Lạng Sơn: "Đột nhập" vườn lan rừng 10.000 giò, có nhiều giò lan rừng quý hiếm

Thứ sáu, ngày 26/06/2020 21:21 PM (GMT+7)
Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã trồng và kinh doanh hoa lan rừng theo hướng sản xuất hàng hóa. Hướng đi này đã và đang góp phần mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực từ nghề trồng lan rừng.
Bình luận 0

Với bàn tay khéo léo, chăm sóc công phu, tỉ mẩn sau 4 năm theo đuổi đam mê của mình, hiện nay ông Hà Huy Hoàng, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) có hơn 10.000 chậu lan các loại như: Phi điệp, Trầm, Ý Ngọc, Tam bảo sắc, Đai châu, Đuôi cáo…cùng một số loại lan quý với giá trị vườn lên đến hàng tỷ đồng.

Lạng Sơn: "Đột nhập" vườn lan rừng 10.000 giò, có nhiều giò lan rừng quý hiếm - Ảnh 1.

Ông Hà Huy Hoàng, chủ vườn lan Huy Hoàng, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn chăm sóc vườn hoa lan rừng quy mô 10.000 giò.

Ông Hoàng cho biết: “Trước đây, khách hàng chủ yếu mua các giò lan lớn để chơi, trang trí nhưng ngày nay, ngày càng có nhiều khách tìm hiểu về lan, họ chọn mua những cây lan giống còn nhỏ để được tự tay chăm sóc, vun trồng. Vì vậy, hai năm gần đây, số lượng cây giống tôi bán ra ngày một tăng cao. Trung bình mỗi năm, tôi nhân giống và xuất bán hàng nghìn chậu hoa và cây giống phong lan các loại phục vụ khách hàng ở các tỉnh thành: Hà Nội, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng”.

Cùng chọn hướng phát triển kinh tế từ trồng hoa lan như ông Hoàng, anh Phan Mạnh Hùng, thôn Hồng Phong 3, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn đang là chủ của vườn lan 250 m2 .

 Anh Hùng chia sẻ: "Cách đây 5 năm, tôi bắt đầu tìm hiểu về hoa lan, trong đó có lan rừng. Nhận thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng nhiều lợi ích về sinh thái, năm 2016, tôi quyết định đầu tư trồng và nhân giống hoa lan để bán. Hiện tôi chủ yếu tự nhân giống Phi điệp tím để bán cho người kinh doanh online trên mạng, các nhà vườn có nhu cầu. Bên cạnh đó, tôi vừa trồng vừa chăm sóc nhiều loại lan thành những giò lớn có sức sống khỏe để phục vụ những người chơi lan sành sỏi".

 Theo anh Hùng, thời điểm này, khách hàng chủ yếu lựa chọn mua lan Phi điệp (giá  từ 2-5 triệu đồng/giò) và lan Đuôi cáo (giá bình quân từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/giò). Nếu thời tiết thuận lợi và chịu khó chăm sóc thì trừ chi phí tôi có thu nhập khoảng 300 – 400 triệu đồng/năm từ trồng hoa lan.

Tại tỉnh Lạng Sơn, hoa lan đã được nhiều người yêu thích và sưu tầm từ cách đây khoảng 10-15 năm. Tuy nhiên, phải đến năm 2015, phong trào chơi hoa lan mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Xuất phát từ niềm đam mê hoa, nhiều gia đình bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu và nhân giống hoa lan để bán. 

Hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 40 vườn trồng và kinh doanh hoa lan với số lượng lớn, thu nhập bình quân từ 300 – 400 triệu đồng/năm. Cùng với đó có khoảng hơn 100 vườn quy mô nhỏ, thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/năm. Trong đó, các mô hình trồng hoa lan phát triển mạnh nhất ở thành phố Lạng Sơn và các huyện: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Lộc Bình, Chi Lăng…

Theo kinh nghiệm của đa số các hộ trồng lan rừng trên địa bàn tỉnh, giống lan rừng tuy dễ sống nhưng người trồng phải hiểu được đặc tính của từng loại lan để có cách chăm sóc phù hợp, như vậy cây mới cho ra hoa đẹp và đúng thời gian. 

Hoa lan, trong đó có hoa lan rừng là loại cây ưa ẩm và ưa ánh sáng vừa phải nên vườn cần thiết kế cao, thoáng, dưới nền đất để đảm bảo môi trường gần nhất với môi trường tự nhiên….

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Tại Lạng Sơn, khoảng ba năm trở lại đây có khá nhiều hộ đầu tư xây dựng vườn để trồng và nhân giống hoa lan bán. Hướng đi này  theo xu thế chung của cả nước...".

Tuy nhiên, với đặc thù là một tỉnh miền núi, có thế mạnh về hoa lan, hướng phát triển kinh tế này được cho là nhiều tiềm năng. Bởi thực tế thời gian qua, số lượng vườn lan ngày càng tăng, mang lại doanh thu ổn định cho người trồng. Để hướng đến phát triển bền vững nghề trồng lan, thời gian tới, Hội Sinh vật cảnh tỉnh dự định sẽ thành lập hợp tác xã, xây dựng dự án trồng hoa lan áp dụng công nghệ cao để bảo tồn, nhân giống các loài lan quý, có giá trị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn"...

ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lạng Sơn

Nguyễn Phương-Kim Huyên (Báo Lạng Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem