Dân Việt

Bắc Kinh tái bùng dịch Covid-19 "ngáng đường" phục hồi kinh tế Trung Quốc

Thùy Dung 17/06/2020 09:44 GMT+7
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp tại Bắc Kinh (Trung Quốc) gần như đã bỏ qua mối lo ngại về dịch Covid-19 để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thì ổ dịch bùng phát hồi cuối tuần giữa thủ đô đang làm tăng lên những rủi ro, bất ổn cho sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ổ dịch mới "ngáng đường" kinh tế Trung Quốc phục hồi

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã công bố hàng loạt dữ liệu tích cực cho thấy các hoạt động kinh tế trong nước trên đà phục hồi. “Nhưng mối quan ngại làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần hai có thể một lần nữa ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý tiêu dùng” - nhận định của ông Bruce Pang, nhà nghiên cứu chiến lược vĩ mô tại China Renaissance.

Sau hơn 50 ngày không chứng kiến ca nhiễm Covid-19 nào trong nước, hôm thứ Năm tuần trước, thủ đô Bắc Kinh bất ngờ báo cáo một ca dương tính. Trong 5 ngày liên tiếp sau đó, tổng cộng 106 ca dương tính liên quan được xác nhận. Phần lớn các trường hợp liên quan đến chợ bán buôn Xinfadi lớn nhất Bắc Kinh, nằm ở ngoại ô thành phố, cách Quảng trường Thiên An Môn khoảng 14 cây số. Các nhà chức trách Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới hiện vẫn chưa công khai thông tin về nguồn gốc cụm dịch mới nhất.

Bắc Kinh tái bùng dịch, nền kinh tế Trung Quốc ngấm đòn đau - Ảnh 1.

Cảnh sát Bắc Kinh phong tỏa chợ Xinfadi sau vụ bùng phát dịch hồi tuần trước

Dan Wang, nhà phân tích của Cơ quan Tình báo Kinh tế EIU nhận định: “Bởi Xinfadi là chợ nông sản lớn nhất miền Bắc Trung Quốc, việc đóng cửa chợ này có khả năng thúc đẩy lạm phát giá thực phẩm và gây sức ép lên hoạt động kinh doanh của các nhà hàng.” Ông Wang cho biết thêm rằng tâm lý hoảng loạn tại Bắc Kinh có thể làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế ở các địa phương khác, đồng thời làm tổn thương tâm lý tiêu dùng và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao hơn nữa.

Hồi tuần trước, Cơ quan tình báo Kinh tế đã ban hành dự báo tỷ lệ thất nghiệp thành thị Trung Quốc lên mức 10% trong năm nay trong khi doanh số bán lẻ giảm 8%.

Kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến tăng trưởng GDP -6,8% trong quý I khi dịch Covid-19 bùng phát làm trì trệ các hoạt động kinh tế. Dịch Covid-19 được cho là đã trong tầm kiểm soát của chính phủ Trung Quốc từ khoảng giữa tháng 3/2020. Hồi cuối tháng 5, chính phủ Trung Quốc đã tổ chức kỳ họp Quốc hội thường niên bị trì hoãn từ tháng 3 như một tín hiệu cho thấy nước này đã đủ an toàn để tổ chức các cuộc hội họp đông người, các hoạt động kinh tế xã hội cũng có thể khôi phục trở lại.

Nhưng ổ dịch Covid-19 mới giữa thủ đô Bắc Kinh đã làm trì trệ mọi tâm lý lạc quan như vậy; cũng giống như nỗi thất vọng khi chính phủ công bố dữ liệu kinh tế tháng 5 cho thấy doanh số bán lẻ giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái còn sản lượng sản xuất cũng không như kỳ vọng.

Cuối tuần trước, các nhà chức trách Bắc Kinh cho hay thành phố đang bắt đầu thực hiện hàng chục ngàn xét nghiệm Covid-19 với những người dân sống gần khu vực chợ Xinfadi và những người đã tiếp xúc với họ. Chính quyền cũng tuyên bố khôi phục một số lệnh phong tỏa, cách ly xã hội đã được dỡ bỏ nhiều tuần trước đó. Rất nhiều phòng gym, địa điểm vui chơi công công một lần nữa bị đóng cửa trở lại.

Các nhà quan sát nhận định những biện pháp như vậy có khả năng một lần nữa đánh vào sự phục hồi kinh tế tại Trung Quốc, vốn được thúc đẩy bằng các chuyến công tác và tụ họp, ăn tối, tiệc tùng xã giao. Ít nhất 29 địa phương trên cả nước đã công bố các biện pháp kiểm dịch với khách du lịch đến từ Bắc Kinh, đặc biệt là các quận có nguy cơ cao, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông quốc gia nước này.

Tiêu dùng đối diện nhiều thách thức

Sự tái bùng phát dịch Covid-19 đang đe dọa sự tăng trưởng của chi tiêu tiêu dùng trong nước, điều mà Trung Quốc cố gắng kích thích như một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Công ty tư vấn Oliver Wyman từng dự báo thị trường may mặc lớn nhất thế giới là Trung Quốc có thể thiệt hại 60 tỷ USD từ quy mô 370 tỷ USD năm 2019 do tác động của dịch Covid-19. Các khảo sát cho thấy người tiêu dùng thu nhập thấp đang lựa chọn tiêu dùng ít hơn hoặc mua hàng có mức giá rẻ hơn khi nguồn tài chính bị đe dọa sau sự bùng phát dịch bệnh.

Trước nguy cơ sụt giảm như vậy, các địa phương, các khu vực kinh tế đã đưa ra nhiều biện pháp để kích thích người dân tăng chi tiêu. Doanh số bán lẻ tại Bắc Kinh đã giảm mạnh 21,5% trong quý I/2020, lớn hơn mức giảm 20,4% của Thượng Hải và mức giảm bình quân 19% của cả nước. Và rõ ràng, ổ dịch Covid-19 mới bùng phát cùng các biện pháp phong tỏa, đóng cửa chợ mới đây chắc chắn sẽ tác động nhiều hơn đến doanh số bán lẻ tại thủ đô Trung Quốc trong các tháng tiếp theo.

Vẫn còn triển vọng sáng

Các hạn chế mới nhất tại Bắc Kinh được cho là ít nghiêm ngặt hơn so với lệnh cấm mà nước này đã áp dụng với hàng loạt tỉnh thành hồi tháng 2 trong nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát dịch Covid-19. Do đó, một số nhà kinh tế cho rằng ổ dịch mới bùng phát không làm trì trệ hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh tại Bắc Kinh.

Những lực cản kinh tế Trung Quốc cũng phân bố không đồng đều ở từng nhóm đối tượng. Ví dụ, nhóm thu nhập cao sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn, theo bà Imke Wouters, chuyên gia ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng tại Oliver Wyman.

Bắc Kinh tái bùng dịch, nền kinh tế Trung Quốc ngấm đòn đau - Ảnh 3.

Sau vụ dịch, người Trung Quốc chuyển sang thói quen mua hàng trực tuyến

Trong khi các dữ liệu mới công bố chỉ ra sự sụt giảm doanh số bán lẻ đáng thất vọng trong tháng 5, một số số liệu trong báo cáo lại ám chỉ doanh số bán hàng trực tuyến của các cửa hàng tiêu dùng đang tăng mạnh 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Tức là dịch Covid-19 khiến doanh số bán lẻ tại Trung Quốc giảm mạnh nhưng đồng thời cũng làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, chuyển hướng họ sang mua bán trực tuyến. Ứng dụng giao hàng tạp hóa trực tuyến Dada hồi tuần trước báo cáo doanh số bán hàng trong hai ngày cuối tuần tăng mạnh 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Qin Gang, nhà sáng lập Viện Nghiên cứu Chiến lược Thành phố YaSong đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước rằng người Trung Quốc ngày càng sẵn sàng chi tiêu hơn nhiều so với các thế hệ trước. Ông kỳ vọng mua hàng trực tuyến trở thành xu hướng tiêu dùng dài hạn của Trung Quốc hậu dịch Covid-19.