Năm 2011, bà Ngô Thị Khiếu và chồng ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã quyết định làm "dự án" Bảo tàng đồng quê ngay tại xã nhà trên diện tích 6.000m2 đất do xã cho thuê lại và chỉ sau có 1 năm đã bắt đầu đón khách. Đến 2015, "dự án" cơ bản được hoàn thành và đã có hơn 1.000 hiện vật được trưng bày tại đây, hầu hết là hiện vật đặc trưng cho vùng Bắc bộ, bao gồm công cụ lao động trong sản xuất nông nghiệp, nghề biển, nghề muối; dụng cụ sinh hoạt, đồ dùng. Có khoảng 700 chiếc nồi, mâm, chậu, sanh đồng; hơn 100 chiếc đèn dầu; hơn một tạ tiền xu các loại, 2kg tiền giấy Đông Dương…
Hàng tháng, Bảo tàng đồng quê này đón cả vài nghìn khách đến tham quan. Chi phí xây dựng bảo tàng được rất nhiều người khắp cả nước đóng góp từ cái ang, cái cuốc cho đến những hiện vật đắt tiền, đất thì được xã cho thuê 30 năm. Dẫn câu chuyện trên để thấy, dự án xây bảo tàng nông nghiệp 400 tỷ đồng của tỉnh Vĩnh Long "kinh khủng" đến nhường nào.
Lịch sử đất nước Việt Nam ta được coi là gắn liền với "nền văn minh lúa nước", cũng bởi thế "nhu cầu" có một bảo tàng về nông nghiệp, nông thôn luôn được đặt ra. Ngày 15/5, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã ký quyết định xây dựng dự án Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL trên diện tích 11,4ha tại huyện Vũng Liêm với kinh phí dự toán ban đầu lên tới 400 tỷ đồng.
Ông Lữ Quang Ngời, khi trao đổi với Dân Việt về lý do làm bảo tàng này, đã cho biết: "Dự án của tỉnh là vì cộng đồng, để quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm của người nông dân từ xưa đến nay và phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng, do đó chủ yếu người dân được hưởng lợi".
Cũng theo ông Ngời, Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL không phải xây ra cho hoành tráng, để tạo tốn kém, tỉnh không mong muốn như vậy. Đây chỉ mới đề án thôi, khi đi vào khởi động còn nhiều công việc phải làm. Về nguồn ngân sách, thì theo ông Ngời sẽ xin Trung ương và một phần xã hội hóa.
Trước tiên, xét về những con số trong dự án bảo tàng nông nghiệp mà tỉnh Vĩnh Long đưa ra với 400 tỷ đồng, nếu cứ tính toán theo kiểu "tư duy quy ra thóc" như hiện nay, để có được số tiền trên, chúng ta sẽ phải xuất khẩu được tới 45.000 tấn gạo, tương đương với diện tích gieo cấy tới 15.000ha.
Một số chuyên gia cho rằng, việc xây bảo tàng nông nghiệp cũng cần thiết. Tuy nhiên, câu chuyện ai làm, làm như thế nào, thời điểm ra sao lại là câu chuyện khác. Nói về vấn đề này, TS. Đặng Kim Sơn- nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bày tỏ quan điểm: "Ở thời điểm này, khi dịch Covid-19 dù đã tạm lắng nhưng vẫn gây ra những tác động không nhỏ cho kinh tế - xã hội, hạn mặn vẫn đang hoành hành ở các tỉnh ĐBSCL, việc bỏ ra 400 tỷ đồng để xây một bảo tàng nông nghiệp ở thời điểm này có vẻ không hợp lý".
Vấn đề mà TS. Đặng Kim Sơn nêu lên cũng là quan điểm của nhiều người sau khi "đọc" dự án này, họ cho rằng: Sao không dành số tiền đó đầu tư cho nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp hay tập trung nguồn kinh phí để chống hạn mặn mà lại đi xây bảo tàng?
Lý giải điều này, theo UBND tỉnh Vĩnh Long, Việt Nam có trên 160 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng cấp quốc gia, 7 bảo tàng chuyên ngành cấp bộ, 34 bảo tàng của các đơn vị trực thuộc bộ, 80 bảo tàng cấp tỉnh và 36 ngoài công lập. Tuy nhiên, chưa có nơi nào xây dựng bảo tàng nông nghiệp, một kho tàng văn hóa của nền văn minh lúa nước gắn chặt với đời sống của người dân Việt Nam, để tôn vinh và cổ vũ người nông dân Việt Nam thêm tự hào và gắn bó với ngành sản xuất nông nghiệp...
Đấy là cứ xét theo "số lượng", còn thực tế không thấy UBND tỉnh Vĩnh Long nêu, đó là có bao nhiêu bảo tàng trong đó phát huy giá trị, hiệu quả kinh tế sau này hay sau đó là những dự án bỏ hoang, lãng phí và vô bổ? Điều này không được tỉnh Vĩnh Long làm rõ, mà chỉ lấy số lượng để so sánh và trong số 160 bảo tàng đó, có bao nhiêu bảo tàng cũng có nhưng gian, hạng mục về nông nghiệp rồi?
400 tỷ đồng đối với một dự án bảo tàng nói như nhà nghiên cứu Nhâm Hùng là quá ít, nhưng tỉnh Vĩnh Long và ông Nhâm Hùng hẳn biết, ít là so với cái gì? Theo một nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thu nhập của người dân ĐBSCL trong 5 năm trở lại đây đang… thấp đi, tính ra mỗi ngày một người trồng lúa chỉ thu được khoảng 30.000 đồng. Vậy, cần bao nhiêu ngày công để có được 400 tỷ đồng xây bảo tàng?
Bảo tàng nông nghiệp không nằm ở chỗ nhiều tiền hay ít tiền, quy mô lớn hay nhỏ, mà nó nằm ở tính hiệu quả, ý nghĩa của nó. Có thể, tỉnh Vĩnh Long lý giải, bảo tàng là cơ hội để quảng bá hình ảnh nông nghiệp địa phương và cả vùng, để xúc tiến thương mại, thương hiệu sản phẩm này nọ. Tuy nhiên, nhìn trên thực tế, ngay cái việc đơn giản nhất là xây dựng thương hiệu cho hạt gạo của mình, việc in bao bì, nhãn mác nhận diện thương hiệu, Vĩnh Long và các địa phương khác còn chưa làm nổi, thì nói gì đến việc "có bảo tàng" rồi, thương hiệu, hình ảnh nông sản, lúa gạo của vùng sẽ được quảng bá?
Người nông dân vùng ĐBSCL quanh năm gắn bó, làm lụng với ruộng đồng nhưng số tiền mà họ thu về ngày càng ít đi, đó là nghịch lý cần có lời giải. Bảo tàng nông nghiệp có thể cần thiết theo một số quan điểm ủng hộ, nhưng trước khi xây bảo tàng, chúng ta cần phải làm rõ xem, nó cần thiết như thế nào, xây xong rồi, thì nông dân được lợi gì, hình ảnh lam lũ của người nông dân có được cải thiện không và quan trọng hơn cả là, bảo tàng đó có dành cho chủ thể chính là người nông dân không?
Đã có quá nhiều câu chuyện về bảo tàng nghìn tỷ, công trình nghìn tỷ xây xong rồi bỏ đấy, chả mấy ai lai vãng. Không làm rõ được những câu hỏi ở trên, không làm được cho người nông dân có thu nhập cao hơn, dự án xây dựng bảo tàng nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long nên chỉ dừng ở mức "nghiên cứu" tính khả thi, chứ đừng để xây xong rồi lại lãng phí, hàng chục nghìn tấn gạo của bà con nông dân lại bị đem đổ bỏ. Dân oán lắm đấy!