Án oan, ngồi tù oan, bị tuyên tử hình và vật vã với thân phận tử tù đằng đẵng, hẳn với những số phận đó, không còn sự nghiệt ngã nào hơn, đau đớn nào hơn. Như ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), đã hai lần quyên sinh trong tù, vì nghĩ sống không bằng chết.
10 năm tù của ông Chấn, 17 năm tù của ông Huỳnh Văn Nén (ở Bình Thuận, trong vụ án vườn điều), mấy tháng trời ròng rã của 7 thanh niên ở Sóc Trăng… cuối cùng chỉ được giải oan khi kẻ thủ ác bị bắt hoặc ra đầu thú. Còn trước đó, ra toà, họ khai báo rành rọt hành vi phạm tội của mình. Cáo trạng với lời lẽ buộc tội uy lực, đanh thép, khoa học và bản án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tuyên. Kẻ thủ ác bị trừng phạt. Công lý được thực thi!
Những vụ án đó khi được giải oan, mới vỡ ra là các nạn nhân bị bức cung, nhục hình. Thực ra bức cung, nhục hình không phải là chuyện mới – nếu không nói là phổ biến, mà nơi này nơi kia gọi là "biện pháp nghiệp vụ". 7 thanh niên ở Sóc Trăng kể chuyện bị nhục hình mà không tưởng tượng nổi: Bị treo lên khung sắt cửa sổ, đủ đứng nhón hai ngón chân cái, rồi cán bộ điều tra gối thúc vào bụng, mưa dùi cui trên lưng. Kinh hoàng nhất là chiêu "đông lạnh cho chim": Ướp đá lạnh và bộ phận sinh dục nam, mà theo lời của nạn nhân Thạch Sô Phách: "Mới đầu thì lạnh, tê dần, rồi đau nhức không sao tả được. Thiệt, chết còn sướng hơn!".
Ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén và nhiều người chịu án oan khác nữa không phải tự nhiên ngoan ngoãn nhận tội. Đã thế họ lại còn thực nghiệm hiện trường các vụ án giết người rất thuần thục. Đủ thấy, cái kinh hoàng của bức cung, nhục hình phải được coi là tội ác. Nó biến những người lương thiện có lương tri, có phẩm giá trở thành thứ hoàn toàn sai khiến được, vì khiếp nhược do bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần.
Chống bức cung, nhục hình là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một nền tư pháp lành mạnh, văn minh, công bằng và cũng để chống oan sai. Những điều tra viên liên quan đến bức cung, nhục hình thời gian quan đã bị xử lý không phải là ít. Nhưng điều đó chưa đủ.
Để chống oan sai, bảo đảm nguyên tắc minh bạch và một nền tư pháp tiến bộ, khoản 1 Ðiều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định luật sư, người bào chữa được tham gia trong quá trình lấy lời khai của người bị bắt,bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can… Luật đã có, nhưng việc vận dụng hoặc các luật sư muốn thực thi quyền của mình hiện vẫn rất khó khăn. Một đề xuất khác: Bố trí ghi âm, ghi hình các buổi thẩm vấn để chống bức cung, nhục hình, hiện vẫn chưa ngã ngũ. Có vẻ nó bị cản trở từ một bộ phận nhỏ những người thực thi công vụ yếu kém năng lực, muốn duy trì hình thức "làm án hoang dã" để dễ có kết quả như mong muốn.
Chống bức cung, nhục hình là xu thế văn minh, hiện đại và phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà Chủ tịch nước là Trưởng ban chỉ đạo. Không ai, quyền lực nào và nhân danh bất cứ điều gì cản trở tiến trình này.
Ai cản trở tiến trình này, mới chính là người cần đối diện với công lý!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.