Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng dẫn đến nhu cầu trang thiết bị phòng chống dịch tăng đột biến, đặc biệt là nhóm sản phẩm vật tư y tế phòng hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay y tế và trang phục bảo hộ…
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến hết năm 2020, thế giới cần 2,2 tỷ khẩu trang phẫu thuật, 1,1 tỷ găng tay y tế, 13 triệu kính bảo hộ và 8,8 triệu tấm che mặt phục vụ phòng, chống lây nhiễm Covid-19.
Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19, như: khẩu trang, găng tay y tế, kính bảo hộ y tế, quần áo phòng dịch. Trước nhu cầu gia tăng mặt hàng này trên thế giới, các cơ sở sản xuất trong nước cần tăng công suất lên 40%.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC thông tin, khi thị trường thiết bị bảo hộ y tế trong nước đã được lấp đầy còn nhu cầu của các nước khác tăng cao thì mục tiêu của doanh nghiệp là xuất khẩu. Tuy nhiên, đây là nhóm hàng hóa đặc biệt, liên quan đến các tiêu chuẩn về y tế nên không ít doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường, đặc biệt là Mỹ và EU.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trần Khánh Hoàng, Giám đốc điều hành Super Cargo Service chia sẻ, cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế đang rất lớn, một mặt do nhu cầu sử dụng cấp bách tăng đột biến, mặt khác doanh nghiệp Việt Nam đang có có lợi thế được nhiều thị trường áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu so với hàng cùng chủng loại của các nước khác.
Tuy nhiên khó khăn mà hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế đang gặp phải hiện nay là thiếu chứng từ và các giấy chứng nhận, không nắm rõ quy trình nhập khẩu của thị trường đến, thiếu phương tiện vận chuyển và giá thành vận chuyển cao.
Cụ thể, từ trước đến nay doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, EU, Australia… các mặt hàng tiêu dùng thông dụng, chưa có kinh nghiệm trong xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế nên không nắm rõ các yêu cầu về chứng từ, chứng nhân tiêu chuẩn của các nước này đối với mặt hàng sử dụng trong lĩnh vực y tế, dẫn đến trường hợp khi ký hợp đồng xuất khẩu, vận chuyển hàng đi không chuẩn bị đủ các chứng từ cần thiết.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch, hoạt động vận tải ở nhiều khu vực bị gián đoạn khiến doanh nghiệp không tìm được phương tiện vận chuyển hoặc nếu có phương tiện thì chi phí vận chuyển rất cao. Hiện tại, trung bình giá cước vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến Mỹ theo đường hàng không là trên 10 USD/kg.
Theo ông Nguyễn Trần Khánh Hoàng, giá cước vận chuyển cao, trong khi doanh nghiệp không nắm rõ yêu cầu về chứng từ, không nắm rõ quy trình nhập khẩu của thị trường sẽ dẫn đến nguy cơ rủi ro rất lớn. Trong trường hợp hàng vận chuyển đến cảng nhưng không thông quan được thì doanh nghiệp buộc phải đưa hàng về, chi phí vận chuyển sẽ tăng gấp đôi trong khi hàng hóa không bán được, thiệt hại kinh tế là rất lớn.
Bà Phạm Thi Hoàng Oanh, Giám đốc điều hành Indochine Vina cho rằng, để tận dụng được cơ hội xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu tất cả thông tin liên quan đến thị trường nhập khẩu, không chỉ là nhu cầu về số lượng mà bao gồm cả các tiêu chuẩn áp dụng cho mặt hàng liên quan đến lĩnh vực y tế cũng như quy trình nhập khẩu để tuân thủ, từ đó quá trình thông quan sẽ thuận lợi. Trong đó, bà Oanh nhấn mạnh đến các yếu tố nguyên liệu, quy trình sản xuất phải đạt chất lượng để đảm bảo sản phẩm đầu ra đáp ứng nhu cầu cao của các nước nhập khẩu.