Nhập khẩu hạt giống: Doanh nghiệp bảo 0%, Hải quan áp thuế 10%!

Đình Việt Thứ sáu, ngày 12/06/2020 14:46 PM (GMT+7)
Theo các doanh nghiệp, luật quy định các loại hạt giống rau, cây trồng nông nghiệp mà trong nước chưa sản xuất được, thì được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi nhập khẩu. Nhưng trên thực tế, khi nhập về, doanh nghiệp bị Hải quan thu thuế nhập khẩu từ 10 – 15%.
Bình luận 0

Vì thế, Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam đã phải gửi đơn kêu cứu các bộ, ngành trung ương, bởi luật quy định một đằng, cơ quan chức năng thực một nẻo. 

20 doanh nghiệp kêu cứu

Đơn cử Công ty TNHH thương mại, sản xuất hạt giống Hưng Nông (TP.HCM), nhập về hạt giống dưa hấu. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu số 431/BVTV-KD.

Nhập khẩu hạt giống, doanh nghiệp và hải quan... “lệch pha” nhau - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp hạt giống đang kêu khó. Ảnh minh họa của Dân Việt

Công ty Hưng Nông khai báo đúng mã số hàng hóa, thuế suất đối với lô hàng hạt dưa hấu để làm giống, căn cứ theo Quyết định 2432/QĐ-BNN-TT ngày 13/6/2017 của Bộ NN-PTNT, về việc ban hành bảng mã HS (mã số dùng để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu) với “Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam”. 

Khi làm thủ tục thông quan, việc áp mã HS cho mặt hàng này cũng được Hải quan Cát Lái chấp nhận. 

Thế nhưng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 lại áp dụng mã HS, ấn định thuế, thuế suất nhập khẩu hạt dưa hấu là “thực phẩm”, thay vì là “hạt giống”.

Công ty Hưng Nông bị Hải quan xử phạt, vì cho rằng có hành vi khai sai mã số hàng hóa, thuế suất dẫn tới thiếu số thuế phải nộp…

Tương tự, rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hạt giống khác cũng... khóc ròng vì bị quy cho “hành vi khai sai mã số hàng hóa”, đồng thời phải chịu phạt, chịu áp thuế. Trong đó, có các công ty như: Tân Nông Phát, Nam Việt, Cánh Đồng Xanh,Mùa Vàng…

Hải quan TP.HCM đã áp thuế đối với các công ty này là 10% thuế nhập khẩu (hạt giống rau, dưa hấu). Ngoài ra, còn truy thu thuế riêng giống dưa hấu từ năm 2015 – 2018. Áp dụng thuế nhập khẩu 10% đối với hạt giống bí đỏ, dưa lê, dưa lưới, hạt hoa hướng dương từ năm 2019 và thuế nhập khẩu 15% đối với mặt hàng hạt giống ngô, rau mùi từ năm 2020.

Trong khi đó, theo phản ánh của các công ty trên: Luật thuế Xuất nhập khẩu 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016 và các Nghị định liên quan, Quyết định số 2432/QĐ-BNN-TT của Bộ NN-PTNT, thì quy định rất rõ “các mặt hàng hạt giống rau (bao gồm cả hạt giống cây trồng khác Việt Nam chưa sản xuất được) được hưởng thuế suất ưu đãi 0%”. 

Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam cho rằng, việc làm tréo ngoe này làm “gây bất ổn giá cả hạt giống rau, dưa, bí các loại trên thị trường”. Theo Hiệp hội, ước chừng 20 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hạt giống đang kêu cứu, vì bị áp thuế trên.

Hải quan nói gì?

Trả lời phát sinh trên, Cục Hải quan TP.HCM lấy Thông tư 14, ngày 30/1/2015 của Bộ Tài chính: “Phân loại hàng hóa để xác định tên gọi, mã hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam” và cho rằng hạt giống dưa hấu dùng gieo trồng sản xuất nông nghiệp thuộc Nhóm 12.09, mã số phải chịu thuế suất 10%.

Nhập khẩu hạt giống, doanh nghiệp và hải quan... “lệch pha” nhau - Ảnh 2.

Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam phải gửi đơn kêu cứu các bộ, ngành trung ương.

Tương tự, trả lời khiếu nại của Công ty TNHH East – West Seed (Hai Mũi Tên Đỏ), Cục Hải quan TP.HCM cho rằng “Bảng mã HS đối với Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam ban hành theo Thông tư 24 ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT không phải một căn cứ pháp lý, để xác định mã số hàng hóa làm cơ sở tính thuế nhập khẩu”. 

Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan: Căn cứ Thông tư 65 ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính, về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, chú giải pháp lý 3 - Chương 12: “Theo mục đích của nhóm 12.09, hạt củ cải đường, hạt cây cỏ và hạt cây dạng cỏ khác, hạt cây trang trí, hạt rau, hạt cây rừng, hạt cây ăn quả, hạt đậu tằm (trừ hạt cây thuộc loài Vicia faba) hoặc hạt đậu lupin được coi là “hạt để gieo trồng” (thuế suất nhập khẩu 0% - PV).

Tuy nhiên, Nhóm 12.09 không áp dụng đối với những loại sau, cho dù dùng để gieo trồng: “… Nhóm 12.01 đến 12.07 gồm các loại hạt và quả dùng cho quá trình chiết xuất (bằng áp lực và dung môi) dầu và mỡ dùng cho công nghiệp hoặc thực phẩm, dù chúng dùng cho việc làm giống hoặc cho mục đích khác”. Nội dung Nhóm 12.07 quy định: “Quả và hạt có dầu khác, đã hoặc chưa vỡ mảnh”.

Theo Tổng cục Hải quan, các loại hạt dưa và hạt bí là hạt có dầu. Đối chiếu với nội dung chú giải trên, thì các mặt hàng hạt giống dưa, hạt giống bí, dù dùng để gieo trồng cũng phải được phân loại thuộc Nhóm 12.07 (chịu thuế suất - PV).

Từ đó Tổng cục Hải quan chỉ “xin ghi nhận” một số nội dung còn vướng mắc và “sẽ báo cáo Bộ Tài chính có văn bản trao đổi với Bộ NN-PTNT, để rà soát, thống nhất lại danh mục Bảng mã HS nêu trên và đề xuất Chính phủ sửa đổi mức thuế suất ưu đãi tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, cho phù hợp đối với mặt hàng giống cây trồng (hạt giống dưa, hạt giống bí đỏ…), đảm bảo thống nhất trong thực hiện chính sách”.

Nhập khẩu hạt giống, doanh nghiệp và hải quan... “lệch pha” nhau - Ảnh 3.

Trụ sở Cục Hải quan TP.HCM.

Song, trớ trêu ở đây là: Trong khi Hải quan TP.HCM thu thuế đối với các loại hạt giống trên, thì ngược lại, Hải quan Đồng Nai lại... không thu thuế!

Đơn cử, với hạt giống dưa hấu nhập khẩu dùng trong trồng trọt, Cục Hải quan Đồng Nai khẳng định: “Nhóm 12.09 gồm tất cả các loại hạt, quả mầm dùng để gieo trồng. Nhóm này bao gồm các hạt thậm chí không còn khả năng gieo trồng nữa. Căn cứ Nghị định số 125 ngày 16/11/2017 của Chính phủ, mặt hàng của công ty theo phân nhóm 12.09 – hạt, quả và mầm, dùng để gieo trồng” (thuế suất ưu đãi 0% - PV).

Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam cho rằng: Để thống nhất quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyên ngành theo quy định tại Khoản 12, điều 16 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định 122/2016 NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 24 ngày 15/11/2017 và Thông tư 15 ngày 29/10/2018 Ban hành bảng mã HS đối với hàng hóa chuyên ngành xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT. 

Trong đó Bảng mã HS đối với Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam được quy định chi tiết tại Mục 13, phụ lục I đính kèm Thông tư; nhóm hạt giống rau, dưa… thuộc mã HS 12.09 và được áp thuế suất nhập khẩu là 0%.

Theo Hiệp hội, thông tư này có giá trị pháp lý và là căn cứ để tính thuế, vì là thông tư của bộ chuyên ngành, cụ thể hóa Khoản 12, Điều 16 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định 122/2016/NĐ-CP rằng những giống cây trồng nằm trong mã HS của Thông tư này, là những giống cây trồng Việt Nam chưa sản xuất được, khi nhập khẩu được miễn thuế theo quy định.

Hiệp hội cho rằng Hải quan hiểu chưa đúng về hạt giống với các loại hạt dùng trong thương mại khi cho rằng “các mặt hàng hạt giống dưa, hạt giống bí, là những loại hạt có dầu nên dù dùng để gieo trồng thì vẫn phải được phân loại thuộc nhóm 12.07 (phải chịu thuế)”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem