Một cách làm hay là xem xét, chọn lựa thông qua những chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), hoặc thông qua chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm ở nước ta vẫn tổ chức đánh giá, xếp hạng.
Ở mỗi một chỉ số như vậy, chúng ta đều có thể tìm ra những lãnh đạo chất lượng tốt ở các lĩnh vực, hoặc là về quản lý nhà nước nhìn từ góc độ cải cách hành chính hoặc trên góc độ tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp tư nhân làm ăn... Họ đã vượt qua thử thách đưa địa phương mình, ngành mình vượt khó đi lên.
Trong bài viết này, tôi xin đề xuất một vài giải pháp qua đó có thể tìm người lãnh đạo giỏi thông qua các chỉ số PAPI, chỉ số PCI thường niên.
Địa phương nào, bộ nào có thành tích tốt, tăng hạng thứ bậc nhanh trong một giai đoạn và thể hiện được sự ổn định, chắc chắn thì nên coi đây như một thành tích để chọn ra người lãnh đạo có năng lực đóng góp cho cấp trên.
Như mới đây, hôm 19/5, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2019 là chuyện rất đáng suy nghĩ.
Theo đó, địa phương dẫn đầu các tỉnh, thành năm nay là tỉnh Quảng Ninh, với kết quả đạt chỉ số 90,09%. Quảng Ninh đã 3 năm liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu này (nếu tính cả chỉ số PCI thì năm 2019,Quảng Ninh cũng lại là đứng đầu 63 tỉnh, thành). Như vậy, có thể xem Quảng Ninh là địa phương làm ăn tốt trên nhiều phương diện.
Và trên thực tế đúng như vậy nhưng là nhờ Quảng Ninh đã có cả một chặng đường rất dài phấn đấu, từ 7-8 năm về trước. Điều này cũng có thể hiểu, nguồn lãnh đạo ở nơi này là có chất lượng, có quy hoạch chiến lược lâu dài; nếu muốn khai thác, đưa vào quy hoạch là có cơ sở khoa học.
Thứ hạng thứ 2 thuộc về Hà Nội, giống như kết quả năm 2018. Hà Nội năm 2019 đã có sự tăng trưởng vượt bậc về chỉ số PAPI so với năm 2018, từ thứ hạng 29 vươn lên vị trí số 2. Đây là một cố gắng rất lớn của Hà Nội đáng được ghi nhận.
TP.HCM xếp vị trí thứ 7. Đặc biệt, năm 2019, TP.HCM tăng tới 10 bậc về chỉ số PAPI so với năm 2018.
Ở khối cơ quan Trung ương cũng có những con số đáng suy nghĩ .
Vẫn theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ được công bố tại hội nghị, với nhóm các bộ ngành, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục dẫn đầu với kết quả 95,4%; Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp cũng đều đạt trên 90%.
Ngoài 3 đơn vị thuộc nhóm có chỉ số cải cách hành chính trên 90%, 14 bộ còn lại có chỉ số cải cách hành chính từ trên 80% đến dưới 90%.
Trong nhóm này, Bộ Giao thông Vận tải có chỉ số thấp nhất, đạt 80,53%. Nếu chúng ta "soi" sâu hơn sẽ thấy, năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải cũng đứng cuối bảng với chỉ số 75,13%. Đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải từng thuộc nhóm có chỉ số cải cách hành chính cao vào năm 2016 (thời kỳ người khác làm bộ trưởng), đạt 84,02%, xếp thứ 4 trong nhóm bộ, cơ quan ngang bộ. Tiếc rằng họ lại không duy trì được như thế.
Chỉ số cải cách hành chính năm trung bình năm 2019 của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt 85,63%, tăng 2,95% so với năm 2018. 16 bộ, cơ quan ngang bộ đều có chỉ số tăng hơn năm 2018, ngoại trừ Bộ Công thương bị giảm...
Cũng với cách nhìn tương đối biện chứng, ở mảng kinh tế tư nhân, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 cũng cho ta thấy, những địa phương nào trong cách nhìn của doanh nghiệp tư nhân là mảnh đất có thể "sống được, làm ăn dễ chịu".
Chỉ số PCI năm 2019 được công bố hôm 5/5 tại Hà Nội. Chỉ số do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác xây dựng giờ đây đã thành một nếp tốt. PCI được thực hiện từ năm 2005. Lúc đầu, cách làm này không hẳn được tất cả mọi địa phương đồng tình cao, nhưng đến nay thì về cơ bản là tán đồng. Những địa phương nào nếu đứng ở top 3, top 5 và có thể cả top 10 của bảng xếp hạng, theo tôi thì có thể yên tâm vì cái này đâu có phải "chạy" mà được.
Theo thứ tự xếp hạng thể hiện sự nổi trội ở các địa phương trong 14 năm vừa qua, chúng ta dễ thấy nổi lên các địa phương như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đồng Tháp... Họ là những địa phương duy trì trong những "top trên" khá bền vững trong khoảng 5-10 năm đầu. Thế nhưng đến nay thì họ lại tỏ ra đuối dần, ví dụ như Lào Cai, Vĩnh Phúc ...
Rõ ràng, PCI hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò của người đứng đầu và thế hệ kế thừa có duy trì tiếp được "mạch thắng"của người tiền nhiệm trước đó không ?
Ngược lại, trường hợp Quảng Ninh mấy năm gần đây liên tục đứng đầu về chỉ số PCI rõ ràng đã tạo nên một diện mạo rất mới cho bức tranh Quảng Ninh thêm sức hấp dẫn đặc biệt. Nếu không hấp dẫn các nhà đầu tư từ 7-8 năm trở về trước, làm sao tỉnh này có được bộ mặt khởi sắc như hôm nay? Nào là đường cao tốc nối dài , nào là sân bay quốc tế, cảng biển khách quốc tế, khu vui chơi, giải trí nối dài khắp Bãi Cháy vốn một thời phải tắm biển bất đắc dĩ. Tất cả đều do tư nhân đầu tư và thật sự tạo ra một bộ mặt đặc biệt khác xưa .
Đó chính là hệ quả của nhiều năm tích tụ và đến giờ là những thành tựu mà địa phương này thu được như thế. Nó không phải là thứ tự nhiên đến và cũng không dễ suy giảm nếu ở nơi đó sẽ duy trì được nề nếp tốt đẹp trước đó.
Thế nhưng xem ra công tác chọn nguồn kế cận, chúng ta cũng chưa thật coi những nơi này làm trọng để tìm nguồn lãnh đạo cho cả nước.
Từ các kết quả phân tích PAPI và PCI, rõ ràng bộ ngành, địa phương nào hiệu quả, phát triển hơn thì có thể hiểu lãnh đạo ở đó xứng đáng hơn, có tầm nhìn lâu dài hơn.
Từ những góc nhìn như tôi đề cập, mới đây, tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trên một vài bài báo, cũng có nêu một số ý rất phù hợp với quan điểm của tôi khi đề xuất giải pháp tìm nguồn lãnh đạo chất lượng cho trung ương.
Thừa nhận rằng, cũng có rất nhiều tiêu chí để lựa chọn lãnh đạo giỏi, nhưng theo TS. Dũng, thành tích thực tế là tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn. Thành tích tồn tại khách quan và bao giờ cũng đo đếm được. Ví dụ, quan chức chịu trách nhiệm vận hành chức năng của ngân hàng trung ương thì phải chống được lạm phát, phải ổn định được giá trị của đồng tiền và phải bảo đảm được thanh khoản cho nền kinh tế. Không làm tốt được những điều trên, có đáp ứng mọi tiêu chuẩn khác cũng ít có ý nghĩa.
Tương tự như vậy, quan chức đứng đầu địa phương phải bảo đảm tăng trưởng GDP, bảo đảm việc làm và nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự của địa phương.
Điều này rõ ràng là có lý của nó. Cá nhân tôi thì cho rằng, bộ nào, ngành nào mà để xảy ra nhiều tiêu cực, nhiều việc rối tung rối mù gỡ mãi vẫn không xong, bộ nào để xảy ra bao bê bối, cơ man quan chức cấp cao phải hầu toà và đếm không xuể thì liệu có xứng đáng được coi là bộ máy mạnh hay không ?
Đại hội Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã và đang triển khai ở cấp cơ sở để tiến tới ĐH Toàn quốc vào đầu 2021. Nên chăng cơ quan làm nhân sự của Đảng cần "chọn mặt gửi vàng" từ một trong những nguồn lãnh đạo trong đó có ở các địa phương, các bộ, ngành như tôi vừa nêu. Nó là thước đo khá chuẩn xác do đã được thử thách, kết quả cũng đã có từ các năm gần đây thông qua các chỉ số PAPI và PCI , tránh nhìn nhận theo lối cảm tính, chủ quan.
Với cách tuyển chọn tương đối gọi là có cơ sở khoa học này, từ đây chúng ta có thể tìm ra một nguồn cán bộ kế cận có năng lực, có tư cách và tài năng, từng được thực tế kiểm chứng ở mọi địa phương, ở các bộ. Tôi nghĩ, nếu bảo rằng cách này đúng 100% thì có lẽ chưa hẳn. Thế nhưng chí ít, nó cũng là cách nhìn công việc cụ thể để chọn ra người tài khá đúng, có cơ sở khoa học.