Dân Việt

Xử lý bạo loạn, Mỹ chứng minh điều gì với thế giới?

Sputnik 03/06/2020 20:30 GMT+7
Lầu Năm Góc đã phái 1.600 binh sĩ đến khu vực Washington, nơi các cuộc bạo loạn vẫn diễn ra. Trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà phân tích chính trị Yuri Svetov bình luận về tình huống này và đánh giá hành động của chính quyền Washington đối phó với bạo loạn ở Mỹ.
Xử lý bạo loạn, Mỹ chứng minh điều gì với thế giới? - Ảnh 1.

Lầu Năm Góc đã triển khai khoảng 1.600 binh sĩ ở khu vực lân cận Washington, nơi các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, nguyên nhân là cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd. Đây là tin của Reuters, dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman.

"Các binh sĩ đang làm nhiệm vụ, được bố trí tại các căn cứ quân sự của khu vực thủ đô, nhưng không phải ở trong thành phố Washington", Reuters dẫn lời ông Jonathan Hoffman.

Ông Hoffman cũng nói rằng các quân nhân đang ở trong tình trạng "sẵn sàng cao độ", nhưng không cung cấp hỗ trợ cho chính quyền dân sự.

Trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà phân tích chính trị kiêm nhà báo Yuri Svetov bình luận về quyết định của chính quyền Mỹ.

biểu tình ở washington

"Việc sử dụng quân đội cho những trường hợp như vậy thường là rất khó chịu - chính quyền không thể đối phó với sự bất ổn của xã hội. Nhiều nhà phân tích cho rằng xã hội Mỹ vô cùng chia rẽ, kể cả trên cơ sở chủng tộc. Sử dụng quân đội chống các cử trị là vấn đề rất phức tạp. Trong quân đội Mỹ có nhiều quân nhân người Mỹ gốc Phi. Họ sẽ hành  xử thế nào? Liệu họ có làm theo lệnh cấp trên hay không? Theo các phương tiện truyền thông, cảnh sát Mỹ từ chối thực hiện mệnh lệnh này. Trong mọi trường hợp, chính quyền Mỹ hiện đang chứng minh với toàn thế giới rằng họ không thể đối phó với các cuộc biểu tình bằng các phương pháp thông thường”,  ông Yuri Svetov cho biết.

Đồng thời, ông Yuri Svetov cho rằng, một bộ phận người Mỹ sẽ ủng hộ quyết định của chính quyền sử dụng quân đội trong cuộc chiến chống tình trạng bất ổn.

“Thật đau lòng khi nhìn tình hình hiện nay, khi xảy ra cướp phá. Rốt cuộc, có những người thực sự bị thiệt hại. Tôi nghĩ rằng việc đưa quân vào xuất phát từ tình huống có những người phải dùng vũ khí để bảo vệ tài sản của mình",  nhà khoa học chính trị lưu ý.

Làn sóng chống đối và bạo loạn đang quét qua các thành phố nước Mỹ sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd do bị cảnh sát bắt giữ. Một trong những cảnh sát chẹn cổ Floyd trong vụ bắt giữ đã bị khởi tố vì tội giết người do sơ suất.