Dân Việt

Nuôi cá chép lai VietGAP, nông dân Bắc Giang vươn lên khá, giàu

Mai Trang 16/06/2020 05:02 GMT+7
Anh Vũ Văn Trọng là 1 trong 6 hộ nông dân ở xã Đại Lâm, huyện Lang Giang (Bắc Giang) được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đầu tư nuôi cá VietGAP, trong đó có cá chép lai. Nhờ nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình anh và các hộ chăn nuôi thủy sản vươn lên khá, giàu.

Nhờ khai thác hiệu quả nguồn vốn vay qua Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội ND tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều hoạt động giúp hội viên đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tiếp vốn kịp thời

Được Hội ND huyện Yên Thế tín chấp cho vay 35 triệu đồng từ Quỹ HTND, ông Hoàng Văn Tùng - hội viên, nông dân xã Xuân Lương đầu tư phát triển mô hình chuyên canh trồng chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Với diện tích hơn 2ha trừ mọi chi phí, bình quân gia đình ông thu lãi 130 triệu đồng/năm.

Hiện nay, ngoài việc phát triển kinh tế hộ gia đình, ông còn tích cực chia sẻ với các hộ trong thôn về kinh nghiệm sản xuất, đồng thời động viên bà con tham gia đóng góp, phát triển nguồn vốn Quỹ HTND.

(Gộp 21/6) Vươn lên khá, giàu từ nguồn quỹ Hội - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn Quỹ HTND nhiều hội viên nông dân xã Đại Lâm đã đầu tư nuôi cá VietGAP. Ảnh: Tuệ An

Anh Vũ Văn Trọng là 1 trong 6 hộ nông dân ở xã Đại Lâm, huyện Lang Giang được vay vốn Quỹ HTND đầu tư nuôi cá VietGAP. Anh Trọng cho biết: Với 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay Quỹ HTND và tiền tích lũy, anh mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để cải tạo nâng cấp hệ thống ao nuôi, lắp đặt hệ thống thiết bị chăn nuôi thủy sản hiện đại. 

Ngay vụ đầu tiên áp dụng công nghệ cao vào nuôi cá thâm canh, gia đình anh Trọng thu về 13 tấn cá các loại như rô phi đơn tính, trắm, chép lai. Hiện trung bình mỗi vụ từ bán cá thương phẩm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch Hội ND huyện Lạng Giang cho biết, những năm gần đây, đơn vị đã chỉ đạo các chi hội cơ sở tập trung mọi nguồn lực xây dựng Quỹ HTND. Nhờ vậy hàng năm, Quỹ HTND các cấp trên địa bàn huyện đều tăng từ 200 - 300 triệu đồng. 

Thời điểm này, tổng nguồn quỹ của huyện hơn 5,7 tỷ đồng. Nhiều xã xây dựng được quỹ với số kinh phí lớn, điển hình như: Hương Lạc, Tân Hưng, Quang Thịnh, An Hà...

Theo Chủ tịch Hội ND huyện Lạng Giang: Nhằm tạo thuận lợi cho hội viên tiếp cận nguồn vốn, Hội ND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lựa chọn cho vay theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh liên kết theo hình thức tổ hợp, câu lạc bộ sản xuất, trang trại, chi hội nghề nghiệp.

Chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ vay

Theo báo cáo Hội ND tỉnh Bắc Giang, đến hết năm 2019, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt gần 49 tỷ đồng, cho gần 1.500 hộ vay, thực hiện tại 310 dự án. Cụ thể, nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác trên 15 tỷ đồng cho 335 hộ vay thực hiện 30 dự án, bình quân mỗi dự án đạt 500 triệu đồng, mỗi hộ vay đạt 45 triệu đồng. Tỷ lệ đầu tư dự án trồng trọt đạt 60%, chăn nuôi trên 23%, thủy sản chiếm 16,7%.

Nguồn vốn cấp tỉnh đạt trên 9,3 tỷ đồng cho 179 hộ vay thực hiện tại 21 dự án, bình quân một dự án đạt 440 triệu đồng, mỗi hộ vay đạt 52 triệu đồng. Tỷ lệ đầu tư dự án chăn nuôi đạt 38%, thủy sản 38%, trồng trọt 33%, làng nghề 9%.

Nguồn cấp huyện đạt trên 24 tỷ đồng cho trên 959 hộ vay thực hiện 259 dự án, bình quân một dự án đạt 90 triệu đồng, một hộ vay đạt 25 triệu đồng. Dự án chăn nuôi chiếm 38%, trồng trọt 45%, thủy sản 17%.

Trong năm 2019, các cấp Hội ND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức trên 20 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý quỹ và sử dụng Quỹ HTND cho trên 1.500 lượt người; trên 500 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho trên 55.000 lượt người.

Cùng với hoạt động cho vay vốn, các cấp Hội còn luôn chú trọng tới công tác tập huấn, chuyển giao KHKT nhằm giúp hội viên, nông dân nắm được những kỹ thuật mới, áp dụng vào sản xuất nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay. 

Chỉ tính riêng năm 2019, các cấp Hội đã tổ chức trên 20 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý quỹ và sử dụng Quỹ HTND cho trên 1.500 lượt người; trên 500 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho trên 55.000 lượt người. Đồng thời, các cấp Hội ND Bắc Giang cũng tổ chức kiểm tra 435 cuộc tại 516 đơn vị.

Từ nguồn vốn vay kết hợp với kiến thức KHKT được trang bị, nhiều hộ vay đã triển khai thành công các dự án. Một số dự án mang lại hiệu quả như: Dự án trồng dưa áp dụng công nghệ cao tại xã Thường Thắng; dự án chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn)..

Hay như các dự án trồng cam tại các xã Phượng Sơn, Quý Sơn, Trù Hựu, Thanh Hải (huyện Lục Ngạn); dự án nuôi trồng thủy sản tại các xã Đại Lâm (huyện Lạng Giang), xã Ngọc Thiện (huyện Tân Yên); dự án trồng và chăm sóc cây ba kích tím tại xã Thanh Luận huyện Sơn Động…

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND, ông Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang khẳng định: "Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, hiệu quả kinh tế đạt được rất rõ nét vì đã góp phần làm tăng thu nhập cho các hộ vay vốn. Song song với đó, cơ cấu lao động cũng được chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn hơn. 

Các hộ cũng đã biết tự liên kết với nhau để trở thành nhóm hộ, tổ liên kết nhằm mục đích xây dựng mô hình theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, có nhiều hộ đã trở thành khá giàu, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương"

ông Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang