Tôi không quen biết ông Lương Hữu Phước, thế nhưng có lẽ biết tôi là phóng viên chuyên viết điều tra, nên không biết từ bao giờ, ông ấy đã kết bạn với tôi trên Facebook.
Rồi gần đây, ông ấy đã nhắn tin cho tôi rằng "Mình ước mơ được những nhà báo giúp đỡ. Một vụ án oan sai không biết bao giờ kết thúc… Gia đình mình nghèo khổ, xin chân thành nhờ các báo công tâm giúp đỡ. Lương Hữu Phước…".
Gần nhất, vào thứ Năm (28/5) vừa qua, ông ấy tiếp tục nhắn: "Tôi Lương Hữu Phước đang bị oan sai. Muốn nhờ nhà báo giúp đỡ". Lời nhắn như một lời kêu cứu tuyệt vọng.
Nhưng thật trớ trêu, tôi chưa kịp làm gì để giúp ông ấy, trong khi bản thân đang rong ruổi, xác minh một vụ án có dấu hiệu oan sai khác ở miền Tây Nam Bộ…
Bất ngờ, ngày 29/5, tôi bàng hoàng, khi nghe được tin ông Lương Hữu Phước đã gieo mình tự tử, sau khi nhận tuyên án 3 năm tù.
Đến giờ này, tôi mới hiểu được nỗi bức xúc, sự phẫn uất của ông Phước trong suốt 3 năm qua. Vẫn biết rằng, ông Phước kêu cứu không chỉ với một phóng viên, mà có thể, ông ấy đã nhắn gửi, nhờ vả không ít phóng viên về trường hợp của ông.
Giá như tôi, hay bất kỳ nhà báo nào khác, nhạy bén vào cuộc, biết đâu ông Phước đã không nhảy lầu tự tử, vì ít ra ông Phước còn có chỗ, có nơi để phơi bày sự thật, trải nỗi lòng…
Vụ tai nạn giao thông xảy ra khiến người bạn của ông Phước tử vong. Cho dù theo tòa, ông Phước có lỗi, vì qua đường thiếu quan sát.
Nhưng, không hiểu tại sao, các quan tòa trong vụ án này không hề thừa nhận – nguyên nhân gây ra tai nạn là do thanh niên Lâm Tươi gây ra.
Lâm Tươi chạy xe với tốc độ cao trên đường trong khu đô thị, không giấy phép lái xe, trong trạng thái say xỉn, nên đã đâm trực diện vào giữa xe ông Phước. Và, xe Lâm Tươi đã xoay 180 độ, sau cú đâm vũ bão.
Chính cú đâm với tốc độ vũ bão này đã khiến ông Phước bị thương và ông Quý tử vong. Giá như, với quá đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra khởi tố luôn Lâm Tươi – người lái xe với tốc độ cao, không giấy phép lái xe, trong trạng thái say xỉn, thì chưa chắc ông Phước đã nhảy lầu tự tử.
Vụ án kéo dài tới nay đã sang năm thứ 3. Vụ án đã được xét xử sơ thẩm lần 1, phúc thẩm lần 1 hủy án. Rồi điều tra, bổ sung lại kết luận điều tra, tiếp tục xét xử sơ thẩm lần thứ 2… Và cuối cùng, phiên xử phúc thẩm lần thứ 2 diễn ra sáng 29/5 vừa qua.
Qua 4 lần xét xử tại tòa, bị cáo Lương Hữu Phước và luật sư của ông đều khẩn thiết kêu oan… Giá như các quan tòa lưu tâm đến lời kêu oan, phán xử có tình, có lý, với một mức án khách quan, công tâm, thì chưa chắc ông Phước đã lấy sinh mạng của mình để "thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước" như ông đã viết trong lời cuối trên Facebook cá nhân.
Thật có quá nhiều cái "giá như" trong vụ án và cái chết thương tâm này ở Bình Phước. Hơn bao giờ, hệ thống tư pháp của đất nước này phải có một cú "chuyển mình" thật sự, một thay đổi – cách tân đột phá, để không bao giờ còn xảy ra những vụ án oan, những cái chết thương tâm sau giờ tuyên án…
Và, không còn những cái "giá như" đầy tiếc nuối, đau thương của những phận người.