Phóng viên kể chuyện những ngày “ăn, ngủ” cùng Covid-19

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 21/06/2020 06:00 AM (GMT+7)
Tính từ khi có ca mắc Covid-19 đầu tiên của Việt Nam ngày 22/1 đến nay, đã gần 5 tháng các phóng viên trong nước, đặc biệt là phóng viên mảng y tế lăn lộn từng ngày từng giờ với những thông tin về virus SARS-CoV-2.
Bình luận 0

Hôm đó là 29 Tết âm lịch, hầu hết các phóng viên đều đã về quê ăn tết, chỉ còn lác đác vài người trụ lại thành phố. Chúng tôi nhận được tin báo của Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 5h chiều về 2 ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên của Việt Nam và lời nhắn: "Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sẽ có mặt ở bệnh viện lúc 6h để trực tiếp kiểm tra".

Chuyện những ngày “ăn, ngủ” cùng Covid-19 - Ảnh 1.

Phóng viên Đức Hạnh (bút danh Bạch Dương). Ảnh: NVCC

Bỏ hết tất cả việc nhà trong ngày cận tết, những phóng viên còn bám lại TP.HCM tức tốc lao vào bệnh viện. Lúc đó, thông tin về Covid-19 còn rất mới, rất ít và không ai biết được độ nguy hiểm cũng như sự tàn phá của nó đến mức nào.

Trời sẩm tối, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn có mặt, sau vài câu trao đổi, ông mặc bộ đồ bảo hộ rồi vào phòng cách ly của 2 bệnh nhân Covid-19. Lúc đó nhóm phóng viên chúng tôi cũng xin vào theo nhưng chính lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo bệnh viện đều khuyên: "Đây là bệnh lây nhiễm, có thể nguy hiểm, phóng viên không nên vào nhiều". Cuối cùng, chúng tôi quyết định để một bạn quay phim của Truyền hình Thông tấn mặc đồ bảo hộ đi cùng Thứ trưởng vào phòng cách ly, chụp ảnh, quay phim và chia sẻ cho các đồng nghiệp khác.

Chuyện những ngày “ăn, ngủ” cùng Covid-19 - Ảnh 2.

Phóng viên tác nghiệp Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Bạch Dương

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn vào tận nơi kiểm tra tình hình sức khỏe của cả hai bệnh nhân, đánh giá mức độ của căn bệnh rồi quay ra trao đổi thông tin với phóng viên. Xong việc, ông lại tiếp tục ra sân bay để ra Hà Nội họp khẩn với Bộ Y tế. Lúc đó đã 9h tối.

Sau đó là ca Việt kiều từ Mỹ về Việt Nam, quá cảnh tại sân bay Vũ Hán 2 tiếng, lưu trú tại TP.HCM 11 ngày mới phát hiện mắc bệnh. Rồi dồn dập các ca mắc mới từ các chuyến bay quốc tế về TP.HCM, các tòa soạn gần như "tung" hết quân số của mình ra chỉ để làm Covid-19 bởi quá nhiều việc: Từ kiểm dịch quốc tế tại sân bay; bám trụ các bệnh viện khi có ca mắc mới; xuống các bệnh viện dã chiến tại Củ Chi, Cần Giờ để lấy thông tin; tìm hiểu tình hình tại từng khu cách ly Covid-19 trong thành phố; các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ… Rồi sau đó là các ca lây nhiễm F1, F2, phong tỏa các khu chung cư, các ổ dịch Covid-19 phát sinh…

Những ngày đó, phóng viên không có khái niệm về thời gian khi ban ngày đi lấy thông tin, chiều bám các cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của thành phố. Chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau: "Bệnh viện và trung tâm báo chí còn thân quen hơn cả ở nhà", bởi gần như ngày nào cũng giống nhau, đến khi viết xong dòng tin cuối cùng trong ngày, đóng máy tính để bước chân ra về cũng đều là 8 - 9 giờ tối.

Nếu các bác sĩ là tuyến đầu chống dịch thì phóng viên có thể coi là "tuyến thứ hai", bởi chúng tôi cũng bám sát không kém đội ngũ y tế, nguy cơ lây nhiễm không hề thấp. Vì thế, bản thân mỗi phóng viên đều ý thức rất rõ về việc đảm bảo an toàn cho bản thân khi đi tác nghiệp.

Dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam về cơ bản đã được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn còn rất lớn. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu trách nhiệm phải cung cấp thông tin nhanh, đủ, chính xác để người dân hiểu và tin tưởng vào sự chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem