Đại biểu Quốc hội: Tại sao chưa có gói hỗ trợ nông dân tái đàn lợn?

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 13/06/2020 09:54 AM (GMT+7)
Sáng nay, 13/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Trong phiên thảo luận, vấn đề giá lợn hơi tăng cao, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng đã được đề cập đến. Nhiều đại biểu cho rằng, cần kích cung thịt lợn bằng các giải pháp hỗ trợ nông dân tái đàn lợn thay vì nhập khẩu.
Bình luận 0

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu)  nêu một thực tế, từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao với mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 – 2020 khiến lạm phát tăng.

Nhóm hàng hóa tăng chỉ số giá cao nhất là lương thực thực phẩm, trong đó có thịt lợn.

Đại biểu Quốc hội: Tại sao chưa có gói hỗ trợ nông dân tái đàn lợn? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến đặt câu hỏi: Tại sao không có gói hỗ trợ giúp nông dân tái đàn lợn.

"Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn giảm mạnh, đẩy giá thịt lợn lên mức cao, có thời điểm gần 100.000 đồng/kg lợn hơi, hiện đang ở mức 90.000 đồng/kg, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp" - bà Yến nêu một thực tế.

Từ thực tế đó, bà Yến đề nghị Chính phủ có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ gia đình tái đàn, đảm bảo nguồn cung trong cả nước mà không cần phải nhập khẩu của các nước.

"Trên thực tế, chăn nuôi heo ở các doanh nghiệp, trang trại tuy phát triển rất mạnh trong thời gian qua nhưng tỷ trọng chưa cao, chăn nuôi nông hộ vẫn là chủ yếu, tuy nhiên, các hộ dân đang gặp nhiều khó khăn trong việc tái đàn lợn. Vì vậy, tôi đế nghị cần quan tâm hỗ trợ vốn giúp người dân tái đàn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, có như thế mới tự chủ được nền kinh tế, kiểm soát được giá thịt lợn một cách bền vững" - bà Yến nói.

Bà Yến cũng đặt câu hỏi, chúng ta đã có gói kích cầu, hỗ trợ xã hội, tại sao chưa có gói nào hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tập trung tái đàn lợn, từ đó kích cung?

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đăk Lăk) cũng cho rằng thời gian qua Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách tốt, kịp thời để giữ ổn định kinh tễ vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, cũng có vấn đề cần khắc phục, rút kinh nghiệm. 

Đó là trong một năm qua, thịt lợn mất cân đối cung cầu nên giá cả tăng cao; việc tạm ngừng xuất khẩu gạo gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực này cần chịu trách nhiệm.

Đây cũng là ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), theo ông Hòa, Chính phủ, ngành chức năng, các địa phương cần sớm có chính sách hỗ trợ nông dân tái đàn.

"Hiện nay, nhiều nông dân rất muốn tái đàn lợn nhưng thiếu vốn trầm trọng, doanh nghiệp thì không muốn cung cấp giống ra thị trường nên giá lợn giống cao ngất ngưởng. Nếu có hỗ trợ của Nhà nước thì đến cuối năm 2020, đầu năm 2021, đàn lợn sẽ phục hồi, không bị áp lực bởi giá tăng cao dù Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp để kiềm chế" - ông Hòa nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem