Đà Nẵng đứng đầu Duyên hải miền Trung về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Lam Hàn - Đình Thiên Thứ tư, ngày 06/05/2020 09:50 AM (GMT+7)
Năm 2019, Đà Nẵng có 8/10 chỉ số tăng trưởng, được xếp vào nhóm "Rất tốt" và đứng đầu khu vực Duyên hải miền Trung về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019.
Bình luận 0

Ngày 6/5, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng cho hay, với 70,15/100 điểm, Đà Nẵng xếp vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019, là địa phương duy nhất vùng Duyên hải miền Trung thuộc nhóm rất tốt. Đây là thông tin từ lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên PCI 2019, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức.

Đà Nẵng cũng là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2019 vùng Duyên hải miền Trung. Đứng thứ 2 là Quảng Nam với 69,42/100 điểm. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp đứng vị trí thứ 5 xếp hạng Chỉ số PCI với 70,15 điểm, điểm số PCI năm 2019 của Đà Nẵng tăng 2,5 điểm so với năm 2018 (67,65 điểm). 

Năm 2019, hầu hết các chỉ số thành phần đều tăng điểm, trong đó có 3 chỉ số đạt điểm cao nhất trong 5 năm qua, gồm: tiếp cận đất đai (7,44 điểm), chi phí không chính thức (6,75 diểm), thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (6,99 diểm). Hai chỉ số thành phần giảm điểm nhẹ là gia nhập thị trường và chi phí thời gian. Trong 15 năm thực hiện điều tra PCI, Đà Nẵng luôn là địa phương có điểm số dẫn đầu vùng Duyên hải miền Trung, trong đó có 7 năm đứng đầu bảng xếp hạng toàn quốc.

Đà Nẵng đứng đầu Duyên hải miền Trung về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Ảnh 1.

Đà Nẵng năm thứ 2 liên tiếp đứng nhì bảng xếp hạng PCI

Tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2019 năm thứ ba liên tiếp là Quảng Ninh (73,40 điểm), kế đến là Đồng Tháp (72,10 điểm), Vĩnh Long (71,30 điểm) và Bắc Ninh (70,79 điểm). Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng. Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đắk Nông (60,50 điểm) và Lai Châu (59,95 điểm) là hai địa phương đứng cuối bảng xếp hạng.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, chỉ số PCI 2019 cho thấy, xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương, với điểm trung bình cao nhất từ trước đến nay. So với những năm đầu 2005-2006, địa phương xếp vị thấp nhất có điểm xấp xỉ 36, thì đến năm 2019, địa phương cuối bảng xếp hạng có điểm xấp xỉ 60. Điều này cho thấy sự cải thiện trong chất lượng điều hành, cũng như xu hướng hội tụ, thu hẹp các khoảng cách trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố. 

"Qua đó, bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng hơn, khi 70%-80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền; trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh trong thời gian 2 năm tới. Tính riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có đến 380 doanh nghiệp được thành lập mới", thông tin từ VCCI

Báo cáo PCI 2019 cũng nêu bật 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải, bao gồm: tìm kiếm khách hàng (63%), tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%). Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn, và sẽ còn nghiêm trọng hơn trong thời gian đến bởi những tác động tiêu cực do bùng phát dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem