Dân Việt

Vụ án nâng điểm thi và Đại hội Đảng khóa tới

Vương Hà 16/05/2020 10:18 GMT+7
Những vị đứng đầu tỉnh, thành phố có "tỳ vết" có đủ uy tín không để vẫn tại vị, thậm chí vẫn lên diễn đàn "dạy dỗ" người khác? Đó là sự nhạo báng dư luận.

Các tiêu cực về giáo dục từ trước đến nay luôn được dư luận theo dõi sít sao, nhưng gây sốc, bàng hoàng nhất là vụ nâng điểm thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018. Trong đó, hàng trăm thí sinh ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình được nâng điểm tới ngưỡng và thừa điểm để vào các trường ĐH tốp đầu, trong đó có những thí sinh được nâng tới trên 20 điểm. Chuyện thật như đùa.

Hiện, vụ án nâng điểm thi ở Hòa Bình đang xét xử khiến dư luận tiếp tục nóng lên. Ngày 21/5 tới đây, tòa án ở Sơn La bắt đầu xét xử, còn riêng ở Hà Giang, tòa án đã xét xử từ tháng 10/2019 và kịp xử phúc thẩm trước khi tòa án ở hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình xử sơ thẩm.

Vụ án nâng điểm thi và Đại hội Đảng khóa tới - Ảnh 1.

Bị cáo Khương Ngọc Chất (cựu Trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình) bị cáo buộc tội đưa hối lộ.

Đáng chú ý nhất, Hà Giang là tỉnh có số lượng thí sinh được nâng điểm nhiều nhất và là tỉnh có con, cháu của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh và Phó Trưởng đoàn QH của Tỉnh. Đây cũng là tỉnh duy nhất trong 3 tỉnh không phát hiện ra hành vi đưa và nhận hối lộ!? Thậm chí, lẽ ra chỉ với cương vị là người đứng đầu, họ đã phải chịu hình thức kỷ luật thích đáng, tuy nhiên, những quan chức này chỉ bị khiển trách và vẫn tại vị. Quá vô lý. Nhưng nó đã và đang diễn ra trước mắt thiên hạ. Lẽ phải ở đâu, công bằng ở đâu? 

Chính vì lẽ đó, vụ án này đã vượt qua ngưỡng chịu đựng của dư luận.

Nhưng nhìn lại suốt những tiêu cực trong ngành giáo dục từ trước đến nay, các dạng tiêu cực đã diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố không phải những năm gần đây, mà thể hiện rất rõ gần hai chục năm qua.

 Điển hình nhất, nhằm để giảm tải dần các kỳ thi vào đại học, các đây gần 20 năm, Bộ GDĐT từng cho phép các trường đại học được tuyển thẳng những học sinh tốt nghiệp loại giỏi vào đại học. Nhưng rồi, với sự "nhạy bén" và "bật đèn xanh" của nhiều lãnh đạo địa phương, tỷ lệ tốt nghiệp 3 năm liên tiếp tăng vọt một cách kinh hoàng. Hậu quả, chủ trương hoàn toàn đúng đó của Bộ GDĐT đã bị dừng lại sau 3 năm thực hiện. Chua xót và đắng cay.

 Hoặc như, tháng 7/2006, thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ GDĐT đã phát động phong trào hai không (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) được dư luận đồng lòng ủng hộ. Kết quả đạt được: Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của một số tỉnh sụt xuống thê thảm. Tuy nhiên, lãnh đạo một số tỉnh không chịu nổi những tỷ lệ "xấu" đó, nên chỉ vài năm sau, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT lại "đẹp như xưa"!?

Chỉ riêng về giáo dục, những ví dụ đó không ít. Nhưng điều đáng nói là, không một lãnh đạo tỉnh nào có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi tăng đột biến, hay sau đó là, tỷ lệ tốt nghiệp tăng, giảm bất thường bị kỷ luật, nặng lắm là ... rút kinh nghiệm!!

Ngay cả trong các vụ án nâng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2018, những đối tượng bị quy kết là chủ mưu, nếu nhìn tổng thể, họ cũng chỉ là dạng "đầu sai", với vai trò đồng phạm tích cực. Bởi, những giám đốc, Phó giám đốc (đã bị khởi tố) có khơi mào, "nhờ vả" thì cấp dưới mới dám thực hiện, nhưng sao họ chỉ chịu mức án rất nhẹ so với những đối tượng diện "đầu sai"?  Mặt khác, nếu không có sự bật đèn xanh của những vị lãnh đạo có chức, có quyền của tỉnh, những thành viên của Hội đồng thi có dám sửa bài, nâng điểm với quy mô lớn như vậy? Đấy là chưa nói đến vai trò của Bí thư, Chủ tịch tỉnh có con, cháu được nâng điểm, nhưng họ cũng chỉ bị khiển trách?!

Có hay không sự công bằng ở đây? Những vị đứng đầu tỉnh, thành phố có " tỳ vết" như vậy có đủ uy tín không, để vẫn tại vị, thậm chí vẫn lên diễn đàn "dạy dỗ" người khác? Đó là sự nhạo báng dư luận.

Trong bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 ngày 11/5 vừa qua, một lần nữa TBT nhấn mạnh đến phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực của những cán bộ trong nhiệm kỳ tới.

Do đó, dư luận mong mỏi, yêu cầu tại Đại hội Đảng các cấp cần sớm loại bỏ những đối tượng không còn đủ phẩm chất đạo đức như trên ngay từ đầu, không thể để họ lọt chân vào dự Đại hội Đảng lần thứ XIII. Họ còn ở Trung ương ngày nào là hại cho dân, cho đất nước và cho Đảng ngày ấy.