113 thương nhân Trung Quốc mua vải thiều
Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang), tính đến hết ngày 27/6, toàn tỉnh đã tiêu thụ được gần 130.000 tấn vải thiều.
Điều đáng nói, trong bối cảnh dịch Covid-19 ở nhiều nước còn phức tạp nhưng việc xuất khẩu vải thiều rất thuận lợi, giá bán khá cao và ổn định, từ 22.000 - 48.000 đồng/kg.
Theo kế hoạch, dự kiến khoảng 15-20 ngày nữa nông dân trong tỉnh sẽ cơ bản thu hoạch xong vải thiều.
Cho đến thời điểm này, "thủ phủ" vải thiều Lục Ngạn đã tiêu thụ được hơn 72.000 tấn, huyện Lục Nam hơn 25.000 tấn, Tân Yên hơn 15.000 tấn,...
Để tiêu thụ hết lượng vải thiều của người dân, trên địa bàn tỉnh có khoảng 600 điểm cân vải thiều, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Lục Ngạn.
Ngoài thương nhân, doanh nghiệp trong nước, hiện có 113 thương nhân Trung Quốc sau thời gian cách ly phòng dịch Covid-19 đã tham gia thu mua vải thiều.
Một nét mới trong việc tiêu thụ vải thiều năm nay là thị trường nội địa được xúc tiến tiêu thụ khá tốt với khoảng 60% sản lượng tiêu thụ ở thị trường nội địa là phục vụ các tỉnh phía Nam.
Vải Việt ngọt ngào trên đất Nhật
Đưa quả vải thiều sang Nhật Bản thành công được coi là một thành công lớn nhất trong vụ thu hoạch vải năm nay. Hiện, tỉnh Bắc Giang đã đưa được 50 tấn vải sang Nhật Bản, nếu đến hết vụ có thể đạt 100 tấn.
Trên thực tế, để xây dựng được vùng nguyên liệu vải thiều phục vụ xuất khẩu Nhật Bản, ngành chức năng, địa phương và người nông dân phải trải qua nhiều cuộc thí nghiệm và sát hạch minh bạch và hết sức gắt gao.
Vùng trồng được cấp mã số, được canh tác theo quy trình GlobalGAP với những quy định vô cùng khắt khe về việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép nhật ký sản xuất. Mọi loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đều được phía Nhật Bản kiểm định và cho phép mới được dùng. Các mẫu đất, nước đều được test kiểm tra dư lượng.
Dây chuyền Made in Vietnam
Một trong những thành công của mùa vải thiều năm nay là Việt Nam cũng đã thiết kế thành công hệ thống xử lý, khử trùng vải thiều bằng Methyl Bromide, hệ thống có khả năng làm sạch 100% các đối tượng dịch bệnh. Theo thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hiểu - Trưởng bộ môn Nghiên cứu công nghệ bảo quản nông sản thực phẩm (Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NNPTNT), dây chuyền xử lý này được viện nghiên cứu, hoàn thiện ngay trong mùa Covid-19, là một chamber (buồng) khử trùng thương mại đầu tiên được thiết kế theo yêu cầu từ phía Nhật Bản, trên cơ sở bám sát các đặc tính của quả vải thiều.
Ông Trần Văn Lân (ở thôn Lâm, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết: "Chăm sóc theo quy trình GlobalGAP rất vất vả, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực bởi vải thiều Lục Ngạn đã đến được nhiều thị trường, nhưng sang Nhật là phải lên một tầm cao mới".
Ngày 20/6, những lô vải thiều đầu tiên đã sang Nhật Bản thành công theo đường hàng không. Sau khi làm các thủ tục thông quan, kiểm dịch, vải thiều Việt Nam đã được đưa lên kệ siêu thị.
Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu, đơn vị đưa vải thiều tươi sang Nhật Bản cho biết, vải thiều Việt Nam đã và đang cháy hàng tại Nhật, các siêu thị đã đặt mua hết, với giá bán sỉ 8 - 12USD/kg.
"Toàn bộ lô vải thiều tươi đầu tiên đã được phân phối hết cho các siêu thị, phản hồi khách hàng tốt, giá bán sỉ cho các siêu thị bình quân 8 - 12USD/kg" - bà Vy cho biết.
Theo thông tin phản hồi từ phía khách hàng tại Nhật Bản, ngay sau khi quả vải thiều tươi của Việt Nam được bày bán tại các siêu thị tại Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng tại đây.
Bình quân, giá bán lẻ vải thiều tươi tại các siêu thị khoảng 530.000 - 550.000 đồng/kg. Điều đáng ghi nhận là, chất lượng vải thiều Việt được đánh giá rất cao, thơm và ngon, ngọt nên được người tiêu dùng ưa chuộng.