Đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn sẽ hạn chế quyền ứng cử vào Quốc hội của công dân

PVCT Thứ sáu, ngày 19/06/2020 15:17 PM (GMT+7)
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn về trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng làm việc (như am hiểu toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội, có khả năng tranh luận, tư duy phản biện, kỹ năng biểu đạt ý kiến…) thì sẽ làm hạn chế quyền ứng cử vào Quốc hội của công dân.
Bình luận 0

Chiều nay (19/6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, với tỷ lệ 87.37% tán thành.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Đặt các tiêu chuẩn cao hơn về trình độ chuyên môn… sẽ làm hạn chế quyền ứng cử vào Quốc hội của công dân - Ảnh 1.

Các ĐBQH biểu quyết (ảnh có tính minh họa, ảnh quochoi.vn).

Theo Báo cáo, trong quá trình thảo luận, góp ý, có ý kiến đề nghị quy định Quốc hội một năm họp 4 kỳ; bổ sung quy định về hình thức họp trực tuyến và địa điểm họp Quốc hội cho phù hợp với tình hình thực tế vừa qua.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, quy định tại Điều 83 của Hiến pháp thì Quốc hội họp mỗi năm 02 kỳ. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để Quốc hội có những cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong tổ chức kỳ họp.

Việc tổ chức kỳ họp Quốc hội thành 02 đợt, vừa họp trực tuyến, vừa họp tập trung, có khoảng giãn cách ở giữa như tại kỳ họp thứ 9 này cũng là một trong những cải tiến được nhiều ĐBQH hoan nghênh, đã đạt được một số kết quả bước đầu và vẫn phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật. 

Tuy nhiên, hình thức họp trực tuyến của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và nhiều cải tiến khác trong cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội mới được đưa vào áp dụng nên cũng cần thêm thời gian để tiếp tục trải nghiệm, điều chỉnh, rút kinh nghiệm và có thể đưa vào Nội quy kỳ họp Quốc hội hoặc các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Một số ý kiến ĐBQH đề nghị cần quy định tiêu chuẩn cụ thể cao hơn đối với ĐBQH, đồng thời, không quy định tiêu chuẩn về độ tuổi đối với ĐBQH. Ý kiến khác không tán thành và cho rằng, ĐBQH là người đại diện cho các giai tầng khác nhau trong xã hội nên không thể quy vào một tiêu chuẩn chung.  

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng: Theo quy định tại Điều 27 của Hiến pháp thì công dân từ đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội. Điều này có nghĩa là, Hiến pháp chỉ quy định điều kiện về độ tuổi tối thiểu của người ứng cử vào ĐBQH mà không có sự phân biệt đối xử hay hạn chế về thành phần xã hội, giới tính, dân tộc, tôn giáo, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn…

Do vậy, ngoài các tiêu chuẩn chung của ĐBQH đã được Luật Tổ chức Quốc hội quy định, nếu đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn về trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng làm việc (như am hiểu toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội, có khả năng tranh luận, tư duy phản biện, kỹ năng biểu đạt ý kiến…) thì sẽ làm hạn chế quyền ứng cử vào Quốc hội của công dân đã được quy định trong Hiến pháp.

Theo quy trình bầu cử hiện nay, bên cạnh những người tự ứng cử thì phần lớn người tham gia ứng cử là đại diện do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương lựa chọn, giới thiệu ứng cử để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội. Đối với mỗi loại cơ quan, tổ chức, đơn vị thì hiện đã có những quy định riêng của Đảng, quy định của từng cơ quan, tổ chức trong việc xác định tiêu chuẩn, điều kiện khi xem xét, lựa chọn nhân sự.

"Những nội dung, quy định này sẽ tiếp tục được nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện, cụ thể hóa yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người được giới thiệu ứng cử đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, của cử tri, phục vụ trực tiếp cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV sắp tới.

Để nâng cao chất lượng của ĐBQH nói chung thì từng cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc sàng lọc, lựa chọn, giới thiệu đại diện tiêu biểu, ưu tú nhất của mình tham gia ứng cử ĐBQH để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm ĐBQH. Vì vậy, xin Quốc hội cho phép không bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Đa số ý kiến tán thành việc nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên 40% tổng số ĐBQH; ý kiến khác đề nghị nâng tỷ lệ này lên trên 50%. Để bảo đảm đạt được tỷ lệ này trên thực tế, có ý kiến đề nghị cần có giải pháp, quy định chặt chẽ hơn trong Đề án bầu cử và các văn bản hướng dẫn; đề nghịmột số tỉnh, thành phố được bố trí thêm 01 ĐBQH hoạt động chuyên trách phù hợp với yêu cầu, đặc thù về địa giới hành chính, quy mô dân số.

Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, việc tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% đã thể hiện sự cân nhắc, tính toán kỹ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, trong thời gian tới, Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV sẽ cụ thể hóa các nội dung liên quan cũng như xem xét việc bố trí hợp lý số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ở từng địa phương. 

Ngoài ra, Báo cáo giải trình còn làm rõ thêm nhiều nội dung quan trọng khác.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/ 2021, có quy định tại khoản 2, điểm b và điểm c khoản 16 Điều 1 của Luật này được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem