Dân Việt

Từ Hội nghị Trung ương 12: Giới thiệu nhân sự phải chống thỏa hiệp "con anh con tôi"

Quốc Phong 14/05/2020 09:06 GMT+7
Mấy kỳ đại hội gần đây đã xuất hiện những người mới là con em lãnh đạo, chưa có đóng góp vượt trội, có người còn không trúng cả ở cấp uỷ địa phương, nhưng vẫn nghiễm nhiên được giới thiệu vắng mặt để bầu vào Trung ương dự khuyết. Không nghiêm khắc trong công tác nhân sự sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng.

Hội nghị Trung ương lần thứ 12, Khoá XII đang diễn ra tại Hà Nội chú trọng bàn và quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành TƯ khóa 13. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, đòi hỏi chúng ta phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp.

Gợi mở những nội dung thảo luận, TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng nói: "Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền..."  

Với cách làm chặt chẽ và bài bản lần này,  tôi cảm nhận rằng Đảng ta đã thấy được những gì chưa ổn của các nhiệm kỳ Đại hội trước đó để lần này chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.   

Xin bàn sâu hơn về vấn đề "lợi ích nhóm", mà cụ thể là tư tưởng thoả hiệp "con anh,con tôi/ em anh, em tôi" ủng hộ lẫn nhau để cùng được cơ cấu vào danh sách giới thiệu. Đây là điều lợi bất cập hại cho sức mạnh chiến đấu của một đảng cầm quyền.

Báo chí vừa qua nhắc nhiều đến một nhà tổ chức liêm chính - nguyên phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nguyễn Đình Hương vừa qua đời. Với cả cuộc đời làm công tác "đãi cát tìm vàng" cho Đảng về nguồn nhân sự , ông thực sự là một tấm gương sáng, không ngại va chạm, nể nang khi tìm những "hạt giống đỏ" cho Đảng ta. "Đỏ", và chắc chắn là "đã chín".

Trên báo chí, ông Nguyễn Đình Hương kể: Một lần, ông Mười (nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười – NV) trách tôi: "Hơn 50 năm cậu làm công tác tổ chức cán bộ mà cậu không chọn được con các ông Bộ Chính trị nào vào Bộ Chính trị". Tôi bảo: "Thưa bác, Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ là cơ quan cao nhất của Đảng chứ không phải nơi kết nối con ông cháu cha". Ông Mười cười. Thời tôi làm ở Ban Tổ chức Trung ương các cụ nghiêm lắm. Cho nên con ông Lê Duẩn, con ông Phạm Văn Đồng, con ông Nguyễn Văn Linh, con ông Phạm Hùng… có ai vào Bộ Chính trị, vào Trung ương đâu. Ngoại trừ ông Đặng Xuân Kỳ, con trai đồng chí Trường Chinh. Mà ông Kỳ thì lại xứng đáng là Ủy viên Trung ương".

Nếu tìm hiểu kĩ hơn về chi tiết ông Hương có nhắc đến trên thì mới hiểu rằng lúc này ông Đặng Xuân Kỳ cũng không hề trẻ nữa, đó là lúc ông Đặng Xuân Kỳ đã 55 tuổi. Vâng, 55 tuổi mới  được ngồi vào ghế dự khuyết Trung ương Khoá VI (năm 1986) khi mà đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ Đổi mới cực kỳ quan trọng, mang tính sống còn. Chứ không phải như mấy nhiệm kỳ vừa rồi, chỉ mới 36-37 tuổi – và chưa đủ bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, đã tham gia dự khuyết Trung ương .

Vì lợi ích quốc gia, giới thiệu nhân sự phải chống thỏa hiệp "con anh con tôi" - Ảnh 2.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự phiên khai mạc Hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Vị "Kiến trúc sư trưởng"của công cuộc Đổi mới đó chính là cố Tổng bí thư Trường Chinh, là cha của giáo sư Đặng Xuân Kỳ. Vậy tại sao ông Nguyễn Đình Hương lại nói ông Đặng Xuân Kỳ vào Trung ương là xứng đáng? 

Chúng ta nên nhớ, để hình thành nên tư tưởng Đổi mới, đặc biệt quan trọng là tư duy kinh tế.  Đây là một cống hiến xuất sắc về mặt quan  điểm lý luận của ông Trường Chinh, góp phần hình thành đường lối đổi mới của  Đảng ta tại Đại hội VI.

"Trong một thời điểm bước ngoặt, tất yếu sẽ xuất hiện các nhân vật lịch sử có chí lớn, có trí tuệ hơn người để giải quyết các vấn đề trọng đại mà cuộc sống đặt ra. Trường Chinh chính là con người như thế" (GS Trần Nhâm, trang 425 và 432, cuốn "Trường Chinh, Một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam", NXB Chính trị Quốc gia HN, 2002). TBT Trường Chinh ngày đó (đang ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) đã âm thầm mời một số nhà khoa học xã hội và nhà kinh tế giỏi của đất nước tham gia Nhóm nghiên cứu. 

Nhóm này sau được chính thức thành lập, có quyết định của tổ chức, nhằm giúp việc cho ông Trường Chinh. Song, nói cho chính xác, theo lời ông Hoàng Ước,Thư ký của Chủ tịch Trường Chinh hồi tưởng, GS Đặng Xuân Kỳ đã đề xuất từng người với cha mình sau khi ông Trường Chinh gợi ý tìm cho được các chuyên gia có tâm huyết và khát vọng đổi mới giúp mình.

Ông Kỳ là người kết nối và tư vấn riêng cho cha ông việc hệ trọng đó để đưa đất nước vượt qua khó khăn sinh tử. 

Nhóm các chuyên gia giúp việc này, theo tôi tìm hiểu thì gồm có các vị như GS Hà Nghiệp, nhà kinh tế Trần Đức Nguyên ,GS Đào Xuân Sâm, GS Trần Nhâm (trợ lý Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khi đó), GS Lê Văn Viện và một số vị khác ...

Tôi nhắc lại điều trên để thấy, đây không phải chuyện ông Kỳ nhờ "con ông cháu cha" mà được nâng đỡ. Đây thực sự là vì ông  có những đóng góp tích cực, quan trọng trên con đường tìm đến công cuộc Đổi mới. Phải là người có trình độ như ông Đặng Xuân Kỳ mới hiểu và lo được chuyện lớn trên. Từ  đó, nhóm chuyên gia sẽ giúp vị "Kiến trúc sư của Đổi mới" Trường Chinh hình thành một đường lối Đổi mới như sau này. 

Vì thế, theo tôi, cách đánh giá của ông Nguyễn Đình Hương mà tôi dẫn ở trên là rất có cơ sở. 

Nếu như "nhân sự con ông cháu cha" thật xứng đáng và có trình độ xuất sắc thì nên ủng hộ vì đó là truyền thống bồi dưỡng đội ngũ kế cận tốt đẹp của Đảng ta. Miễn là phải vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc lên trên hết chứ không thể vì tư tưởng cục bộ, giành chỗ cho người thân mà thực ra lại chưa xứng đáng thì rất tai hại cho chế độ. 

Điều đó khác với mấy kỳ đại hội  gần đây, một số mới người là con em lãnh đạo, họ rất trẻ, uy tín không cao, chưa hề đóng góp gì vượt trội, có người còn không trúng cả ở cấp uỷ địa phương, thế nhưng lại vẫn nghiễm nhiên được giới thiệu vắng mặt để bầu vào Trung ương dự khuyết. 

Cảnh này từng xuất hiện trong nội bộ Đảng ta ở nhiều địa phương, bộ ngành theo lối "tôi im lặng khi có người giới thiệu con anh thì anh cũng im lặng khi có người giới thiệu con tôi...". Tất cả cùng dắt tay nhau bước vào Ban chấp hành cho dù tất cả còn chưa xứng đáng.

Hiện tượng trên còn diễn ra theo kiểu vận động hành lang để cho anh em ruột cùng được vào Trung ương khi mà họ cũng không thật xuất sắc... Nếu như vậy thì xin hỏi Đảng ta liệu có mạnh lên được không? 

Tôi thấm thía từng câu chữ mà TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng phân tích ở bài viết cách đây ít ngày. Nó thể hiện những điều ông viết ra là những đúc kết sâu sắc của thực tiễn cuộc sống. Trong đó, chúng ta cũng chưa quên một vài trường hợp đã thành bài học và phải trả giá.

Theo đó, người đứng đầu Đảng ta thẳng thắn chỉ ra rằng: "Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai hoạ cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn".

Thời gian tiến tới Đại hội Toàn quốc không còn nhiều, nhưng tôi nghĩ vẫn đủ để các cấp bộ Đảng quán triệt từng câu chữ trong các phát biểu gần đây về công tác chuẩn bị nhân sự cấp cao cho Đại hội và thực hiện tốt nhất có thể. Một đảng cầm quyền mạnh sẽ giúp cho con tàu Cách mạng vững vàng vượt qua mọi sóng gió, bão táp ngoài biển xa. Một đảng yếu, nhiều "nhóm lợi ích", cơ hội, chạy chức chạy quyền lọt vào bộ máy thì không thể xem đó là một đảng cầm quyền có uy tín trước dân và cũng ảnh hưởng đến sự tồn vong của đảng đó.