Trưa 27/6, phát biểu tại hội nghị "Hà Nội – 2020: Hợp tác, Đầu tư và Phát triển", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong dịch Covid-19, Chính phủ đã cùng với Hà Nội giải quyết các vấn đề và đây cũng là lần thứ 4 Thủ tướng Chính phủ, các phó Thủ tướng tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư của Hà Nội.
"Hội nghị họp có 4 tiếng thôi nhưng Hà Nội đã chuẩn bị 4 tháng đặc biệt có nhiều khách quốc tế, đại sứ, nhiều tổ chức tài chính lớn, rất đông doanh nghiệp phát biểu rất tuyệt vời" - Thủ tướng biểu dương và đánh giá, hội nghị lần này của Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế toàn cầu bị đứt gãy nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam có mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực châu Á.
"Tại hội nghị này, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhìn rộng hơn là cả vùng Thủ đô, đã có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước không chỉ bởi môi trường chính trị, xã hội ổn định, mà còn là môi trường an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; chính quyền thành phố sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ, dám làm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, Hội nghị ''Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển'' đã nhấn mạnh nội hàm hợp tác phát triển với quan điểm hợp tác được đề cao, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân trong tầm nhìn dài hạn. Đây cũng là quan điểm quan trọng trong thu hút đầu tư của Việt Nam và Hà Nội.
"Quan điểm trước đây "Hà Nội không vội được đâu" giờ đã lạc hậu, đã cũ, bởi Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhờ sự năng động của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn", Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cũng cho rằng, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm đầu não về chính trị, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á.
Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, theo Thủ tướng Chính phủ, câu trả lời trước hết là Hà Nội phải đạt "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" trong phát triển. Bàn về yếu tố "thiên thời", theo Thủ tướng Chính phủ, chưa bao giờ có nhiều thể chế tốt cho Hà Nội như hiện nay, như: Luật Thủ đô, Nghị định 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đối với Thủ đô Hà Nội.
Cũng theo Thủ tướng, hội nghị là cơ hội để Hà Nội tìm được "cổ đông chiến lược" để cùng đồng hành phát triển, đồng thời là nơi để các doanh nghiệp đặt niềm tin và phát triển vùng đất rồng bay.
Nhấn mạnh "nhân hòa" chính là yếu tố then chốt nhất của Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, hơn 20 năm trước Hà Nội được vinh danh là "Thành phố Vì hòa bình". Đây chính là giá trị "nhân hòa" của Hà Nội. Với những giá trị của niềm tin và hy vọng, ứng xử và tinh thần Hà Nội trong dịch Covid-19, sau hơn 20 năm, Hà Nội tiếp tục khẳng định xứng đáng với danh hiệu đó.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Hà Nội phải làm tất cả để bật ra được hình ảnh trong trí nhớ và trái tim mọi người về "Thành phố Vì hòa bình"; xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp; biến "phẩm chất Hà Nội" trở thành một thứ vốn liếng quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và du khách đến Hà nội nhiều hơn, thúc đẩy sự thịnh vượng cho người dân Thủ đô và cả nước".
"Làm sao xây dựng 3 trụ cột này? Thành phố cần có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo với 5 chữ "tinh": Tinh thông trong công việc - tinh nhuệ trong hành động - tinh gọn bộ máy - tinh túy về chất cán bộ và tinh ý hiểu được người dân, doanh nghiệp đang cần gì để hành động", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội "phải biến nguy thành cơ", khắc phục những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Lắng nghe các ý kiến phát biểu, tham luận, Thủ tướng bày tỏ mong lãnh đạo thành phố có những đề xuất mang tính chiến lược cho phát triển Thủ đô trong thời gian tới.
"Mong muốn TP.Hà Nội thực hiện hành động nhất quán phương châm hợp tác đầu tư và phát triển không để đây là khẩu hiệu nói suông. Và không chỉ hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cả hợp tác với các nước, với các địa phương" – Thủ tướng nói và lưu ý Hà Nội thu hút không chỉ cho riêng mình và cùng với các địa phương để phát triển. "Chúng ta tiếp tục khẩu hiệu: "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".
Vì thế Thủ tướng yêu cầu, một mặt Hà Nội tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn thông thoáng, công khai, thuận lợi, mặt khác các bộ ngành trung ương phải tạo điều kiện cho Hà Nội, Chính phủ luôn bên cạnh Hà Nội cùng Hà Nội tháo gỡ khó khăn nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Thủ tướng Chính phủ nêu lại vấn đề như một số đại biểu Quốc hội phát biểu trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua đã đề cập, đó là: "Chúng ta đang làm tổ cho đại bàng đẻ nhưng cũng phải đãi thóc gạo cho chào mào, chim sẻ ăn no…" với lưu ý, các hộ cá thể, hợp tác xã, làng nghề, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thủ đô cũng phải được tạo điều kiện phát triển tốt.
"Trong bối cảnh cả nước nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, Hà Nội cần thực hiện bước đột phá mới với bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, truyền thống, bề dày trách nhiệm, sức làm việc năng động, sáng tạo. Với sự phối hợp giúp đỡ tích cực của các bộ, ngành, sự ủng hộ của nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất định Hà Nội sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra, đóng góp vào phát triển chung cả nước", Thủ tướng kỳ vọng.