Dân Việt

Đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát chặt tình trạng "quan đi lạc vào hộ cận nghèo"

Thành An 13/06/2020 11:00 GMT+7
Tại hội trường Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đề nghị cần thanh tra, giám sát chặt chẽ các gói tín dụng, các gói hỗ trợ an sinh để đảm bảo bảo đúng đối tượng thụ hưởng; không để tình trạng "bò đi lạc vào nhà quan" và "quan đi lạc vào hộ cận nghèo".

Sáng 13/6, đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Phát biểu thảo luận, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) nêu lên 5 vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2020, trong đó đề cập đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19.

Đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát chặt chẽ tình trạng "quan đi lạc vào hộ cận nghèo" - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải - đoàn Tiền Giang.

Nhìn nhận chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nước ta là 6,8%, nhưng do các tác động của dịch, dự báo từ các tổ chức quốc tế cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ còn 4,8%, 4,9%. Thậm chí Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo chỉ 2,7%... ĐB Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ xem xét có cần điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng hay không. Đồng thời, Chính phủ nghiên cứu, phân bổ ngân sách, nguồn lực cho hợp lý, dự báo chi tiết khả năng tăng trưởng trong thời gian tới.

Đặc biệt, đề cập tới chính sách tài khóa, các gói tín dụng, các gói hỗ trợ an sinh do thiệt hại vì Covid-19, ĐB đoàn Tiền Giang đề nghị cần được thanh tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo bảo đúng đối tượng thụ hưởng; không để tình trạng "bò đi lạc vào nhà quan" và "quan đi lạc vào hộ cận nghèo" như một vài trường hợp được phản ánh trong thời gian gần đây.

ĐB Nguyễn Thanh Hải cũng nhìn nhận ảnh hưởng của dịch khiến các ngành bị đình trệ, nhưng nông nghiệp lại trở thành ngành "cứu cánh". Theo ĐB, cả nước có 12.000 doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nhưng mức độ quan tâm đầu tư vẫn còn thấp. Do đó, ĐB đề xuất cần tích cực thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư lĩnh vực này, bớt, bỏ các rào cản, thủ tục, các chính sách ưu đãi về tín dụng.

Bên cạnh đó, đại biểu Tiền Giang đề nghị Chính phủ, địa phương xem xét sớm có giải pháp điều chuyển vốn đầu tư công từ các dự án chậm giải ngân sang dự án khác. "Nhưng cần tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tránh cơ chế xin - cho, tiêu cực có thể xảy ra", ông Hải nói.

Phát biểu ý kiến, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng làm tốt nhưng phòng chống lãng phí thì không làm tốt. Đặc biệt, ông lưu ý phải làm rõ tại sao doanh nghiệp phá sản để xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

ĐBQH đoàn Quảng Bình đề nghị cần xác định các ngành, lĩnh vực được ưu tiên, nhằm mục tiêu định hướng thu hút đầu tư một cách chủ động đến các khu vực và tỉnh khó khăn. Cần tăng cường nguồn vốn đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.