"Không chọn cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất tài sản" - liệu có khó?

Quốc Phong Thứ tư, ngày 27/05/2020 15:31 PM (GMT+7)
Để có được sự chính xác trong xác minh tài sản cán bộ trong diện quy hoạch, điều đó vừa dễ mà lại vừa cực khó. Phương thức bạch hoá tài sản trên địa bàn cán bộ cư trú cũng là một trong những cách tương đối khả thi, chí ít là lúc này.
Bình luận 0

"Không chọn cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất, nhiều tài sản" - Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã từng bày tỏ quan điểm này hơn một lần trong các hội nghị gần đây của Đảng ta, từ Hội nghị Công tác cán bộ toàn quốc cũng như Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 12, khoá 12 về quy hoạch nhân sự khoá 13.

Tôi còn nhớ, trong một lần gặp gỡ PGS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (nay gọi là Ban Tuyên giáo) cách đây khoảng 3 kỳ Đại hội, ông có nói với chúng tôi: "Nghe chuyện quan chức họ kê khai tài sản trước Đại hội mà thấy buồn cười". Ông ngày đó đã tỏ ra thất vọng khi kể rằng mới rồi, có một vị lãnh đạo cao cấp kê khai tài sản của gia đình mà chỉ khai có 50 triệu đồng. Ông tâm sự: "Nghe thế có thấy nó hài hước và thấy hèn không? Cỡ cán bộ như tôi, tôi cũng không bao giờ lại khai như thế..."  

Ngày đó, theo Pháp lệnh kê khai tài sản hiện hành, cán bộ phải kê khai những gì quy ra giá trị từ 50 triệu đồng đổ lên. Thường là, khi ấy, nếu ai không có nhà, có ô tô, thì có lẽ chỉ sở hữu chiếc xe máy Spacy đắt tiền mới phải kê khai. Còn như nếu anh có cả trăm thứ khác mà giá chỉ 49 triệu/1 hiện vật thì cũng vẫn không phải khai và cũng không bắt anh cộng tất tật tổng tài sản trong nhà như nhiều người suy nghĩ. 

Cách định tính kiểu trái khoáy này bỗng trở thành chuyện khôi hài vào đúng lúc chúng ta vừa ban hành pháp lệnh trên. Tôi đã có những bài viết về câu chuyện này trong sự băn khoăn, hoài nghi.

Cũng vì thế người ta mới kể ra một chuyện vui rằng, có một quan chức đang nằm trong quy hoạch ở cấp sở của một tỉnh nọ. Nhiều người biết nhà anh này vốn không khá giả. Ấy vậy mà bất ngờ anh ta lại khai mình có 3.000 lượng vàng để rồi cả cơ quan bàn tán vài tháng vẫn không hết chuyện. Anh ta khai đây là số vàng do ông nội mình trúng số độc đắc từ thời thuộc Pháp mà có. Nay cha anh viết di chúc để cho anh thừa kế. 

Nói và khai vậy nhưng cũng chỉ là "để biết", để "chốt" chứ có ai lập đoàn kiểm tra đến nhà anh để chứng kiến tận mắt nó có thực hay không.

Thế nhưng sau đó chỉ có dăm năm, ai cũng phục sát đất anh ta bởi lúc đó anh đã xây một "biệt phủ" to như lâu đài mà không ai có thể nghi ngờ. Chính cái "lời khai không mất tiền mua" năm xưa đã giúp anh có cái vỏ bọc hoàn hảo hơn nhiều quan chức khác, muốn xây nhưng còn ngại dư luận, sợ bàn tán sao mình mới có mấy năm nhậm chức mà đã giàu nhanh vậy.

"Không chọn cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất tài sản" - liệu có khó? - Ảnh 2.

Đã có nhiều cán bộ bị kỷ luật vụ "biệt phủ Yên Bái".

Người ta cũng có thể khai báo tài sản, cơ ngơi đó là do vợ con kinh doanh mà có. Điều đó cũng là lý do chính đáng, khó bắt bẻ.Trong thực tế, không ít trường hợp như thế, không nên vội vàng chụp mũ, suy đoán thiếu cơ sở, đó là quyền của gia đình họ nếu họ chứng minh tài sản đó hợp pháp. 

Thế nhưng, nếu muốn xác minh điều đó có thật hay gian dối thì không khó, nếu tìm hiểu doanh nghiệp của vợ,con họ mỗi năm lãi bao nhiêu, nộp thuế doanh nghiệp bao nhiêu?Tại sao mới có hai ba chục tuổi đầu mà giàu như vậy? Thuế thu nhập cá nhân họ có đóng hay không? Đóng bao nhiêu? 

Nếu khai không trung thực thì cách gì cũng lộ ra và lúc này người ta có thể truy thu thuế của gia đình anh và quy tội trốn thuế bấy nhiêu năm. Từ đó, tổ chức sẽ loại được người thiếu trung thực ra khỏi nguồn quy hoạch.  

Với việc để dân địa phương giám sát nơi địa bàn cán bộ cư trú rõ ràng sẽ chính xác hơn chuyện quan chức nộp tờ khai tài sản cho cơ quan, không niêm yết công khai cho dân biết, dân kiểm tra tại khối phố, làng xóm . 

Nhưng người ta cũng có thể không đứng tên mà để con cái mình đứng tên, hoặc để cha mẹ,anh chị em ruột, kể cả gia đình thông gia mình đứng tên giúp, hoặc có thể gửi nhiều tài khoản ở các nhà băng nước ngoài để tránh kiểm soát.  Những trường hợp này khó hơn nếu muốn xác minh tài sản của người đó thực hư thế nào. 

Một trong những lực cản là hiện nay ở nước ta, tình trạng sử dụng tiền mặt quá nhiều. Mua nhà, mua xe ô tô mà cũng vác va li tiền đi mua, đủ thấy khó cho công tác phòng chống tham nhũng đến mức nào. Nếu ngăn chặn được cách này bằng những chế tài đủ mạnh, không dùng tiền mặt trong giao dịch mua bán, tham nhũng sẽ giảm đi khá nhiều. 

Hiện nay, tất cả các ngân hàng dù là quốc doanh hay tư nhân đều thành lập bộ phận theo dõi phòng chống rửa tiền của khách hàng.Tuy nhiên, họ cũng chỉ làm ở chừng mực nào đó, như theo dõi xem ai có động thái đột biến, không bình thường, mới nghi vấn, báo cáo cơ quan có trách nhiệm. Vì thế, nó cũng chỉ hiệu quả ở mức độ nhất định.

Song, các cơ quan quản lý nhà nước như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an cũng có các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh tiền tệ. Nếu có chế tài đủ mạnh, tôi nghĩ chúng ta sẽ hạn chế được tiêu cực phần nào, và góp phần làm cho xã hội lành mạnh hơn. Tóm lại, nếu quyết tâm thì để làm, vẫn sẽ được. 

Hy vọng trong công tác tìm nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới,Đảng và Nhà nước sẽ có nhiều biện pháp xác minh cẩn trọng để tìm được nguồn lãnh đạo chiến lược đúng với chủ trương, quan điểm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng gợi ý. Công việc hệ trọng này không thể chậm hơn nếu muốn làm hiệu quả, công tâm.

Chỉ có như vậy thì mới chống được lối khai báo hài hước,thiếu trung thực, lúc xảy ra bê bối thì lại khai rằng mình có tiền xây biệt thự, trang trại là nhờ buôn chổi đót và chạy xe ôm năm nào, như một ông quan sở từng giải trình do bị báo chí phanh phui.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem