Tổng cục thống kê vừa thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2020. Đáng chú ý, trong khi hầu hết các ngành đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo chiều hướng tiêu cực như ngân hàng, chứng khoán thì hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2020 lại đạt mức tăng cao.
Ngắn hạn hưởng lợi, khó khăn lâu dài
Cụ thể, hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%. Các công ty Bảo hiểm nhân thọ đã cung cấp nhiều gói sản phẩm linh hoạt mang tính thời điểm, tăng các gói hỗ trợ nhằm thu thút khách hàng sở hữu các hợp đồng bảo hiểm phù hợp.
Điều này hoàn toàn trùng khớp với dự báo do Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) đưa ra cách đây không lâu. Theo Công ty chứng khoán SSI, ngành bảo hiểm trong mùa dịch được đánh giá chịu ảnh hưởng cả chiều tích cực lẫn tiêu cực.
Với nhóm bảo hiểm nhân thọ, thông tin dịch bệnh sẽ có ít tác động trong ngắn hạn và nhiều khả năng hưởng lợi trong dài hạn bởi nhu cầu được bảo hiểm sẽ tăng lên khi xuất hiện dịch bệnh.
Trong khi đó, với các công ty bảo hiểm nói chung, dịch bệnh tại Việt Nam có thể khiến chi phí bồi thường tăng lên ở mức vừa phải. Bởi hầu hết các chi phí y tế sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả. "Việc thanh toán chi phí bồi thường thực tế có thể xảy ra 1 - 2 tháng sau sự cố, do đó, tác động này sẽ chưa thể hiện nhiều trong quý I/2020", SSI cho hay.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, đại diện các công ty bảo hiểm nhân thọ thừa nhận, trong ngắn hạn công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, với diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay của dịch Covid-19, sắp tới đây các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ rất khó khăn.
"Đến nay ý thức của người dân tham gia bảo hiểm đã gia tăng nhưng dịch bênh kéo dài sẽ ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế, suy thoái kinh tế có thể khó tránh khỏi. Khi suy thoái kinh tế tôi e ngại rằng, một số công ty bảo hiểm sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn bởi lúc này khách hàng không còn đủ khả năng duy trì khoản phí đóng hàng năm cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Hiện nay thì thấy các công ty bảo hiểm đang ăn nên làm ra nhưng nhìn sâu hơn về lâu về dài thì rất khó khăn nếu như các công ty bảo hiểm không có chính sách giúp cho khách hàng duy trì hợp đồng bảo hiểm", lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhấn mạnh.
Ngoài ra, tỷ lệ đến bù hợp đồng bảo hiểm được dự báo sẽ tăng đột biến vì tỷ lệ doanh nghiệp phá sản nhiều, người dân thất nghiệp, thu nhập giảm… nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm khác thì lại cho rằng, hiện nay mặt bằng lãi suất đang có chiều hướng sụt giảm xuống mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế do ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi tức đầu tư của các công ty bảo hiểm. Như vậy, khó chồng khó đối với doanh nghiệp bảo hiểm.
Công ty bảo hiểm gặp "hên" khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam?
Dưới góc nhìn của một người đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Lê Quang cho biết, trong 25 năm qua, Việt Nam chỉ có 10% dân số có bảo hiểm. Số lượng người bị nhiễm Covid-19 ngày càng đông nhưng số người có trang bị bảo hiểm quá ít. Trong khi đó, Việt Nam cũng chưa có ca tử vong nào do Covid-19 từ đầu mùa dịch đến nay nên bảo hiểm nhân thọ chưa phải đền bù cho khách hàng. "Nếu có thì chẳng qua đền mấy ca kiểu nằm viện qua đêm 14 ngày. Đền kiểu đó chẳng thấm vào đâu so với tiềm lực tài chính của Công ty bảo hiểm nhân thọ", vị này nhấn mạnh.
Hiện, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 66 doanh nghiệp bảo hiểm (trong đó có 30 doanh nghiệp phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 16 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 454.379 tỷ đồng, tăng 15,03% so với năm 2018. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 376.555 tỷ đồng, tăng 16,36%. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 89.345 tỷ đồng, tăng 9,3%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 160.180 tỷ đồng, tăng 20,54%; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 38.590 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ chi trả quyền lợi chỉ chiếm khoảng 24% so với doanh thu phí bảo hiểm.
Giả sử Việt Nam bị nhiễm Covid-19 kịch trần 1.000 ca, 10% dân số có bảo hiểm nhân thọ, tương đương 100 người. Với 18 công ty bảo hiểm nhân thọ, giả định chia đều ra thì mỗi Công ty gánh 5,6 người nhiễm bệnh Covid-19. Con số này còn ít hơn so với các ca tai nạn hoặc bệnh tật khác đang có ở Việt Nam.
Một thực tế khác cũng cho thấy, hiện tại người dân Việt Nam tham gia bảo hiểm thiên về mua bảo hiểm nhân thọ cho trẻ em. Các sản phẩm bảo hiểm dành cho người trụ cột gia đình lại ít được quan tâm. Điều đáng nói, trẻ em lại có nguy cơ nhiễm corona thấp nhất và hầu như không có đáng kể mà bảo hiểm lại tập trung bán cho đối tượng này là nhiều nhất.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong cao nhất là ở người lớn tuổi. "Nhưng, người lớn tuổi thì chẳng công ty bảo hiểm này nào chịu bán bảo hiểm cho đối tượng này. Thành ra công ty bảo hiểm tại Việt Nam không bị ảnh hưởng chút xíu nào về tài chính khi dịch Covid-19 tới. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam cũng sẽ không bị phá sản khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm trên thế giới đang "lung lay" vì Covid-19. Thế mới nói, các công ty bảo hiểm tại Việt Nam gặp "hên" khi thành lập doanh nghiệp tại đây", vị chuyên gia trong ngành đánh giá.