Dân Việt

Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh nói về mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 1% năm 2020

Huyền Anh 20/06/2020 13:27 GMT+7
Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh thừa nhận, mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 1% trong năm 2020 của Techcombank là một mục tiêu thận trọng và khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu kinh tế trong nước và thế giới phục hồi nhanh, thì kế hoạch kinh doanh từ quý III, quý IV/2020 có thể thay đổi. Lợi nhuận năm 2020 của Techcombank có thể đạt được ở mức cao hơn.

Sáng nay (20/6), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 tại Hà Nội.

Kế hoạch lợi nhuận 13.000 tỷ đồng

Tại đại hội, HĐQT Techcombanh trình cổ đông thông qua phương án kinh doanh năm 2020. Trong đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 1% so với năm trước.

Đến cuối năm, dự kiến dư nợ tín dụng dự kiến ở mức 291.586 tỷ đồng, tăng trưởng 13% hoặc cao hơn trong hạn mức NHNN cho phép với tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Huy động vốn đạt 268.820 tỷ đồng, tăng trưởng 13%. Tổng tài sản ở mức 431.483 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cuối năm 2019.

Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 13%, lợi nhuận chỉ tăng 1%, Chủ tịch Techcombank lý giải - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ Techcombank

Theo kế hoạch, trong năm 2020, Techcombank mở rộng cách tiếp cận theo mô hình sinh thái cho chuỗi giá trị hàng hóa tiêu dùng nhanh và giảm sự phụ thuộc chuỗi nhà ở (ReCoM).

Trong chuỗi giá trị bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, ngân hàng cũng sẽ tiếp tục tập trung vào các phân khúc ít rủi ro như người mua nhà ở, các giai đoạn bán và giao hàng của dự án trong khi với giai đoạn xây dựng thì tập trung cho vay nhà thầu để phân tán rủi ro.

Về quản trị rủi ro và vận hành, Techcombank tiếp tục áp dụng và triển khai các hoạt động thay đổi cấu trúc dư nợ khi chuyển trọng tâm tăng trưởng từ khối ngân hàng bán buôn sang khối ngân hàng bán lẻ để đa dạng hóa bảng phân phối, tăng biên lợi nhuận (NIM) và tăng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II, tích cực xử lý các vấn đề rủi ro hoạt động để đảm bảo vận hành của ngân hàng.

Cũng trong đại hội, HĐQT Techcombank đệ trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2019.

Theo đó, sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ, tổng lợi nhuận còn lại có thể phân phối của Techcombank ở mức 17.634 tỷ đồng. Số tiền này được HĐQT đề xuất duy trì dưới hình thức lợi nhuận không chia, nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của Techcombank.

Vì sao tín dụng tăng 13%, lợi nhuận chỉ tăng 1%

Đề cập sâu hơn về kế hoạch lợi nhuận năm 2020 của Techcombank, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh thừa nhận, mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 1% trong năm 2020 của Techcombank là một mục tiêu khiêm tốn và có phần thận trọng.

Ông Hồ Hùng Anh nói: "HĐQT thận trọng về mục tiêu lợi nhuận, chỉ tăng trưởng 1% vì phải xét các yếu tố như: Khách hàng không trả được lãi do ảnh hưởng của Covid-19. Thậm chí là khách hàng được gia hạn nợ thì lãi cũng sẽ bị thoái thu (theo thông tư 01). Như vậy, nợ xấu sẽ không tăng nhưng lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, Techcomank xác định năm nay sẽ đầu tư rất lớn về hệ thống công nghệ. Chắc chắn chi phí đó ảnh hưởng tới lợi nhuận. Cộng với việc giảm lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp vì ảnh hưởng của Covid-19 nên lợi nhuận biên của ngân hàng cũng sẽ giảm".

"Techcombank cũng không phải là trường hợp ngoại lệ nên sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và tiềm lực của mình Techcombank chắc chắn sẽ vượt qua", ông Hồ Hùng Anh nhấn mạnh và tin rằng, nếu kinh tế trong nước và thế giới phục hồi nhanh, thì kế hoạch kinh doanh từ quý III, quý IV/2020 có thể thay đổi. Lợi nhuận năm 2020 có thể đạt được ở mức cao hơn.

Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 13%, lợi nhuận chỉ tăng 1%, Chủ tịch Techcombank lý giải - Ảnh 2.

Mục tiêu kinh doanh 2020 của Techcombank

Ông Hồ Hùng Anh thông tin thêm, khi xảy ra Covid-19 hiện nay thì các lĩnh vực ảnh hưởng lớn như hàng không, dệt may… Tuy nhiên lượng khách hàng trong các lĩnh vực này của Techcombank không nhiều nên tác động không lớn.

Đồng thời, Techcombank cũng chỉ lựa chọn 1 số khách hàng tốt để cho vay và những khách hàng này đang dần dần phục hồi, chỉ trừ Vietnam Airlines là đang được nhà nước hỗ trợ.

Đối việc tập trung hợp tác các khách hàng lớn như Vingroup, Sungroup, ... Chủ tịch Techcombank cho biết đây là những doanh nghiệp lớn trong du lịch và giải trí (chiếm 70% thị phần). Để có được những khách hàng này là cả một sự cố gắng của ngân hàng và Techcombank không nghĩ sẽ thay đổi chiến lược hợp tác với những doanh nghiệp này.

Liên quan đến câu hỏi của cổ đông về rủi ro của Techcombank khi tập trung vào thị trường bất động sản. Trong trường hơp thị trường bất động sản đóng băng thì sẽ ảnh hưởng tới ngân hàng như thế nào?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh chia sẻ, Techcombank ngay từ đầu đã xác định rõ, là sẽ tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế và phân khúc mà ngân hàng tự tin đạt được thị phần tốt nhất.

Bất động sản là lĩnh vực từ 5 năm trước đã được ngân hàng xác định ưu tiên, vì lĩnh vực này có những lợi thế, và thực tế cũng đã có phát triển nhanh trong những năm vừa qua. Đây cũng là lĩnh vực mà ngân hàng có thể tập trung phát triển, kiểm soát tốt rủi ro. Nhìn vào kết quả kinh doanh những năm qua, có thể thấy chiến lược này là hợp lý.

Hiện, Techombank không chỉ tập trung BĐS mà còn có các phân khúc, lĩnh vực khác, nhưng cần có thời gian để xây dựng, phát triển. Nếu ngân hàng không đẩy mạnh số hoá thì sẽ khó kiểm soát rủi ro ở những lĩnh vực mới này.