Cụ thể, báo chí nêu câu hỏi: Tại buổi họp báo đầu kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao các cơ quan chuyên môn xem xét, giải quyết các kiến nghị trong vụ án Hồ Duy Hải.
Vừa qua Ủy ban Tư pháp đã họp và lấy ý kiến các thành viên về vấn đề vụ án này. Quan điểm và các kiến nghị cụ thể của Uỷ ban Tư pháp là gì? Sau khi có kiến nghị của Uỷ ban Tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có họp xem xét các kiến nghị của ĐBQH, Đoàn ĐBQH và Uỷ ban Tư pháp về vụ án này không?
Trả lời câu hỏi này, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Đầu họp báo tôi có nói đây là vụ án phức tạp, đã trải qua 12 năm. Sau khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, có nhiều ý kiến của dư luận cũng như các ĐBQH về vụ án này.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giao Uỷ ban Tư pháp xem xét, để có báo cáo tham mưu cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đây là thực hiện theo điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự", Tổng Thư ký Quốc hội nói và cho biết thêm:
Ngày 16/6 vừa qua, Uỷ ban Tư pháp đã họp phiên toàn thể xem xét về vụ án này. Ủy ban Tư pháp đến nay chưa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi Ủy ban Tư pháp báo cáo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe, lúc đó sẽ có quyết định. "Khi nào có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ thông tin với báo chí", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Trước đó, vào ngày 16/6, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải, đa số ý kiến phát biểu của các thành viên đã đồng ý xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với vụ Hồ Duy Hải.
Sau khi kết thúc phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã phát phiếu xin ý kiến toàn bộ thành viên Ủy ban để có cơ sở trình tiếp lên cấp trên.
Về lý do mở phiên họp toàn thể, theo tìm hiểu của PV, sau khi có quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải thì mẹ của bị án là bà Nguyễn Thị Loan có đơn kiến nghị, đồng thời, một số ĐBQH như Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Đà Nẵng kiến nghị mở phiên họp.
Đồng thời, có yêu cầu của các cấp và dựa trên nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Tư pháp nên cơ quan này đã tổ chức phiên họp toàn thể.
Trrong 2 ngày 13 và 15/6, trong phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế -xã hội, một số đại biểu Quốc hội trong phát biểu có nhắc tới vụ Hồ Duy Hải. Đó là phát biểu của đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). Đại biểu Nhưỡng còn nói, ông xem từng bản án vụ Hồ Duy Hải.
Vào sáng 15/6, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có phát biểu trước Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã tóm tắt lại vụ án, nêu ra các căn cứ của cơ quan tố tụng dùng để buộc tội Hồ Duy Hải.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội, trong đó lời khai nhận tội đầu tiên là tự viết ra, không phải là bản cung kiểu hỏi và đáp. Trong quá trình giải quyết vụ án, ở những thời điểm quan trọng của vụ án Hải đều nhận tội.
Khi nhận kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, Hồ Duy Hải đã nhận tội đúng như kết luận; khi nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát, Hải cũng khẳng định cáo trạng là đúng; khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm (bị tuyên án tử hình), gửi đơn cho Chủ tịch nước xin ân giảm thì Hải không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Còn người kêu oan nhiều nhất là mẹ của Hồ Duy Hải.
Vào chiều 8/5/2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, sau 3 ngày xét xử.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định, bản án sơ thẩm, phúc thẩm là đúng, Hồ Duy Hải "không oan sai". Do đó Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao kết luận bác kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.