Dân Việt

Mở lại dịch vụ karaoke, vũ trường: Tháng 10, 11 nhu cầu khách hàng mới quay lại

PV 11/06/2020 08:04 GMT+7
Mặc dù đã được mở cửa hoạt động trở lại, tuy nhiên nhiều chủ Karaoke đánh giá phải đến tháng 10, 11 năm nay nhu cầu của khách hàng mới quay trở lại như trước, còn hiện nay tình hình kinh tế người dân đang bị hạn chế nên ít nhiều cũng siết lại chi tiêu.

Mới đây, kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường hoạt động trở lại. Theo ghi nhận của PV Dân Việt, đến chiều tối 10/6, hầu hết các quán karaoke đều mở cửa hoạt động trở lại sau một ngày chuẩn bị. 

Trao đổi với Dân Việt, anh Lê Hoàng Việt, đại diện Hệ thống karaoke Nnice cho biết, là một trong những  đơn vị kinh doanh đầu tiên gửi kiến nghị được mở cửa hoạt động lên chính quyền, Nnice rất vui mừng khi hiện tại đã được kinh doanh trở lại sau 3 tháng. Việc hoạt động giúp giải tỏa được gánh nặng về lực lượng lao động, giải quyết được công ăn việc làm cho rất nhiều người nên ai cũng phấn khởi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, những người kinh doanh ngành nghề này cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. 

"Dù quán đã mở cửa nhưng lượng khách đến hiện tại rất ít vì chưa nắm được thông tin. Số lượng đặt phòng cùng như mức chi tiêu sẽ bị hạn chế lại vì ảnh hưởng của dịch covid-19. Đặc biệt, dịch vụ được tiếp tục hoạt động đúng thời điểm học sinh, sinh viên đang tập trung cho việc thi cử cuối năm... đó là những khó khăn tạm thời doanh nghiệp phải đón nhận", anh Việt cho hay.

Trước tình hình hiện tại, đại diện Hệ thống karaoke Nnice dự đoán phải đến tháng 10, 11 năm nay nhu cầu của khách hàng mới quay trở lại như trước, còn hiện nay tình hình kinh tế người dân đang bị hạn chế nên ít nhiều cũng siết lại chi tiêu, cộng với một bộ phận khách hàng vẫn còn tâm lý e ngại về dịch bệnh.

Mở lại dịch vụ karaoke, vũ trường: Chủ quán và khách hàng đều hoan nghênh - Ảnh 1.

Hệ thống karaoke Nnice mở cửa đón khách trở lại sau 3 tháng ngừng hoạt động.

Tương tự, chủ một quán karakaoke lớn ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, mở cửa hoạt động tiếp chủ doanh nghiệp sẽ đối diện với hai bài toàn lớn.

Thứ nhất, lượng khách hàng giảm đồng nghĩa với doanh thu từ việc kinh doanh cũng giảm. Tuy nhiên, mở cửa trở lại ngoài chi phí cứng như mặt bằng, thuế, phí.. chủ doanh nghiệp còn phải cân đối tài chính đủ để chi trả thêm lương cho nhân viên, tiền điện, nguyên liệu và các dịch vụ đi kèm khác.

Thứ hai, thời điểm dịch vụ karaoke tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ thị của Chính phủ, nhiều quán đã tiến hành cắt giảm nhân sự, nhiều bạn khác cũng chuyển đổi ngành nghề để có thể duy trì cuộc sống. Hiện tại, việc tuyển dụng nhân viên phục vụ cần thêm thời gian. Chưa kể, đối với tầng lớp quản lý, đầu bếp có quan hệ, ảnh hưởng có thể bị chèo kéo bởi đối thủ trước thực trạng tái khởi động trở lại.

Trong khi đó, trước thông tin dịch vụ karraoke và bar được hoạt động trở lại, nhiều người dân cũng tỏ ra rất phấn khởi và hoan nghênh vì được thỏa mãn ca hát lớn tiếng mà không làm phiền tới ai.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, việc mở cửa lại hoạt động karaoke, vũ trường là cần thiết đối với chủ kinh doanh, nếu tiếp tục đóng của thì doanh nghiệp sẽ bị phá sản. 

Ông Phong cũng cho rằng khi Thủ tướng đồng ý mở dịch vụ karaoke, vũ trường chắc chắn đã cân nhắc các yếu tố đi kèm, cũng như nhìn nhận khả năng kiểm soát dịch Covd-19 của Việt Nam rất tốt.

"Đồng ý mở dịch vụ kể trên chính là thông điệp của Việt Nam gửi tới khách du lịch về một điểm đến an toàn. Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ, các Bộ, ngành và nhiều địa phương đang làm tất cả để hỗ trợ ngành du lịch hồi phục, cũng như chuẩn bị các điều kiện để đón lại khách du lịch quốc tế", ông Phong nói.

Song, ông Phong cũng đánh giá, khả năng kích cầu nhu cầu chi tiêu trong người dân là không đáng kể, bởi vì hiện nay nhu cầu không nhiều. Người dân vẫn đang tập trung cho việc hồi phục lại các nguồn thu sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trước đó, theo chủ trương của Chính phủ, nhiều địa phương trên cả nước đã có văn bản yêu cầu tạm dừng hàng loạt dịch vụ từ 18h ngày 15/3, trong đó có karaoke. Đến ngày 7/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép nhiều dịch vụ được hoạt động trở lại, tuy nhiên vũ trường và karaoke phải tiếp tục đóng cửa.

Tiếp đó, đến ngày 9/6, phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Ccovid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường hoạt động trở lại.

Sau khi các thành viên dự họp phát biểu ý kiến, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam thời gian qua là rất đáng trân trọng, gần 2 tháng qua đã không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, giúp toàn dân yên tâm, vui mừng.

Về quan điểm phát triển trong giai đoạn này, Thủ tướng nêu rõ an toàn để phát triển, phát triển bền vững trong tình hình bình thường mới.

Đồng ý với các đề xuất tại phiên họp cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ vũ trường và karaoke, nhưng Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan chức năng kiểm soát những hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở này, đặc biệt là buôn bán, sử dụng ma túy.