Nhân dịp Báo chí Cách mạng Việt Nam tròn 95 năm (21/6/1925-21/6/2020), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi lời chúc mừng đến báo giới cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, 75 năm lập nước thì báo chí cách mạng 95 năm. "Cách mạng thì đi trước tiên phong, khởi tạo và thúc đẩy cái mới. Chúc báo chí luôn giữ được tinh thần cách mạng này" – Bộ trưởng TTTT mở đầu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với sự xuất hiện của truyền thông xã hội, báo chí phải có nhiều đổi mới. Muốn đổi mới, muốn ứng vạn biến thì phải giữ cái gốc bất biến. Muốn đi xa thì phải về gần. Hơn lúc nào hết báo chí cần quay về với những giá trị cốt lõi của mình. "Xin chúc cho báo chí dĩ bất biến, ứng vạn biến thành công".
Theo Bộ trưởng TTTT, mọi sự phát triển luôn đồng hành với các vấn đề nảy sinh. Những vấn đề của báo chí thì báo chí phải là người giải quyết hoặc đề xuất giải quyết.
Gần đây, xã hội phản ánh một bộ phận phóng viên vi phạm đạo đức người làm báo, gây bức xúc trong xã hội, doanh nghiệp. Hơn ai hết, những người làm báo chân chính phải đấu tranh, lên án, làm sạch làng báo.
"Tôi luôn tin rằng nghề báo là một nghề đặc biệt, người làm báo là người có tố chất đặc biệt, với sứ mệnh cao cả bảo vệ cái đúng phụng sự tổ quốc và nhân dân" – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Gửi lời chúc các cơ quan chủ quản báo chí, các tổng biên tập nhiều sức khoẻ để lãnh đạo báo chí, Bộ trưởng TTTT khẳng định, báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản báo chí.
"Cơ quan chủ quản không chỉ quản lý mà còn phải đảm bảo một số điều kiện hoạt động cơ bản cho báo chí. Tổng biên tập là người chịu trách nhiệm về hoạt động của tờ báo. Tăng cường quản lý, tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, của tổng biên tập luôn là cách đầu tiên, cách tốt nhất để báo chí hoạt động lành mạnh".
Nhắc đến vấn đề kinh tế báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Kinh tế báo chí đang là vấn đề quan tâm của tất cả "làng báo".
"Nếu báo chí tự chủ trên cơ sở thị trường thì có thành báo thị trường không? Báo chí cách mạng thì cách mạng có đặt hàng không và đặt hàng với tỷ lệ bao nhiêu?" – người đứng đầu ngành TTTT nêu vấn đề và nhấn mạnh: "Bộ TTTT coi đây là chủ đề trọng tâm năm 2020. Chúng ta, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và Bộ TTTT sẽ cùng nhau ngồi xuống tìm lời giải cho vấn đề này".
Bộ trưởng TTTT nhìn nhận, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, theo đó, lĩnh vực truyền thông bị ảnh hưởng sớm nhất và mạnh nhất bởi công nghệ số.
Hơn ai hết, báo chí phải chuyển đổi số toàn diện để theo kịp sự phát triển. Sử dụng công nghệ số để thay đổi cách làm báo, thay đổi mô hình kinh doanh của báo chí. Bộ TTTT sẽ sớm ra mắt nền tảng Việt Nam về chuyển đổi số báo chí. Các cơ quan báo chí chưa chuyển đổi số có thể liên hệ Cục Tin học hoá để nhờ hỗ trợ.
"Báo chí phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, báo chí góp phần tạo đồng thuận, niềm tin xã hội, lan toả năng lượng tích cực, tạo lên khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Tôi xin chúc báo chí chúng ta sẽ xứng đáng với sứ mệnh cao cả ấy!" – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết lại.