Sáng nay (26/5), Quốc hội thảo luận trực tuyến để cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) khi phát biểu tranh luận cho hay, ông không đồng tình tăng cường ĐBQH là chuyên gia.
"ĐBQH là chính trị gia, có nghĩa ĐBQH phải nắm chắc được nguyên lý vận hành của các thiết chế quyền lực nhà nước, các nguyên lý vận hành của thể chế kinh tế, chính trị, xã hội để khởi xướng chính sách và thuyết phục chính sách. Nếu ĐBQH là chuyên gia, am hiểu sâu về từng lĩnh vực cụ thể thì không đúng nguyên lý tổ chức vận hành thiết chế quyền lực cao nhất của Quốc hội", ĐB Lê Thanh Vân nói.
Nhấn mạnh hạt nhân hoạt động của Quốc hội chính là ĐBQH, ĐB Lê Thanh Vân cho hay: Chúng ta đang chuyển qua từ một Quốc hội hoạt động hình thức sang một Quốc hội hoạt động thực chất, thực quyền thì phải tăng cường năng lực cho ĐBQH, trước hết là tăng cường năng lực pháp lý, điều kiện bảo đảm cho ĐBQH, trong đó đáng chú ý nhất là năng lực lập pháp của các ĐBQH, quyền trình dự án luật, sáng kiến pháp luật…
Mặt khác, theo ĐB Lê Thanh Vân cần đề cao tính chuyên nghiệp của Quốc hội, cho dù 100% ĐBQH là chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì hoạt động của Quốc hội sẽ không đảm bảo thực chất, thực quyền.
ĐB Lê Thanh Vân cũng nhấn mạnh cần quy định tiêu chuẩn Tổng Thư ký Quốc hội. "Tổng Thư ký Quốc hội không phải là nhân vật chính trị mà là nhân vật hành chính. Tổng Thư ký Quốc hội phải là người am tường thủ tục, trình tự hoạt động của Quốc hội, để tư vấn cho Chủ tịch Quốc hội điều hành Quốc hội thực chất, thực quyền hơn", ông nói.
Cũng phát biểu tranh luận, ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho biết, qua nghe thảo luận thấy có ý kiến cho rằng nếu thay đổi địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH thì sẽ làm lu mờ vai trò của các ĐBQH, vì ĐBQH mới là trung tâm.
"Tôi cho rằng việc nâng địa vị pháp lý của ĐBQH lên thì không những không làm lu mờ ĐBQH mà làm cho ĐBQH hoạt động ngày càng tốt hơn", ĐB Phương nói.
Theo ĐB Bùi Văn Phương, đa số hiện nay các ĐBQH thực hiện nhiệm vụ của mình thông qua Đoàn và hoạt động của Đoàn ĐBQH. Chính vì thế Đoàn ĐBQH cần tiếp tục chỉnh lý lại địa vị pháp lý, vì hiện nay chúng ta coi Đoàn ĐBQH là tổ chức của các ĐBQH địa phương, nhưng tổ chức này đang là một tổ chức "lơ lửng".
"Vì sao? Vì Đoàn ĐBQH không phải cơ cấu của địa phương, cũng không phải cơ cấu của Quốc hội. Nói Đoàn ĐBQH là một tổ chức nhưng quy định nguyên tắc hoạt động của tổ chức này là gì? Trưởng đoàn, phó trưởng đoàn do các ĐBQH trong Đoàn bầu nhưng lại không quy định trưởng đoàn hay phó trưởng đoàn hoạt động theo nguyên tắc nào, theo chế độ đại diện hay chế độ thủ trưởng. Cần phải làm rõ vấn đề này", ĐB Phương nói.
Vẫn theo ĐB Phương, Đoàn ĐBQH trực thuộc ai, nếu thuộc cơ cấu của địa phương thì về mặt khoa học tổ chức không hợp lý. Còn quy định Đoàn ĐBQH là một cơ cấu của Quốc hội thì làm cho hoạt động của Đoàn ĐBQH tốt hơn. Đoàn ĐBQH sẽ trở thành tai, mắt và cánh tay nối dài của Quốc hội để thực hiện nhiệm vụ và điều quan trọng nhất là đại diện tiếng nói của người dân địa phương, thực hiện giám sát, thực thi chính sách pháp luật, xem xét tất cả các kiến nghị của người dân.
Theo ông, người dân hiện nay cũng rất mong muốn và kỳ vọng Đoàn ĐBQH có địa vị pháp lý vững chắc ở địa phương để trở thành người nói tiếng nói của dân, người bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Theo ĐB Phương nếu quy định Đoàn ĐBQH là cơ cấu của Quốc hội thì cũng không phát sinh thêm bộ máy, biên chế hay vấn đề gì khác chỉ làm cho Đoàn ĐBQH hoạt động ngày càng tốt hơn.