Dân Việt

Quảng Bình: Những đồi hoa sim tím của nông dân khiến "dân phượt" phát sốt

Hương Trà 27/06/2020 06:46 GMT+7
Nằm dọc bên bờ sông Son, xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) không chỉ yên bình với cây đa, bến nước, từ lâu, người dân nơi đây còn được sở hữu đặc sản từ cây sim. Ngày nay, cây sim được nhiều người ưa chuộng với nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe, đặc biệt, quả sim chín...

Nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, tận dụng lợi thế nguồn đất đồi dồi dào, thời gian qua, người dân xã Mỹ Trạch đã mạnh dạn đầu tư kinh phí, mở rộng diện tích trồng sim và khoanh vùng để chăm sóc nhiều diện tích sim mọc tự nhiên; mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, giải quyết việc làm và tăng nguồn thu nhập đáng kể so với trước.

Quảng Bình: Những đồi hoa sim tím của nông dân khiến "dân phượt" phát sốt - Ảnh 1.

Cây sim góp phần đổi thay cuộc sống của người dân xã bãi ngang Mỹ Trạch.

Ngoài quả sim chín tươi đúng mùa có vị ngon ngọt, hiện nay, sim còn được chế biến thành các sản phẩm độc đáo, sử dụng quanh năm, có giá trị kinh tế cao, như: siro sim, mật sim, sim khô hay mứt sim...

Chị Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Xuân Hưng (ở thôn 3, Mỹ Trạch) chuyên sản xuất nấm và các mặt hàng nông sản, cho biết, những năm qua, HTX nhận thu mua quả sim chín để sản xuất sản phẩm từ sim.

Sau nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, biết được giá trị của quả sim chín, nhận thấy vùng đất của quê hương cằn cỗi nhưng lại có nhiều cây sim, chị Nguyễn Thị Xuân đã vận động một số thành viên HTX chuyển đổi diện tích đất trồng sắn, khoai kém hiệu quả sang trồng sim. Từ đó, HTX chủ động nguyên liệu trong sản xuất các loại mặt hàng.

Bắt đầu trồng từ năm 2017, chị Cao Thị Quyên (ở thôn 1, Mỹ Trạch) hiện đã có 0,7ha sim với trên 1.000 gốc sim và qua hai mùa thu hoạch. Chị Quyên cho hay: “Trước đây, trên cùng diện tích này, gia đình tôi trồng sắn, khoai... rất vất vả mà thu không đủ bù chi.

Được sự vận động của HTX, tôi chuyển qua trồng sim. Cây sim hợp chất đất nên chỉ tưới nước khi mới trồng, chuyên cần làm cỏ và không phải sử dụng một loại phân bón nào, nhưng cây đơm hoa kết trái đều đặn, mỗi năm một vụ, trồng từ tháng 9 năm trước đến tháng 7 năm sau thì thu hoạch”.

Cùng chúng tôi thăm đồi sim vào tháng 5 đúng mùa hoa nở rộ, chị Quyên nhẩm tính, mỗi gốc sim sẽ thu được 3-5kg quả sim chín, mỗi vụ như vậy, trừ chi phí cũng thu được khoảng trên 35 triệu đồng, gấp từ 4 đến 5 lần so với trồng sắn.

Tại thôn 2, hộ của ông Nguyễn Văn Tẩm hiện có 2ha sim tự nhiên cũng đang vào mùa trổ hoa. Hơn 2 năm qua, ông Tẩm thu hoạch chừng 5 tấn/vụ. Thấy có thu nhập đáng kể lại dễ dàng thu hoạch và tiêu thụ nên ông Tẩm đã khoanh vùng chăm sóc và sẽ nhân rộng những diện tích đất còn trống.

Ông Tẩm cho biết: “Với diện tích đất này, những năm trước, tôi cũng canh tác đủ các loại sắn, khoai..., nhưng chẳng có cây nào sống nổi, riêng cây sim nhà tôi không trồng nhưng sức sống mạnh mẽ lắm, cứ thế vươn lên, hoa đẹp, quả sai, nhưng cũng chỉ bán làm quà, không đáng là bao. Nay, có HTX Xuân Hưng thu mua làm nguyên liệu, tôi sẽ chú trọng phát triển sản xuất, nhân rộng. Cứ đà này, mỗi vụ cũng thu được khoảng 60-70 triệu đồng. Với số tiền này, tôi trang trải cuộc sống, đỡ vất vả hơn nhiều”.

Ngoài 0,7 ha sim trồng, 2ha sim tự nhiên có người quản lý, chăm sóc, hiện trên địa bàn xã Mỹ Trạch có trên 3 ha sim tự nhiên mọc rải rác trên vùng đồi, người dân tự do hái quả khi đến mùa sim chín...

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch Phan Văn Trung cho biết, do là xã bãi ngang, đời sống của người dân Mỹ Trạch còn nhiều khó khăn. 

Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã tìm hướng đi và hỗ trợ bà con trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nhưng do điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng không phù hợp nên nhiều loại cây, con không mang lại hiệu quả đáng kể.

 Với hướng đi mới, HTX Xuân Hưng đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho trên 20 lao động ở địa phương có việc làm thường xuyên với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng/người.

“Đặc biệt, HTX đã xây dựng được chuỗi sản xuất các loại sản phẩm từ sim, có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn sản phẩm; trong đó có rượu sim-một loại dược liệu độc đáo có tác dụng chữa được một số bệnh, trở thành 1 trong 7 sản phẩm OCOP của huyện, đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh năm 2019. 

Với mẫu mã đẹp, chất lượng được công nhận bảo đảm, mới đây, sản phẩm của HTX được chọn là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” cấp huyện và dự thi cấp tỉnh. Đây là 1 trong 4 HTX trên địa bàn hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và làm thay đổi diện mạo làng quê ngày thêm khởi sắc. 

Xã đã quy hoạch thêm 5ha đất vùng đồi, kém hiệu quả để mở rộng trồng cây sim. Từ đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con trên địa bàn và thúc đẩy sản xuất”, ông Phan Văn Trung chia sẻ thêm.

Quảng Bình: Những đồi hoa sim tím của nông dân khiến "dân phượt" phát sốt - Ảnh 5.

Các sản phẩm từ sim của HTX Xuân Hưng được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.

Theo chị Xuân, đến mùa sim chín, HTX tiến hành thu mua và bắt đầu quy trình sản xuất các loại sản phẩm từ sim. Để các sản phẩm có chất lượng, nguồn nguyên liệu phải bảo đảm sạch, không hóa chất và đặc biệt các công đoạn ngâm ủ sim phải đúng thời gian và liều lượng, bảo quản đúng nhiệt độ. 

Hiện, HTX Xuân Hưng đã đầu tư trên 700 triệu đồng để mua các loại máy móc thiết bị hiện đại, nguyên vật liệu đóng chai, hộp bảo quản và xây dựng nhà xưởng có quy mô, bài bản phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm từ sim đạt tiêu chuẩn.

Khác với những năm về trước, gần 3 năm trở lại đây, cứ vào mùa sim chín là bà con trong thôn, xã nhộn nhịp hẳn lên với công việc thu hoạch sim, cung cấp nguồn nguyên liệu cho HTX Xuân Hưng. 

Thời điểm này, tiết trời nắng gắt, hoa sim đang vào mùa nở rộ, báo hiệu một mùa sim sai quả.Tính từ năm 2017 đến nay, HTX Xuân Hưng đã thu mua gần 60 tấn quả sim chín để sản xuất các mặt hàng từ quả sim.

“Hiện tại, các sản phẩm của HTX Xuân Hưng được tiêu thụ khá ổn định, được nhiều khách hàng từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh tin dùng. Nhưng để mở rộng và phát triển chuỗi sản xuất và liên kết tiêu thụ có quy mô lớn.

HTX mong muốn được tạo điều kiện được vay vốn nhằm đầu tư thêm trang thiết bị, chủ động các nguyên liệu và mở rộng thêm diện tích sản xuất, góp phần tạo thu nhập cho lao động thiếu việc làm, hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương và đáp ứng nhu cầu cao của thị trường tiêu thụ”, chị Nguyễn Thị Xuân trao đổi thêm.