Ngày 7/5, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.Đà Nẵng cho hay, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra nhiều tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Trên địa bàn Đà Nẵng, du lịch là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch này. Trong đó, phần lớn các khách sạn, homestay, nhà nghỉ trên địa bàn Đà Nẵng tạm thời đóng cửa, đặc biệt ngành lưu trú chỉ phục vụ lượng nhỏ khách, ước tính 4 tháng đầu năm 2020 chỉ ước đạt 1.177 ngàn lượt khách. Trên địa bàn có 409 đơn vị kinh doanh lữ hành thì hiện nay rất nhiều đơn vị vẫn đang tạm dừng hoạt động.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2020 của Đà Nẵng cũng chỉ ước đạt 17.097 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch năm, giảm 6,8% so với cùng kỳ 2019, sản lượng tiêu thụ hàng hóa tại các chợ chậm, khách hàng đến chợ giảm 30-40%, kim ngạch xuất khẩu đạt 478,9 triệu USD, giảm 4,8%, kim ngạch nhập khẩu đạt 109,5 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ 2019...
Không nằm ngoài guồng quay tiêu cực do đại dịch Covid-19, doanh thu ngành vận của Đà Nẵng cũng chỉ đạt 4.447,9 tỷ đồng, giảm 9,4%, khối lượng luân chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy giảm 7,5%, luân chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy giảm 32,4%, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,7% so với cùng kỳ 2019...Nhìn chung, mọi ngành nghề trên địa bàn đều gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Chỉ có hoạt động sản xuất thủy sản - nông - lâm tương đối ổn định và ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với sản lượng khai thác thủy sản 4 tháng đầu năm nay ước đạt 13.425 tấn tăng 2,2% so với cùng kỳ nhưng sản lượng đánh bắt được tiêu thụ thấp, giá cả có xu hướng giảm...
Theo thống kê của Cục Thống kê TP.Đà Nẵng, có 89,9% số lượng doanh nghiệp được khảo sát trả lời có chịu tác động của dịch Covid-19. Các khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải đối mặt như: không thực hiện được hoạt động SXKD (58,4%), nguồn thu không đủ để bù đắp cho các chi phí phát sinh (45,8%), thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp (44,3%), hàng hóa sản xuất không xuất khẩu được (39,7%), không có nguồn thu để bù đắp cho các chi phí phát sinh (38,5%), thiếu hụt nguồn vốn SXKD (37,4%), thiếu hụt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu (30,9%), không tuyển được hoặc phải cắt giảm lao động (27,2%)…
Trước những tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, dự án mang tính lan tỏa, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Theo đó, đến ngày 30/4/2020, Đà Nẵng đã giải ngân khoảng 2.100 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2019, hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2018... Việc này đã giúp khởi công nhiều dự án lớn của Đà Nẵng như Dự án đường và cầu qua sông Cổ Cò và đường Vành đai phía Tây 2 thuộc dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng, Dự án Cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà, Dự án Nhà máy nước Hòa Liên, Dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý…
Bên cạnh việc đẩy nhanh giải vốn đâu tư công, Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng cho biết, về thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước của địa phương cũng có một số kết quả khả quan, điều này đưa lại nhiều "tia sáng" trong "bức tranh kinh tế màu xám" của Đà Nẵng thời gian qua.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2020, Đà Nẵng đã thu hút được 13.097 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư là 10.815 tỷ đồng, tăng 593% về vốn so với cùng kỳ 2019. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đã cấp mới được 43 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 74,846 triệu USD.../