thuần dưỡng các loại cá sông đặc chủng, như: Lìm kìm, thòi lòi, sặc, lòng tong, nóc, lau kiếng bướm, ốc suối, ốc sọc dưa… Trong suốt thời gian thuần dưỡng, thức ăn của cá chủ yếu là con Armenia.
Theo anh Hùng, các loại cá sông này được thu mua lại của nông dân từ khu vực Tây Nguyên, miền Trung và Nam Bộ.
“Vào mùa, người dân Cần Giờ (TP.HCM) vào rừng đước soi đèn bắt các loại cá đặc chủng này. Mỗi ngày, mỗi người bắt được hàng ngàn con để bán. Sau khi mua cá về, trại sẽ pha nước từ 8 - 14 phần ngàn rồi thuần cá trước khi xuất khẩu”, anh Hùng thổ lộ.
Anh Trịnh Ngọc Hùng (áo xanh) trong một lần dẫn đoàn Trung ương Hội Nông dân VN đi xem thuần cá đặc chủng.
Theo anh Hùng, dòng cá đặc thù này của VN đang được thị trường cá kiểng châu Âu rất ưa thích. Mỗi tháng trại cá Saigon Aquarium xuất khẩu khoảng 4 triệu con cá kiểng, trong đó khoảng 20.000 con cá sông đặc chủng Việt Nam.
“Mỗi con cá đặc chủng có giá từ vài USD đến vài chục USD chứ không rẻ đâu”, anh Hùng cười nói.