Vượt qua thù hận

Trường Nguyễn Thứ năm, ngày 30/04/2020 08:16 AM (GMT+7)
Lời tòa soạn: Kết thúc cuộc chiến tranh người Mỹ gây ra ở Việt Nam, các cựu chiến binh Mỹ đã vượt qua quá khứ dữ dội, thù hận để trở lại Việt Nam đóng vai trò hòa giải, tin tưởng vào tương lai của đất nước nơi họ đã trải qua tuổi trẻ cay đắng của mình. Câu chuyện dưới đây do một nhà báo hải ngoại kể về một cựu binh Mỹ đã quay trở lại Việt Nam nhiều lần, một người mà ở tuổi 96, ông vừa góp 20 triệu đồng giúp Việt Nam chống dịch Covid-19.
Bình luận 0

Kênh truyền thông Văn hóa Việt Nam TV (VHVNtv) được đăng ký hoạt động ở Hoa Kỳ từ năm 2017, và tôi là phóng viên thường trú đại diện VHVNtv tại Việt Nam. Trong dịp đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, VHVNtv đã phát động một chương trình kêu gọi sự hỗ trợ của khán giả khắp nơi trên thế giới, để góp tay với chính phủ và nhân dân Việt Nam cùng chung lòng chống dịch Covid-19. Trong nhiều đóng góp của khán giả, câu chuyện về cụ ông cựu chiến binh Mỹ, đã làm tôi chú ý.

Lá thư viết bằng tiếng Anh, gửi đến hộp thư của VHVNtv, nội dung điện thư xin tạm dịch như sau: “Tên tôi là William Hubert. Năm nay tôi đã 95 tuổi, đang sống tại miền nam bang California – Hoa Kỳ. Tôi là một cựu chiến binh từ cuộc chiến Việt Nam năm 1964 ở Sài Gòn, tôi xin được góp chút tiền, chung tay với nhân dân Việt Nam chống dịch Covid -19. Xin liên lạc với tôi ở số điện thoại x. để trao đổi thêm.”

Qua số điện thoại của William Hubert, tôi đã liên lạc và trực tiếp nói chuyện với ông.

Tưởng rằng cuộc trò chuyện chỉ vắn tắt, nhưng không, nó lại mở ra một loạt những trao đổi khá chi tiết, nói lên suy tư của một cựu chiến binh Mỹ đối với đất nước và con người Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại. 

“Số tiền 20 triệu VND tôi xin gửi đến VHVNtv để cùng với nhà nước và nhân dân Việt Nam chung tay chống dịch, được trích ra từ tiền hưu của tôi. Tuy là con số nhỏ nhoi, nhưng đây là tình cảm của tôi dành cho Việt Nam.” William Hubert thành thật nói. Ông cụ lãng tai, lại trao đổi qua điện thoại, rất khó nghe. Tôi chỉ gợi chuyện để cụ nói.

William Hubert từng tham chiến ở Việt Nam từ năm 1964, một sỹ quan cố vấn cấp tá, ngành truyền tin. Ông có 27 năm làm việc trong quân đội Mỹ. Cũng như hầu hết các cựu chiến binh Hoa Kỳ mà tôi từng có dịp trò chuyện, nhắc về chiến tranh Việt Nam, họ đều có chung một tâm trạng “mặc cảm và ân hận” vì đã từng làm những điều “không nên làm”. Mặc dù chiến tranh đã đi qua từ lâu, 45 năm, nhưng trong giọng nói của cụ ông 95 tuổi vẫn còn nhiều day dứt. “Tôi đã sống và chứng kiến Việt Nam từ năm 1963 đến 1965, một đất nước bộn bề chiến tranh. Sài Gòn thuở đó là thành phố thời chiến. Phố xá và con người hoang mang, lo sợ, bất ổn. Chỗ nào cũng đầy xe lính, và màu sắc rằn ri của quân đội, các quán bar, động gái điếm. Một thành phố bị ghẻ lở và ung nhọt vì chiến tranh vẫn ám ảnh tôi từng ngày khi nghĩ về nó,” - ông tâm sự.

William Hubert không thể quên được ấn tượng lần đầu trở lại Việt Nam. Năm 1997, sau khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận với Việt Nam, hai quốc gia mở lại bang giao sau cuộc “chiến tranh lạnh” kéo dài 21 năm (1975-1996). “Lần đầu trở lại đầu tiên, tôi cảm nhận được sự tàn phá của chiến tranh đã hằn lên một đất nước như thế nào. Dù đã qua hơn 20 năm, nhưng Việt Nam vẫn rất nghèo. Nền kinh tế là con số 0. Và người Việt Nam lúc ấy đối với chúng tôi, những người Mỹ đầu tiên trở lại thăm chốn xưa, có phần e dè. Dù không còn là kẻ thù, nhưng niềm tin lẫn nhau chỉ mới bắt đầu. Người Việt Nam còn ngại tiếp xúc với người Mỹ. Tôi đi đâu cũng có người đi theo, để ý,” - ông kể tiếp.

img

Cựu chiến binh Mỹ William Hubert.

Khoảng cách nhận thức về chiến tranh của mỗi dân tộc cũng khác nhau, nên có thể nói, lần về đầu tiên ấy của William Hurbert “buồn nhiều hơn vui.” Rồi thời gian qua đi, tưởng chừng như câu chuyện về quá khứ với Việt Nam sẽ phải đóng lại như một vết thương không bao giờ lành. Vậy mà, qua những thông tin được đón nhận từ nhiều phía, bạn bè, báo chí, người thân, nhiều tin tốt đẹp về Việt Nam, ông quyết định về lại Việt Nam một lần nữa. Đó là năm 2016: “Hai mươi năm sau, tôi quyết định về Việt Nam”.

img

Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao giấy chứng nhận sự ủng hộ của cựu binh William Hubert cho ông Trường Nguyễn sáng 20/4. Ảnh: Báo Yên Bái. 

Và quyết định lần này đã thực sự giải thoát cho ông “món nợ vô hình” với Việt Nam. “Anh biết không, chỉ sau 20 năm thôi, một Việt Nam hoàn toàn thay đổi. Tôi như đi trong mơ. Không còn một chút nào cảm giác của ngày trước. Việt Nam như một cô thiếu nữ vụt lớn lên, xinh đẹp, kiều diễm bội phần,” ông thốt lên qua điện thoại! 

Chuyến đi thứ hai này, đã đưa ông đến nhiều vùng miền trong Việt Nam. Từ TPHCM, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế,… một tháng trời chỉ đi và xem. Bằng sự quan sát, đánh giá, so sánh từ nhãn quan của một người hiểu biết Việt Nam qua chiến tranh, William Hubert đã có những nhận định về con người, về môi trường, về cảnh quan Việt Nam thật thú vị. Về con người Việt Nam, ông đưa ra nhận xét nhiều về giới trẻ. Một thế hệ mới đông đảo, năng động không thua bất cứ giới trẻ nào trên thế giới.

“Tôi chỉ toàn thấy người trẻ. Trẻ như chính thế hệ của tôi khi ở Việt Nam. Nhưng họ sống trong thời hòa bình. Sự quan tâm của họ là giáo dục, tìm cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, là những tri thức mới, và điều đáng mừng, họ không còn chút nào quan tâm đến quá khứ chiến tranh như thế hệ đi trước”.

Ông William Hubert kể chuyện, những người trẻ thấy ông là người Mỹ trắng, họ vây quanh ông để hỏi chuyện. “Họ hỏi tôi đủ thứ chuyện về nước Mỹ, về tổng thống Obama, về chính trị Mỹ, về các trường đại học, giáo dục Mỹ v.v. Tuyệt nhiên, họ rất ít hỏi về cuộc chiến tranh Việt Nam và Hoa Kỳ! Tôi cũng đã chuẩn bị một số câu chuyện, một số lý giải về cuộc chiến, để trần tình cho các bạn trẻ nghe, nếu họ truy vấn tôi về những gì tôi đã làm trong thời chiến tranh. Kể cả khi tôi gợi chuyện, nói về những trăn trở của những người lính Mỹ sau chiến tranh, khi về Hoa Kỳ, đều có chung những mặc cảm như nhau. Nhưng tôi đã lầm, họ không hứng thú nghe” - ông cụ cười qua điện thoại.

Nói về cảnh quan Việt Nam hôm nay, ông cụ Mỹ già nói: “…Tôi đã lạc lối vì không còn nhận ra cảnh cũ nữa. Tất cả như một giấc mơ đã qua. Những khu rừng, những bãi ruộng, khu căn cứ năm xưa, giờ đã thành những tòa nhà, những khu chung cư, những vùng dân cư đông đúc, không còn hoang vắng như trong trí nhớ của tôi nữa. Việt Nam hôm nay đã có những thay đổi thần kỳ”. Theo ông, Việt Nam đã thực sự sang một trang sử mới, đầy niềm tin và hy vọng. Hà Nội, nơi ông chưa có dịp đến, nghe nói được gọi là “Thành phố hòa bình” - cái tên thật là nhẹ nhàng, dù trước đây, chiến tranh Mỹ đã từng đánh bom B52, quyết tàn phá nó ra thành bãi chiến trường! Ông cũng đã nghe nhiều về những người lính Mỹ nổi tiếng như Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry, những người một thời “có nợ máu” với người Việt Nam đã trở về, và họ đã trở thành những người bạn thiện chí, là cầu nối cảm thông giữa chính phủ Hoa Kỷ, nhân dân Hoa Kỳ và Việt Nam.

Câu chuyện lan man, đưa chúng tôi đi về đời sống của cụ William ở Mỹ, cụ cho biết đang sống gần khu cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở thành phố Westminster (miền Nam California), khu Little Saigon nổi tiếng “cực đoan chống cộng”. Chỉ vì thích món ăn Việt, nên cụ đã có nhiều dịp đi qua khu người Việt ở. “Đặc biệt là vào tháng 4 hàng năm, nhiều nhóm người Việt đã tổ chức cái gọi là “Black April” (Tháng tư đen). “Điều tôi không hiểu được, tại sao, sau 45 năm đi qua, Việt Nam trong mắt người Mỹ chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi, người Mỹ và Việt Nam đã trở thành những đối tác tin cậy trong mọi mặt. Các vị nguyên thủ quốc gia của đôi bên đã chính thức thăm viếng nhau. Và các cựu chiến binh như tôi đã gột bỏ được nỗi mặc cảm chiến tranh. Việt Nam đã có nhiều thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội. Đời sống của người dân Việt Nam tương đối tốt hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Vậy thì tại sao, cộng đồng người Việt tại Mỹ vẫn chưa nhìn nhận, chưa quên hận thù, chưa chịu bắt tay hợp tác với chính phủ Việt Nam để xây dựng đất nước? Phải chăng họ thiếu thông tin? Hay có những động cơ nào đàng sau những cuộc biểu tình, phản đối những gì liên quan tới Việt Nam đến với cộng đồng ở Mỹ?” Ông nói, muốn về Việt Nam một lần nữa khi dịch Covid rút lui. “Và tôi còn muốn về sống an hưởng tuổi già ở Việt Nam, với số tiền hưu khoảng 3.000USD của tôi, chắc đủ chứ nhỉ?”

Một loạt những câu hỏi của ông cụ Mỹ già nêu ra. Việc nhìn nhận về lịch sử còn tùy thuộc vào ý thức, hoàn cảnh của mỗi người. Riêng tôi, nhờ sống và làm công việc báo chí trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ hơn 30 năm, tôi nhận ra rằng, những gì thắc mắc của cụ William chỉ là bề nổi của vấn đề, để giải thích cặn kẽ những điều ông muốn và cần biết, chắc chắn phải mất một thời gian khá dài, nên tôi xin hẹn ông một dịp nào đó, tôi sẽ kể ông nghe.

Đóng lại câu chuyện của cụ William, nhưng trong tôi còn đọng những lấn cấn thắc mắc của ông, như một câu chuyện mới mở đầu, chưa đến hồi kết thúc.

Tác giả Trường Nguyễn là người Mỹ gốc Việt, người sáng lập và phóng viên thường trú đại diện kênh truyền hình YouTube Văn hóa Việt Nam TV (VHVNtv) đăng ký hoạt động ở Mỹ từ 2007, chuyên làm các phóng sự, trò chuyện về văn hóa, xã hội Việt Nam, với hàng chục nghìn người theo dõi.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem