Nữ Thiếu tướng-ĐBQH: Đa số công chức hưởng lương từ ngân sách không hào hứng
Nữ Thiếu tướng - ĐBQH: Đa số công chức hưởng lương từ ngân sách không hào hứng, yên tâm khi tạm dừng tăng lương
PVCT
Thứ bảy, ngày 13/06/2020 09:50 AM (GMT+7)
Theo Thiếu tướng – Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, việc giữ nguyên lương của cán bộ công chức thực chất đã làm giảm giá trị của đồng lương. Đa số công chức, viên chức làm công ăn lương sẽ khó khăn hơn, tính dưỡng liêm bị giảm sút.
Sáng nay (13/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.
Thiếu tướng, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đã nhắc tới công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo bà, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh đầy đủ, toàn diện.
"Với những kết quả, thành tích, kỳ tích của Việt Nam, tôi xin đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần tuyên dương khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trên mặt trận chống dịch như chống giặc", ĐB Xuân nói.
Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ĐB Nguyễn Thị Xuân đã bày tỏ chia sẻ và nhất trí với đề xuất của Chính phủ, đó là tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ, công chức. Tuy nhiên, theo bà đây chỉ nên chỉ là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ. Về tâm lý đa số công chức hưởng lương từ ngân sách không hào hứng vào yên tâm về việc này, trong khi lạm phát tăng, chỉ số tiêu dùng tăng, làm giảm sức mua của tiền lương, việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giảm giá trị của đồng lương.
"Giá trị đồng lương sẽ bị thấp xuống, đồng thời đa số công chức, viên chức làm công ăn lương sẽ khó khăn hơn, tính dưỡng liêm bị giảm sút. Giải pháp căn cơ "thắt lưng buộc bụng" trong tình hình hiện nay là thực sự tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, đầu tư công phải thực sự thiết thực, có trọng điểm, có hiệu quả, đặc biệt chống thất thu, chống thất thoát", Thiếu tướng, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân nói.
ĐBQH Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) trong phát biểu cũng đồng tình với giải pháp của Chính phủ là tạm dừng tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức. Tuy nhiên bà đề nghị Chính phủ cân nhắc việc tăng lương theo lộ trình đối với người có công, các đối tượng chính sách, cán bộ hưu trí để đảm bảo an sinh xã hội.
Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đánh giá cao công tác phòng, chống Covid-19 dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, từ đó đưa cuộc sống của người dân gần trở lại bình thường.
Bên cạnh đó, ĐB Yến đã phản ánh hiện giá thịt lợn vẫn còn cao, do vậy Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát, đưa ra gói hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ trang trại tái đàn lợn, tránh việc phải nhập khẩu khối lượng lớn thịt từ nước ngoài.
ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) trong phát biểu đã đề xuất, thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh vốn đầu tư công để nhanh chóng phát huy hiệu quả đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước như: Cao tốc Bắc-Nam; sân bay Long Thành; cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.
Bên cạnh đó cần có những chính sách để hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong xuất khẩu, hàng không, du lịch. Cần thực hiện nhanh chóng các gói hỗ trợ, nhất là gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Tận dụng các cơ hội trước sự thay đổi chính của các nước lớn, phát huy lợi thế các hiệp định tự do thương mại. Có nghiên cứu làm tốt công tác dự báo kinh tế chính trị quốc tế hiện nay để đưa ra chính sách có hiệu quả.
Trước đó trình bày báo cáo về kinh tế -xã hội và ngân sách, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.