Bà Lê Thị Nga báo cáo Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý “dự thảo NĐ phòng chống xâm hại trẻ
Quốc hội yêu cầu kiềm chế, kéo giảm từ 5-7% tội phạm xâm hại trẻ em
Hoàng Thành
Thứ sáu, ngày 19/06/2020 17:13 PM (GMT+7)
Chiều 19/6, bà Lê Thị Nga - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Bà Lê Thị Nga cho hay, UBTVQH cho rằng, nội dung Chính phủ hằng năm phải báo cáo với Quốc hội về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em như ý kiến ĐBQH nêu đã được quy định tại khoản 5 Điều 82 Luật Trẻ em. "Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết".
Về điểm k khoản 2 Điều 2, có ý kiến đề nghị giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành quản lý, ngăn chặn, xử lý tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em, trong đó gồm cả trường hợp bắt trẻ em đi ăn xin. UBTVQH cho hay, dự thảo Nghị quyết quy định: "Có biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động".
Tuy nhiên, qua rà soát lại dự thảo Nghị quyết, UBTVQH nhận thấy nội dung này đã được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị quyết, đó Quốc hội yêu cầu Chính phủ trong năm 2020 ban hành Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030", trong đó đã giảm thiểu lao động trẻ em đã bao gồm cả giảm thiểu bóc lột sức lao động trẻ em và bắt trẻ em đi ăn xin.
"Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 và bỏ quy định tại điểm k khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị quyết" - bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Về điểm q khoản 2 Điều 2 "có ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo từ trên 95% lên thành 100%; có ý kiến đề nghị giảm tỷ lệ này xuống còn 90%, bà Lê Thị Nga nêu rõ, Dự thảo Nghị quyết quy định tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về xâm hại trẻ em đạt trên 95% (cao hơn 5% so với tỷ lệ giải quyết các tội phạm khác).
"Quy định này vừa nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới nhưng đồng thời cũng bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Nghị quyết" – bà Lê Thị Nga cho hay.
Theo bà Lê Thị Nga, về ý kiến đề nghị quy định "Điều tra khám phá tội phạm xâm hại trẻ em đạt trên 75%, trong đó các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố", UBTVQH cho rằng việc giao chỉ tiêu điều tra khám phá tội phạm gắn với sự phân loại tội phạm như ý kiến ĐBQH nêu là chính xác.
Về ý kiến đề nghị bỏ nội dung "kiềm chế và kéo giảm từ 5% đến 7% các tội phạm xâm hại trẻ em", theo bà Lê Thị Nga, UBTVQH đánh giá trước tình hình xâm hại trẻ em diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, việc đặt yêu cầu kéo giảm các tội phạm xâm hại trẻ em là cần thiết.
"Đồng thời, Bộ Công an có Công văn nhất trí chỉ tiêu này để các Cơ quan điều tra phấn đấu thực hiện. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết" – bà Lê Thị Nga nói và nhấn mạnh, ngoài các vấn đề về nội dung, UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến ĐBQH, chỉnh lý một số từ ngữ, kỹ thuật văn bản để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Sau đó, với 92,13% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, các luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chú trọng xem xét những vấn đề liên quan đến trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trong quá trình thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH.
Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại địa phương. Các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác phòng, chống xâm hại trẻ em và thực hiện đầy đủ quy định tại khoản 4 Điều 79 của Luật Trẻ em.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ trẻ em bị xâm hại. Trong đó, năm 2020 Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em.
Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương có giải pháp tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.