Hậu trường đưa vải thiều tươi sang Nhật Bản, chuyện giờ mới kể

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 25/06/2020 12:00 PM (GMT+7)
Năm 2017, khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chính thức đề xuất với phía Nhật Bản cho phép xuất khẩu vải thiều sang thị trường này, nhiều ý kiến cho rằng đây là quyết định táo bạo, bởi vải thiều là loại quả khó tính bậc nhất trong khâu bảo quản. Sau nhiều nỗ lực, vải thiều đã đến Nhật thành công.
Bình luận 0

Hành trình gay cấn đưa chuyên gia Nhật Bản lên máy bay

Đối với những cán bộ của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), việc đưa được chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam để giám sát công đoạn xử lý, khử trùng vải thiều cũng giống như một cuốn phim... phiêu lưu, mạo hiểm.

Tháng 12/2019, quả vải thiều Việt Nam chính thức nhận được cái gật đầu của Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) sau 2 năm đàm phán với rất nhiều cuộc thí nghiệm được triển khai chỉ để hoàn thiện hệ thống xử lý, khử trùng vải thiều để không còn lo sự tấn công của ruồi đục quả phương Đông, loài dịch hại là rào cản để nhiều loại trái cây có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính. 

"Đó là một thắng lợi mang tính bước ngoặt, bởi dây chuyền xử lý, khử trùng này hoàn toàn do người Việt Nam sáng chế, bằng những loại vật liệu có giá thành rẻ nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu của phía Nhật Bản" - ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật cho biết.

Ngay sau khi phía Nhật Bản chấp thuận cho trái vải thiều Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang và Hải Dương quy hoạch vùng trồng vải phục vụ xuất khẩu Nhật Bản, cấp mã số vùng trồng với những quy định vô cùng khắt khe.

Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng cho lô vải thiều đầu tiên chinh phục Nhật Bản thì dịch Covid-19 bùng phát và trở thành đại dịch toàn cầu, những lo lắng về việc tiêu thụ vải thiều đã được đặt ra. 

Thậm chí, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn 2 lần trực tiếp lên Bắc Giang, ngay khi vải vừa ra hoa và kết những chùm trái xanh non để bàn về các kịch bản tiêu thụ vải thiều, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Hậu trường đưa vải thiều tươi sang Nhật Bản, chuyện giờ mới kể - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường lên Bắc Giang bàn giải pháp tiêu thụ vải thiều khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Tỉnh Bắc Giang, Hải Dương trên cơ sở chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã chủ động xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải thiều, trong đó, tinh thần chung là nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Về phía Nhật Bản, để đảm bảo quá trình xuất khẩu vải thiều không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Cục Bảo vệ thực vật đã trao đổi với MAFF xin được ủy quyền kiểm tra, đánh giá hệ thống khử trùng, sau khi hoàn thiện thì chuyên gia Nhật Bản sẽ sang chứng nhận lần cuối và phía MAFF về cơ bản đồng ý với phương án này.

Điều không thể ngờ được là cuối tháng 3, Việt Nam xuất hiện những ca lây nhiễm chéo Covid-19 trong cộng đồng, các chuyên gia Nhật Bản lần lượt rút khỏi Việt Nam và phía Nhật Bản cũng không cho phép xuất cảnh vào Việt Nam do lo ngại dịch bệnh còn phức tạp. 

Ngay sau đó, Cục Bảo vệ thực vật đã viết thư cho phía đối tác Nhật Bản nghĩ đến những phương án dự phòng, ủy quyền cho phía Việt Nam giám sát; phía đối tác Nhật Bản cũng trả lời, chưa nghĩ đến phương án ủy quyền nhưng trên tinh thần sẽ cố gắng hết sức để vải thiều sang Nhật Bản.

Đúng  thời điểm đó, một số thông tin trên các báo phản ánh việc phía đối tác Nhật Bản có thể không sang được Việt Nam trong năm nay để giám sát xử lý khử trùng vải thiều phục vụ xuất khẩu. 

Dù thông tin này hoàn toàn thất thiệt, bởi hai bên vẫn đang trong quá trình bàn bạc để tìm ra phương án tối ưu nhất nhưng cũng gây không ít hoang mang cho người dân.

"Thời điểm đó, điều chúng tôi lo ngại nhất là người dân có tâm lý buông xuôi, không chăm sóc theo quy trình khuyến cáo của phía Nhật Bản, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục thì mọi công sức sẽ đổ sông đổ biển, phía Nhật có sang cũng sẽ không có vùng nguyên liệu đạt chuẩn" - ông Hiếu nói.

Rất may, nhờ sự phối hợp của ngành chức năng và chính quyền địa phương, sự nỗ lực của nông dân, vùng trồng vải thiều xuất Nhật vẫn giữ nguyên vẹn.

Hậu trường đưa vải thiều tươi sang Nhật Bản, chuyện giờ mới kể - Ảnh 2.

Chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam giám sát xử lý vải thiều ngày 3/6.

Cuối tháng 5, sau khi có thông tin chuyên gia Nhật Bản sẽ chính thức sang Việt Nam giám sát, xử lý vải thì điều khiến Cục Bảo vệ thực vật, chính quyền các địa phương có vùng vải xuất khẩu lo lắng là làm sao tìm được máy bay để đưa được chuyên gia sang. 

Sau khi nghe tin có một chuyến bay chở hàng của VietnamAirline từ Nhật Bản về Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Bộ NNPTNT, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thiện mọi thủ tục để chuyên gia Nhật Bản có thể bước lên máy bay chỉ có một mình và đoàn phi hành gia chỉ trong vài ngày.

Sau nhiều nỗ lực, với sự vào cuộc của tất cả các ngành chức năng như Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Bộ NNPTNT, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, chuyên gia Nhật Bản đã chính thức lên máy bay chở hàng, sang Việt Nam vào ngày 3/6. Mọi thủ tục, giấy tờ xin phép để chuyên gia lên máy bay sang Việt Nam, đi cách ly theo đúng quy định phòng chống dịch đều được giải quyết với tốc độ nhanh chưa từng có.

14 ngày sau khi cách ly, ngày 17/6, chuyên gia Nhật Bản chính thức vào cuộc giám sát dây chuyền xử lý khử trùng vải thiều, ông vô cùng ấn tượng với hệ thống do Việt Nam sáng chế.

Đến dây chuyền xử lý khử trùng hoàn thiện trong mùa Covid-19

Một trong những thành công của mùa vải thiều năm nay là Việt Nam cũng đã thiết kế thành công hệ thống xử lý, khử trùng vải thiều bằng Methyl Bromide, hệ thống có khả năng làm sạch 100% các đối tượng dịch bệnh. 

Tất cả các khâu, trang thiết bị và kỹ năng vận hành của Việt Nam đều đã đáp ứng, thậm chí vượt yêu cầu của chuyên gia Nhật Bản kiểm định.

Hậu trường đưa vải thiều tươi sang Nhật Bản, chuyện giờ mới kể - Ảnh 3.

Vải thiều vừa được xử lý khử trùng.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hiểu, Trưởng bộ môn Nghiên cứu Công nghệ bảo quản nông sản thực phẩm (Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NNPTNT), dây chuyền xử lý này được viện nghiên cứu, hoàn thiện ngay trong mùa Covid-19, là một chamber (buồng) khử trùng thương mại đầu tiên được thiết kế theo yêu cầu từ phía Nhật Bán, trên cơ sở bám sát các đặc tính của quả vải thiều.

"Thông thường, đối với những loại trái cây khác, chúng tôi sẽ xử lý bảo quản, sau đó xử lý côn trùng và đưa đi xuất khẩu nhưng với trái vải, việc xử lý khử trùng bằng Methyl Bromide sẽ ảnh hưởng đến màu sắc của trái vải nên chúng tôi buộc phải khử trùng trước, rồi mới nghiên cứu bảo quản để giữ được màu sắc tươi hồng của trái vải sau xử lý" - ông Hiểu nói.

Được biết, các cán bộ của Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch đã phải mất một tháng để xử lý bảo quản vải thiều sau khử trùng bằng một chất hoàn toàn hữu cơ do viện nghiên cứu và đã ứng dụng trên nhiều loại trái cây khác.

"Ngày đầu tiên kiểm tra buồng khử trùng, có một danh sách các hạng mục cần kiểm tra, chuyên gia Nhật kiểm tra từng bước một. Nhưng sau đó, ông đánh giá, đây là một dây chuyền xử lý tốt, vượt cả yêu cầu của họ trong mọi thông số kỹ thuật" - ông Hiểu cho biết.

