Dân Việt

Vụ ông Lương Hữu Phước: 2 bản án bị hủy để điều tra lại, ai chịu trách nhiệm?

Đình Việt 14/06/2020 14:15 GMT+7
Sau khi Hội đồng giám đốc thẩm TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND hai cấp tỉnh Bình Phước, gia đình và luật sư của ông Lương Hữu Phước tiếp tục kêu oan. Trong khi đó, luật sư Trần Tuấn Anh cũng đưa ra một số phân tích pháp lý xung quanh vụ việc này.

Clip: Vợ ông Lương Hữu Phước trong lần trò chuyện với PV Dân Việt trước khi phiên giám đốc thẩm diễn ra.

Như đã thông tin, chiều 12/6, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị, hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND hai cấp tỉnh Bình Phước.

Theo đó, kháng nghị cho rằng bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước và bản án sơ thẩm của TAND TP.Đồng Xoài chưa làm rõ nhiều vấn đề như: Lời khai của người liên quan là ông Lâm Tươi, chưa giám định tốc độ xe của ông Lâm Tươi.

Vụ ông Lương Hữu Phước: Hai bản án hủy để điều tra lại, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 2.

Hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm liên quan đến ông Lương Hữu Phước đã được hủy để điều tra lại.

Hội đồng giám đốc thẩm cho rằng, cấp phúc thẩm và cấp sơ thẩm nhận định ông Lương Hữu Phước không tuân thủ quy tắc giao thông, chuyển hướng xe không quan sát, không nhường đường cho xe đi ngược chiều, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, là chưa đủ căn cứ.

Bản án phúc thẩm lần 1, TAND tỉnh Bình Phước đã đặt ra rất nhiều nội dung cần điều tra lại nhưng cơ quan điều tra đã không làm rõ những vấn đề được nêu trong bản án.

Tại phiên giám đốc thẩm, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM còn cho rằng, quá trình điều tra còn có một số vi phạm tố tụng nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc đánh giá chứng cứ và không đảm bảo khách quan trong thu thập chứng cứ.

Trên cơ sở kết luận điều tra vụ án chưa đầy đủ, tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm xét xử và quyết định về toàn bộ nội dung vụ án là chưa đủ căn cứ. Từ đó Hội đồng giám đốc thẩm quyết định hủy cả hai bản án trên, giao cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra lại vụ án.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, căn cứ Điều 319 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: "Hội đồng giám đốc thẩm hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại nếu có một trong các căn cứ quy định tại Điều 371 của Bộ luật này. Nếu hủy để xét xử lại, tùy trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm có thể quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm".

Vụ ông Lương Hữu Phước: Hai bản án hủy để điều tra lại, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 5.

Bà Lê Thị Tư - vợ ông Phước cho biết, cảm thấy được an ủi phần nào khi hai bản án được hủy.

Hội đồng thẩm phán cho rằng cấp phúc thẩm và sơ thẩm nhận định ông Lương Hữu Phước không tuân thủ quy tắc giao thông, chuyển hướng xe không quan sát, không nhường đường cho xe đi ngược chiều, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, là chưa đủ căn cứ. Nên Hội đồng thẩm phán đã hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại cho Cơ quan điều tra tỉnh Bình Phước.

Do vậy, quy trình điều tra, truy tố, xét xử sẽ được thực hiện lại theo trình tự, thủ tục thuộc cấp phúc thẩm.

Ngoài ra, trả lời câu hỏi vụ án phải điều tra lại vì có nhiều sai sót, vậy cơ quan điều tra, xét xử chưa công tâm dẫn đến hậu quả là việc tự sát của ông Phước. Vậy ai phải chịu trách nhiệm?

Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết, việc này phải chờ kết luận của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu có căn cứ chứng minh trong có quá trình điều tra, xét xử có thiếu sót nghiêm trọng, những người thực hiện nhiệm vụ có thể sẽ bị truy tố hình sự về "Tội ra bản án trái pháp luật" được quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 370 Bộ luật Hình sự 2015 và "Tội ra quyết định trái pháp luật" được quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 371 Bộ luật Hình sự 2015.

Điểm d, khoản 3, Điều 370 quy định nếu ra bản án trái pháp luật quy định dẫn đến bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Vụ ông Lương Hữu Phước: Hai bản án bị hủy để điều tra lại, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 6.

Hiện trường vụ tai nạn.

Còn điểm b, khoản 3, Điều 371 quy định như sau, nếu ra quyết định trái pháp luật làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm cho cả hai tội danh.

Ở một diễn biến khác, trao đổi với Dân Việt, bà Lê Thị Tư (vợ ông Lương Hữu Phước) cho biết, gia đình cảm thấy được an ủi phần nào sau khi nghe Hội đồng giám đốc thẩm TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại. Bà Tư hy vọng rằng, lần này vụ án sẽ được xét xử công tâm, đúng người, đúng tội để trả lại công bằng cho chồng mình.

Trong khi đó, luật sư Dương Vĩnh Tuyến - người bào chữa cho ông Lương Hữu Phước thông tin, sau khi tòa án cấp cao hủy bản án để điều tra, luật sư và gia đình ông Phước vẫn tiếp tục kêu oan. Quan điểm của ông Tuyến là ông Phước không có tội, nên xem xét đình chỉ vụ án đối với ông Phước.

Ông Lương Hữu Phước là bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ xảy ra năm 2017. Bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù giam, ông Phước đã kháng cáo kêu oan.

Trong phiên tòa phúc thẩm sáng 29/5, TAND tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm.

Kết thúc phiên xử, ông Phước về nhà. Tuy nhiên, chiều cùng ngày, người đàn ông này đi lên lầu 2 trụ sở TAND tỉnh Bình Phước, tay cầm chai thuốc trừ sâu. Một lúc sau, những người ở tòa án nghe tiếng động lớn chạy ra, đã thấy ông Phước nằm bất động ở dưới sân. Ông Phước được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng tử vong sau đó.

Tối 5/6, lãnh đạo TAND Cấp cao tại TP.HCM ký quyết định kháng nghị vụ án tai nạn giao thông xảy ra tại Bình Phước.

Theo đó, kháng nghị cho rằng bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước và bản án sơ thẩm của TAND TP.Đồng Xoài chưa làm rõ nhiều vấn đề như: Lời khai của người liên quan là ông Lâm Tươi, chưa giám định tốc độ xe của ông Lâm Tươi.