Trung Quốc chấp nhận tăng nợ xấu để cứu doanh nghiệp
Hồi đầu tháng 2, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm thêm 1.700 tỷ NDT (tương đương 243 tỷ USD) vào thị trường tài chính thông qua nghiệp vụ repo ngược, đợt bơm thanh khoản lớn nhất kể từ năm 2004 đến nay.
PBOC sau đó tiếp tục hạ 0,1% lãi suất cho vay ngắn hạn và mới đây nhất là lãi suất cho vay trung hạn MLF trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế trì trệ vì dịch covid-19 do virus corona. Dự kiến, PBOC trong tuần này sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay tham chiếu LPR. Có thể thấy, chính quyền Tập Cận Bình đang nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ, bơm tiền vào hệ thống tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch virus corona.
Dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc đe dọa sự sống còn của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ
Một khảo sát được thực hiện bởi hai trường đại học hàng đầu Trung Quốc là Thanh Hoa và Bắc Đại chỉ ra rằng 2/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của Trung Quốc có thể sẽ phá sản trong 2 tháng nữa nếu dịch covid-19 do virus corona tiếp tục hoành hành. 18% SMEs trong khảo sát xác nhận có thể kéo dài hoạt động tối đa 3 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc 85% SMEs của Trung Quốc sẽ sụp đổ trong 3 tháng tiếp theo nếu không nhận được hỗ trợ tài chính trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Cần phải biết rằng, các SMEs là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm tới 60% sản lượng kinh tế và tạo ra hơn 80% việc làm cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh các SMEs kêu cứu, chính quyền địa phương nhiều tỉnh thành như Chiết Giang, Giang Tô, Thượng Hải… đã yêu cầu các ngân hàng chấp nhận nợ xấu gia tăng và lợi nhuận giảm để hỗ trợ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch virus corona. Phó Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc, ông Fan Yifei hôm 15/2 cũng thừa nhận sẽ tạo điều kiện cho một cơ chế nợ xấu “dễ dàng hơn” để “hỗ trợ các doanh nghiệp khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất, qua đó duy trì sự vận hành ổn định của nền kinh tế”.
Nợ xấu tăng, doanh nghiệp chưa chắc “sống”
Trong điều kiện thông thường, các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng có thể là giải pháp cứu vãn các công ty Trung Quốc trong thời kỳ khủng hoảng. Nhưng đối với nền kinh tế Trung Quốc vốn đang suy yếu và gánh áp lực nợ xấu nặng nề hiện tại, đây chưa hẳn là một giải pháp thông minh.
Theo báo cáo do viện Tài chính Quốc tế công bố hồi tháng 1/2020, trước thời điểm dịch covid-19 do virus corona bùng phát, nợ công Trung Quốc hiện đã tiệm cận mức 310% GDP, một trong những thị trường mới nổi có mức nợ cao nhất toàn cầu. Tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu tại thị trường Trung Quốc năm 2019 lên tới 130 tỷ USD. Nguyên nhân chính được đổ lỗi cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung, các chính sách trừng phạt thuế quan từ chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào hàng hóa Trung Quốc và nhiều bất ổn thương mại trên toàn cầu. Tình hình nợ xấu và vỡ nợ kỷ lục đã khiến các chuyên gia tài chính phải lên tiếng cảnh báo khủng hoảng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Giờ đây, khi dịch covid-19 do virus corona làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc, buộc Ngân hàng Trung Ương phải nới lỏng chính sách tiền tệ để “cứu” doanh nghiệp, nguy cơ khủng hoảng nợ của Trung Quốc chắc chắn lớn hơn nhiều.
Ông Liu Xiaochun, Phó Chủ tịch Viện Tài chính Thượng Hải, Cựu Chủ tịch Ngân hàng Zheshang (Trung Quốc), nhận định: “Áp lực của chính phủ trong việc buộc ngân hàng nới lỏng các khoản vay với doanh nghiệp có thể không giúp giải quyết thực trạng khó khăn do sản xuất kinh doanh trì trệ, doanh thu giảm mạnh. Thậm chí, động thái này còn làm tăng nợ doanh nghiệp và các rủi ro tín dụng với hệ thống ngân hàng”.
Các chuyên gia Morgan Stanley chỉ ra rằng ngay cả những ngân hàng lớn của Trung Quốc như Ngân hàng Thương mại Nông thôn Trùng Khánh, Ngân hàng Thương gia Trung Quốc, Ngân hàng Minsheng… cũng có nguy cơ đối diện rủi ro trong ngắn hạn do nợ xấu tăng lên từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chính quyền Tập Cận Bình vẫn lạc quan
Chủ tịch Tập Cận Bình lạc quan kinh tế Trung Quốc "không bị đe dọa bởi những khó khăn hiện tại"
Bất chấp hàng loạt khó khăn từ gánh nặng nợ xấu đến sản xuất kinh doanh trì trệ vì dịch bệnh, chính quyền Tập Cận Bình vẫn hết sức tự tin vào động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Tờ Tân Hoa Xã hôm 17/2 đưa tin, trong khuôn khổ cuộc họp Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Sự bùng phát của dịch covid-19 do virus corona không nên là lực cản ngăn Trung Quốc đạt đến các mục tiêu kinh tế xã hội trong dài hạn”.
“Tác động của đợt bùng phát dịch virus corona sẽ chỉ gây ảnh hưởng trong thời gian ngắn và Trung Quốc sẽ không bị đe dọa bởi những khó khăn hiện tại”, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh.
Phát biểu được đưa ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ người đồng cấp Indonesia Joko Widodo, nhấn mạnh rằng “Trung Quốc có đủ khả năng và sự tự tin giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc chiến chống dịch covid-19 do virus corona”.
Trước đó, hôm 15/2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi tại Diễn đàn An ninh Thế giới Munich cũng tự tin tuyên bố: “Chúng tôi tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn sau dịch bệnh. Nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén sẽ kích thích giải phóng tiềm năng tăng trưởng. Trung Quốc sẽ chứng kiến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn bao giờ hết… Nền kinh tế Trung Quốc có vị thế tốt để vượt qua mọi rủi ro và thách thức. Các nguyên tắc cơ bản để duy trì tăng trưởng kinh tế là không thay đổi”.
Sự lạc quan của giới chức Bắc Kinh hoàn toàn đi ngược lại dự đoán của các chuyên gia quốc tế về việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm mạnh, thậm chí đạt 0% trong quý I do dịch virus corona làm ngừng trệ 80% nền kinh tế.
Nhiều tỉnh thành của Trung Quốc, tâm điểm là Hồ Bắc vẫn đang bị “cách ly” chặt chẽ trong bối cảnh dịch covid-19 do virus corona tiếp tục diễn biến phức tạp. Tính đến sáng 16/2, đã có 70.548 ca nhiễm virus corona được báo cáo tại Trung Quốc, với số ca tử vong hiện là 1.770 người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.