Hậu trường đưa vải thiều tươi sang Nhật Bản, chuyện giờ mới kể - Ảnh 4.

Những quả vải thiều Việt Nam xuất hiện trên đất Nhật Bản. Ảnh: CTV.

Được biết, công suất xử lý vải thiều của chamber khử trùng do Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch thiết kế xử lý được khoảng 2 tấn vải thiều/mẻ, mỗi ngày tối đa 3 mẻ. Hiện, lịch khử trùng của chamber đặt tại Công ty Toàn Cầu (Lục Ngạn) đã kín do nhu cầu của doanh nghiệp quá lớn.  

Vải thiều Việt ngọt ngào trên đất Nhật

Trên thực tế, để xây dựng được vùng nguyên liệu vải thiều phục vụ xuất khẩu Nhật Bản, ngành chức năng, địa phương và người nông dân phải trải qua nhiều cuộc thí nghiệm và sát hạch minh bạch và gắt gao.

Hậu trường đưa vải thiều tươi sang Nhật Bản, chuyện giờ mới kể - Ảnh 5.

Đại diện AEON Nhật Bản đánh giá cao chất lượng vải thiều Việt Nam. Ảnh: CTV.

Vùng trồng được cấp mã số, được canh tác theo quy trình Global với những quy định vô cùng khắt khe về việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép nhật ký sản xuất. Mọi loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đều được phía Nhật Bản kiểm định và cho phép mới được dùng. Các mẫu đất, nước đều được test kiểm tra dư lượng.

Ông Trần Văn Lân ở thôn Lâm, xã Nam Dương (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), cho biết: "Chăm sóc theo quy trình GlobalGAP rất vất vả, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực bởi vải thiều Lục Ngạn đã đến được nhiều thị trường, nhưng sang Nhật là phải lên một tầm cao mới".

"Hồi vải mới ra trái non, đám bọ xít cứ tấn công, phun thuốc theo khuyến cáo mãi không chết, tôi hơi lo, đã tính mua thuốc vẫn hay dùng về phun nhưng nghĩ lại, đã làm đến lúc sắp được hái quả thì phải tuyệt đối tuân thủ theo quy định. Rất may, vải vẫn phát triển tốt, quả đều, mã đẹp" - ông Lân nói.

Ngày 20/6, những lô vải thiều đầu tiên đã sang Nhật Bản thành công theo đường máy bay. Sau khi làm các thủ tục thông quan, kiểm dịch, vải thiều Việt Nam đã được đưa lên kệ siêu thị.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu, đơn vị đưa vải thiều tươi sang Nhật Bản, cho biết, vải thiều Việt Nam đang cháy hàng tại Nhật Bản, các siêu thị đã đặt mua hết, với giá bán sỉ 8 - 12 USD/kg.

"Toàn bộ lô vải thiều tươi đầu tiên đã được phân phối hết cho các siêu thị, phản hồi khách hàng tốt, giá bán sỉ cho các siêu thị bình quân 8 - 12 USD/kg" - bà Tường Vy cho biết.

Theo thông tin phản hồi từ phía khách hàng tại Nhật Bản, ngay sau khi quả vải thiều tươi của Việt Nam được bày bán tại các siêu thị tại Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng tại đây. Bình quân, giá bán lẻ vải thiều tươi tại các siêu thị khoảng 530.000 - 550.000 đồng/kg.

Nhiều người cho rằng, mức giá đó hoàn toàn hợp lý, phù hợp với mức tiêu dùng ở Nhật Bản và khá cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại nhập từ nước khác.

Điều đáng ghi nhận là, chất lượng vải thiều Việt được đánh giá rất cao, thơm và ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Được biết, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã và đang phối hợp với một số đầu mối nhập khẩu của Việt Nam như AEON, VIENT Corporation, Yufruit, Sunrise Farm… và đầu mối xuất khẩu của Việt Nam như Công ty Red Dragon, Chánh Thu, Ameii… để xúc tiến xuất khẩu các lô hàng vải thiều sang Nhật Bản trong vụ mùa năm nay.

Dự kiến khoảng gần 200 tấn vải thiều tươi sẽ xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật trong năm nay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc vải thiều Việt Nam vào Nhật Bản sẽ định vị cho trái vải vào phân khúc cao cấp, khi đã vào được Nhật Bản thì trái vải có thể tự tin chinh phục các thị trường khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem