Vải thiều Thanh Hà chinh phục thị trường khó tính
Tại xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà vừa tổ chức chương trình thu hái vải thiều xuất khẩu và thực hiện xuất khẩu lô vải đầu tiên đi Singapore, Mỹ, Australia trong năm 2020.
Ngày 25/5, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam đã xuất container vải thiều đầu tiên sang Singapore. Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ xuất những chuyến hàng vải thiều đầu tiên sang thị trường Australia và Mỹ.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao chất lượng, mẫu mã quả vải của Thanh Hà, công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để vải Hải Dương có thể xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước khác. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn để quả vải đáp ứng được các điều kiện xuất khẩu.
Hải Dương hiện có 9.700ha vải, tập trung tại các địa phương Thanh Hà (khoảng 3.600ha) và Chí Linh (3.900ha).
Năm 2020, sản lượng vải ước đạt 45.000 tấn, riêng vải sớm đạt khoảng 20.000 tấn và vải thiều chính vụ dự kiến thu khoảng 25.000 tấn.
Trong đó, vải sớm (vải U trứng, U hồng, Tàu lai…) đã cho thu hoạch từ đầu tháng 5 đến nay với giá bán đầu vụ cao, ổn định và thị trường tiêu thụ thuận lợi.
Qua khảo sát, giá bán trung bình cao hơn cùng kỳ năm trước từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, với giá vải đầu vụ dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg, hiện đang ở mức 32.000-38.000 đồng/kg.
Đối với diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP phục vụ xuất khẩu đi Mỹ, Úc, Singapore, Nhật Bản và thị trường cao cấp, tỉnh Hải Dương có diện tích 220ha, sản lượng ước khoảng 1.500 tấn.
Hiện ngành nông nghiệp và các địa phương của tỉnh Hải Dương đang chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh để vải thiều chính vụ đạt năng suất, chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, đảm bảo cách ly thuốc bảo vệ thực vật từ 12-15 ngày trước khi thu hoạch.
Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương, việc tiêu thụ vải thiều đầu vụ khá thuận lợi. Số doanh nghiệp, siêu thị, thương nhân về Hải Dương thu mua nhiều hơn năm trước.
Vải thiều sớm đang thu hoạch đạt sản lượng khá cao, mẫu mã đẹp, bảo đảm chất lượng, giá bán cao hơn năm trước từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Các mẫu quả vải trong vùng xuất khẩu do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và các doanh nghiệp mang đi phân tích, đánh giá trước khi xuất khẩu đều bảo đảm tiêu chuẩn.
Bắc Giang quảng bá vải thiều sang Singapore
Trong khuôn khổ hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Singapore 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 29 và 30/5 tới, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore sẽ hỗ trợ tỉnh Bắc Giang giới thiệu, quảng bá về trái vải thiều Bắc Giang tới thị trường Singapore nhiều tiềm năng.
Thông tin từ TS Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore, thị trường này đang nhập trái vải từ Thái Lan, Đài Loan, tuy nhiên chất lượng vải từ các nơi sản xuất này kém xa vải thiều Việt Nam.
Singapore dù rất chuộng trái vải Việt Nam vì độ thơm, ngon nhưng hàng năm vẫn chủ yếu nhập vải thiều Việt Nam thông qua các nhà buôn Trung Quốc, lượng nhập trực tiếp từ Việt Nam còn hạn chế.
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, việc tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về trái vải Việt Nam nói chung, vải thiều Bắc Giang nói riêng tới thị trường Singapore, thúc đẩy kết nối xuất khẩu trực tiếp từ Việt Nam sang Singapore, kết hợp với việc tìm biện pháp bảo quản, vận chuyển trái vải từ Việt Nam tới quốc đảo này một cách nhanh chóng, giữ được hương vị và chất lượng tươi ngon sẽ hết sức quan trọng.
Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, năm 2020, Bắc Giang duy trì diện tích trồng vải thiều 28.000ha; sản lượng ước đạt 160.000 tấn (chiếm phần lớn diện tích và sản lượng vải thiều của Việt Nam).
Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 15.000ha, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218ha, được Mỹ cấp mã số IRADS.
Cơ quan chức năng Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng; cơ quan chức năng Trung Quốc chấp thuận 149 mã vùng trồng và 288 cơ sở đóng gói…
Tỉnh Bắc Giang đã sẵn sàng các điều kiện và đáp ứng đủ số lượng quả vải xuất khẩu sang Singapore và các nước trên thế giới.
Cục Xúc tiến thương mại đang phối hợp cùng Sở Công Thương Bắc Giang chuẩn bị các nội dung quảng bá hiệu quả nhất về quả vải thiều Bắc Giang tới các nhà nhập khẩu Singapore.
Ngoài ra, Bắc Giang cũng sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020. Đây là hội nghị trực tuyến đầu tiên quy mô quốc tế về xúc tiến tiêu thụ vải thiều sẽ diễn ra ngày 6/6/2020. Hội nghị có tổng cộng 64 điểm cầu.
Tại Việt Nam có 62 điểm cầu, gồm 1 điểm cầu tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, 1 điểm cầu tại UBND tỉnh Lào Cai, 1 điểm cầu tại UBND tỉnh Lạng Sơn và 59 điểm cầu tại cơ quan viễn thông các tỉnh, thành phố. Hai điểm cầu còn lại thuộc tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc).
Cơ quan chức năng Bắc Giang dự kiến năm nay, sản lượng vải thiều của tỉnh ước đạt 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019; thời gian thu hoạch từ 20/5-10/7.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT:
Chất lượng vải đáp ứng tốt yêu cầu khắt khe
Niên vụ 2020, tổng sản lượng vải của các tỉnh, trong đó có Hải Dương đạt khoảng 240.000 tấn. Với sự chuẩn bị tốt của các địa phương, đến nay, chất lượng quả vải tại các vùng đều đạt các yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản, cũng như được thị trường Úc chấp thuận triển khai công đoạn chiếu xạ tại Hà Nội.
Ngay từ đầu vụ, Cục đã làm việc với tỉnh Hải Dương để thống nhất các giải pháp kỹ thuật, cử cán bộ tập huấn, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, giám sát dư lượng thuốc BVTV vùng trồng, thiết lập hệ thống xử lý Methybromide (đây là yêu cầu mới từ phía thị trường Nhật Bản). Với các thị trường khác, chúng ta đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước, nên có nhiều giải pháp về mặt chính sách và quá trình thủ tục thuận tiện trong bối cảnh bị ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19.
Về công tác bảo quản, vụ mùa năm nay, quả vải tươi sau thu hoạch có thể được kéo dài độ tươi ngon lên tới 35 ngày nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, khắc phục được hạn chế trong khâu xuất khẩu, không phải quá phụ thuộc vào đường hàng không như trước đây, các doanh nghiệp xuất khẩu đã có thể lên kế hoạch xuất khẩu vải bằng đường biển.
Với nhiều biện pháp tăng cường kết nối, đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký bao tiêu tại các vùng trồng vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, với tổng sản phẩm thu mua xuất khẩu khoảng 4.000 tấn và hiện các doanh nghiệp đang thu mua 500 - 800 tấn vải/ngày.
Ước tính, vải thiều chính vụ sẽ thu hoạch trong thời gian tới, với sản lượng ước đạt cao gấp 3-4 lần so với vụ vải 2019.
Việt Phương (ghi)