Nhìn lại diễn biến vụ án từ năm 2008 đến nay chúng ta thấy, đây là một trong số rất ít vụ trọng án khiến cả cộng đồng xã hội sục sôi, tranh luận về án tử hình của Hải trong suốt chục năm qua bởi những vi phạm tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Trước đó, các cơ quan tiến hành tố tụng từ kết luận điều tra, cáo trạng đến phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều khẳng định có đủ cơ sở để kết luận Hải là đối tượng giết 2 nạn nhân ở Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, Long An), nên tuyên Hải mức án tử hình.
Tuy nhiên, tháng 2/2015, trong Báo cáo giám sát của mình, bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (hiện bà Nga là Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp), Phó trưởng Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết luận: "Việc tòa án hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là chưa đủ cơ sở vững chắc, có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm...". Nội dung này là một trong những căn cứ để Viện Kiếm sát Nhân dân Tối cao ra kháng nghị và có phiên tòa Giám đốc thẩm này.
Về diễn biến phiên xét xử, trước khi Hội đồng thẩm phán đưa ra bản án, đại diện Viện Kiểm sát phân tích: Vụ án này "rất cần xem xét thận trọng, làm rõ những mâu thuẫn mà kháng nghị đã nêu. Quá nhiều vi phạm rất nghiêm trọng trong tố tụng, mong Hội đồng thẩm phán hết sức cân nhắc, công tâm, khách quan, xem xét lại vụ án."
Nhưng, trong bản án tuyên chiều 8/5, Hội đồng thẩm phán nhận định, dù quá trình điều tra, xét xử còn một số thiếu sót nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án. Bởi thế không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Cuối cùng, Hội đồng thẩm phán kết luận: "Không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao".
Bản án này thực sự gây hẫng hụt với dư luận, bởi ngay trong nhận định, đánh giá diễn biến vụ án của Viện Kiểm sát và Tòa án hoàn toàn trái ngược nhau, khiến dư luận không khỏi băn khoăn, khó hiểu.
Còn nội dung bản án đã rõ ngay từ lúc bản án chưa tuyên khi phiếu biểu quyết của Hội đồng thẩm phán được công bố:
17/17 thành viên Hội đồng thẩm phán nhất trí có những sai sót về tố tụng nhưng "không thay đổi bản chất vụ án"; Các bản án xét xử với Hải là "đúng người, đúng tội, đúng mức án"; biểu quyết "không chấp nhận kháng nghị".
Nhưng bất ngờ nhất, điều mà dư luận không thể hình dung nổi là, cả 17 thành viên đều biểu quyết, quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là "không đúng pháp luật", vì quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực.
Đây là vấn đề chuyên sâu về pháp lý chắc còn nhiều bàn cãi, chúng tôi không dám lạm bàn. Nhưng vấn đề là, nó có tính chất dây chuyền.
Cụ thể, câu hỏi cần đặt ra: Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm vụ án có đúng luật hay không? Bởi, kiến nghị này của Uỷ ban Tư pháp diễn ra vào tháng 2/2018, cũng sau thời điểm Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải.
Trước đó ngày 10/2/2015, bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (hiện bà Nga là Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp), Phó trưởng Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã gửi đoàn giám sát Báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án Hồ Duy Hải. Trong báo cáo này, bà Nga nêu rõ: Có những chứng cứ ngoại phạm của Hải chưa xem xét, đánh giá kỹ; Các cơ quan tiến hành tố tụng đều lựa chọn sử dụng những chứng cứ có lợi cho việc buộc tội mà không sử dụng, phản ánh trung thực, khách quan những chứng cứ có lợi cho việc gỡ tội; Bản án kết luận dựa trên sự suy diễn của kết luận điều tra và cáo trạng; Nhiều đồ vật được bản án kết luận là hung khí, vật chứng lại hoàn toàn dựa theo lời khai của bị cáo vì tại hiện trường không thu được; Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự...
Cuối cùng, trong kết luận của báo cáo, bà Nga khẳng định: "Qua nghiên cứu hồ sơ chúng tôi thấy việc Tòa hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là chưa đủ cơ sở vững chắc, có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/4/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP HCM."
Những nội dung này, thực chất là kiến nghị kháng nghị của bà Nga, vậy kiến nghị này có đúng pháp luật hay không vì nó cũng diễn ra sau khi Chủ tịch nước bác đơn ân xá?
Do đó, nếu Hội đồng thẩm phán cho rằng, kháng nghị của Viện Kiểm sát là không đúng luật thì buộc phải đặt ra câu hỏi, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp có đúng pháp luật hay không?
Đây là câu hỏi không dễ trả lời, bởi Bản báo cáo của bà Lê Thị Nga là theo chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hai cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật." Mà giám sát tối cao là quyền của Quốc hội và giám sát là quyền của các cơ quan của Quốc hội.
Do đó, kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có đúng pháp luật hay không rất cần được làm rõ – đây là điều chưa từng xảy ra trong tố tụng.
Dư luận chưa thể quên, các vụ án oan sai gây chấn động dư luận của các ông Huỳnh Văn Nén (xảy ra ở Bình Thuận) và Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long (ở Bắc Giang). Các ông đều bị kết tội giết người, thậm chí ông Nén còn bị kết án oan trong hai vụ án giết người.
Một điều chung nhất của 3 vụ án này, những bản cung cuối cùng, họ đều thừa nhận mình đã giết người, không bị ép cung, nhục hình. Tất cả lời khai của họ đều phù hợp với diễn biến của vụ án.