Trung Quốc từ lâu đã cáo buộc Mỹ “khủng bố kinh tế”, “bắt nạt kinh tế”, trích lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hanhui hồi tháng 5/2019. Chỉ ít lâu sau khi thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 được ký kết hồi tháng 1, chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, cáo buộc nước này phải chịu trách nhiệm cho sự bùng phát đại dịch Covid-19 tại Mỹ nói riêng và trên toàn cầu nói chung.
Không riêng Mỹ, sự bùng phát dịch bệnh cũng khiến các chính phủ nhận thức sâu sắc hơn về những rủi ro khi phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng và thị trường Trung Quốc. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên tiên phong trong chiến dịch “xa lánh” Trung Quốc, đã có những doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên nhận trợ cấp của Chính phủ để quay về. Các nhà hoạch định chính sách Châu Âu cũng đang hành động, kêu gọi doanh nghiệp về nước hoặc đa dạng hóa thị trường.
Thực tế, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng ngày càng thúc đẩy các biện pháp gia tăng áp lực lên phía Bắc Kinh, từ việc hạn chế các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, đến việc đưa thêm 33 doanh nghiệp, tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen mới đây, hay ban hành Bộ quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài để dồn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei vào tử địa.
Căng thẳng địa chính trị cùng nguy cơ Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục áp thuế đã cản trở phần nào dòng vốn FDI vào thị trường Trung Quốc. Một số quốc gia lân cận như Việt Nam đã và đang phần nào hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch nhà máy như vậy.
Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình giờ đây phải đối mặt với hai áp lực nặng nề: phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và sức ép từ Washington. Thực tế, Trung Quốc đã bắt đầu phản ứng. Một nguồn tin từ Thời báo Hoàn cầu cho biết Bắc Kinh có thể sẽ xem xét khởi động danh sách đen tương tự như Mỹ, hoặc điều tra các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc để trả đũa những động thái của chính quyền Trump.
Một cuộc khảo sát tư nhân mới đây cho thấy chỉ số quản lý thu mua sản xuất Caixin/ Markit của Trung Quốc đạt mức 50,7 trong tháng 5. Chỉ số PMI trên 50 phản ánh sự mở rộng hoạt động sản xuất, trong khi mức 50 phản ánh sự trung lập và dưới 50 thể hiện sự thu hẹp.
Trước đó, các nhà phân tích Reuters đã dự báo PMI sản xuất của Trung Quốc chỉ tăng nhẹ từ mức 49,4 trong tháng 4 lên 49,6 trong tháng 5.
Hôm 31/5, Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng công bố chỉ số quản lý thu mua sản xuất chính thức là 50,6, cũng phản ánh sự mở rộng hoạt động sản xuất trong nền kinh tế. Chỉ số PMI sản xuất của nhà nước Trung Quốc chủ yếu phản ánh hoạt động của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước trong khi khảo sát Caixin/ Markit phản ánh bức tranh vi mô hơn của nền kinh tế, ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhìn chung, dữ liệu kinh tế chỉ ra rằng hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ, số đơn hàng mới từ thị trường nước ngoài cũng có xu hướng tăng lên.
Trung Quốc, quốc gia nơi đại dịch Covid-19 xuất hiện đầu tiên đã bắt đầu thúc đẩy khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 3/2020, thời điểm mà dịch bệnh chỉ mới bắt đầu bùng phát ở các nước Châu Âu và Mỹ.
Sau nhiều tuần thực hiện phong tỏa các địa phương để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, chính quyền Tập Cận Bình là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố kiểm soát thành công dịch Covid-19.
Quốc hội Trung Quốc vừa kết thúc phiên họp vào tuần trước, một phiên họp mang tính biểu tượng rằng Trung Quốc đã vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch và khôi phục trở lại hoạt động kinh tế - xã hội.
Hồi tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường trong một cuộc họp báo cũng khẳng định chính sách mở cửa của Trung Quốc dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả những động thái thể hiện tham vọng bành trướng kinh tế của Bắc Kinh, nhất là trong bối cảnh đối thủ sống còn là Mỹ đang điêu đứng vì dịch bệnh.
Cho đến nay, chính quyền Tập Cận Bình báo cáo hơn 80.000 ca nhiễm Covid-19 và hơn 4.600 trường hợp tử vong. Trong khi đó, Mỹ - ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới - báo cáo hơn 1,6 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 100.000 người tử vong, một bức tranh bi đát hơn nhiều.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng GDP hơn 1% trong năm 2020, trong khi nền kinh tế Mỹ có nguy cơ giảm tốc -6% do hệ lụy khổng lồ từ sự bùng phát đại dịch. Viễn cảnh cho nền kinh tế toàn cầu cũng u ám không kém, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới -3% trong năm nay.
Như vậy, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ trở thành một trong số ít nền kinh tế chứng kiến tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị leo thang xoay quanh sự bùng phát đại dịch.
Các nhà quan sát cũng nhận định rất khó để Tổng thống Mỹ Donald Trump thành công trong việc loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại. “Chúng tôi đã nói về Trung Quốc từ hàng trăm năm nay. Trung Quốc không phải là một thị trường tồi tệ cho hoạt động kinh doanh. Ngay cả bây giờ vẫn có rất nhiều công ty muốn tiến vào thị trường Trung Quốc. Người dân Mỹ vẫn muốn đổ tiền vào Trung Quốc”, ông Walter Lohman, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á cho hay. Những tiềm năng từ thị trường tỷ dân đang che mờ đi rủi ro bất ổn địa chính trị, mà tâm điểm là căng thẳng Mỹ Trung.
Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu kinh tế hồi năm 2016 từng báo các các doanh nghiệp Mỹ mỗi năm kiếm tới 450 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc kiếm chưa đầy 50 tỷ USD từ thị trường Mỹ. Sức mua mạnh mẽ của thị trường tỷ dân cùng năng lực sản xuất dồi dào, giá thành rẻ đã biến Trung Quốc trở thành một trong những “miếng phô mai” ngon lành bậc nhất mà bất cứ doanh nghiệp toàn cầu nào cũng muốn chen chân vào.
Nhiều nhà quan sát nhận định việc rút chân khỏi thị trường Trung Quốc là điều không doanh nghiệp nào mong muốn, nhất là những đại gia công nghệ kiếm bộn tiền từ quốc gia Đông Á này, như Apple chẳng hạn. Với việc bám rễ Trung Quốc, vô hình chung, chính các doanh nghiệp Mỹ đang góp phần lớn vào kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch Covid-19 của chính quyền ông Tập Cận Bình.