Làn sóng chống lại Trung Quốc đã bùng nổ trên mạng xã hội Ấn Độ trong hai tuần qua kể từ khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc giao tranh biên giới tại khu vực Ladakh, Himalaya; đối diện Tây Tạng. Đáng nói hơn, chính phủ Ấn Độ được cho là đang gia tăng những biện pháp trừng phạt kinh tế với Trung Quốc sau vụ đụng độ này.
Trong một buổi lễ tưởng niệm và vinh danh những binh sĩ thiệt mạng hôm Chủ Nhật vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng kêu gọi người dân Ấn Độ sử dụng hàng nội địa, tuyên bố: “Nền kinh tế Ấn Độ tự lực sẽ là lời tri ân các binh sĩ tử vì đạo của chúng ta một cách chân thành và sâu sắc nhất”.
Hồi tuần trước, chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh cho các nhà cung cấp hoạt động trên một trang web thương mại điện tử của nhà nước thực hiện dán nhãn xuất xứ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm được sản xuất trong nước để phân biệt với các sản phẩm nước ngoài.
Tin tức từ Thời báo Kinh tế Ấn Độ hôm 29/6 cho hay chính phủ đang xem xét điều tra các công ty Trung Quốc có trụ sở tại Đông Nam Á muốn vận chuyển hàng hóa sang thị trường Ấn Độ. Còn Bloomberg thì đưa tin chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đang xem xét áp thuế cao hơn với các sản phẩm điều hòa không khí, phụ tùng ô tô và nhiều mặt hàng xuất khẩu khác từ Trung Quốc. Kèm theo đó là bộ quy tắc chất lượng sản phẩm chặt chẽ hơn dự kiến sẽ được đề xuất áp dụng với 370 sản phẩm khác nhau từ hóa chất đến sắt thép.
Hàng loạt động thái trừng phạt được Ấn Độ tung ra trên các mặt trận khác, bao gồm lệnh cấm các công ty nhà nước sử dụng thiết bị viễn thông từ Huawei, ZTE và tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc khác trong nâng cấp mạng 4G hoặc phủ sóng mạng 5G thử nghiệm. Một số dự án đầu tư của Trung Quốc tại Ấn Độ cũng bị đình trệ, bao gồm kế hoạch rót vốn cho nhà máy sản xuất xe hơi Great Wall trị giá 500 triệu USD ở bang Maharashtra.
Mới đây nhất, Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ tiếp tục tung “đòn hiểm” khi cấm cửa 59 ứng dụng Trung Quốc bao gồm TikTok và WeChat do quan ngại rủi ro an ninh quốc gia và trật tự công cộng đất nước.
Khi chính phủ hành động, người dân Ấn Độ cũng “tẩy chay” Trung Quốc theo cách của họ. Một hiệp hội thương nhân ở New Delhi đã yêu cầu các khách sạn không cho du khách Trung Quốc lưu trú, đồng thời phát hành danh mục 3.000 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để kêu gọi người dân ngừng sử dụng. Một nhà phát triển ứng dụng đã tạo nên app “tìm diệt” các ứng dụng Trung Quốc và thu hút 1 triệu lượt download trước khi bị Google gỡ bỏ. Nhiều ngôi sao Bollywood cũng chia sẻ hashtag #BoycottChineseProducts.
Hàng loạt động thái cứng rắn từ Ấn Độ đã làm dấy lên câu hỏi: liệu chính quyền Tập Cận Bình có cân nhắc đòn trả đũa?
Tu Xinquan, chuyên gia thương mại tại Đại học Kinh tế Quốc tế (Bắc Kinh) nhận định: “Cho đến nay, Trung Quốc chưa có dấu hiệu thực hiện bất cứ hành động trả đũa nào, nhưng nó có động lực để làm như vậy… Tôi nghĩ rằng Bắc Kinh cần thời gian trước khi đưa ra những đòn đáp trả”.
“Nếu Ấn Độ đi quá xa, chính quyền Tập Cận Bình chắc chắn sẽ phản ứng. Có lẽ Bắc Kinh sẽ xem xét áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với những mặt hàng quan trọng” - ông Tu Xinquan cho hay.
Còn Adam McCarthy, nhà kinh tế trưởng tại MeKong Economics thì cho hay các động thái thương mại của Ấn Độ là để nhằm vào Trung Quốc, nhưng cũng có mục đích khác là mở rộng chính sách bảo hộ kinh tế lâu nay của nước này.
“Chủ nghĩa bảo hộ là một trong những lý do chính khiến Ấn Độ bị Trung Quốc lấn át về kinh tế trong những thập kỷ gần đây… Ấn Độ nghĩ rằng có thể trừng phạt Trung Quốc bằng cách tăng cường hàng rào phi thuế quan, nhưng điều này chỉ làm tổn thương chính doanh nghiệp và người tiêu dùng Ấn Độ”.
Số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc cho thấy thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc năm 2019 đạt tới 51,24 tỷ USD. Con số này nhiều hơn cả thâm hụt thương mại của Ấn Độ với các đối tác thương mại lớn thứ hai và thứ 3 đất nước là Iraq và Saudi Arabia cộng lại.
Trong khi truyền thông Ấn Độ rầm rộ đưa tin về những phản ứng của Jakarta sau vụ 20 binh sĩ nước này thiệt mạng, các nhà phân tích đã đặt ra câu hỏi: liệu Ấn Độ có đủ sức dấn thân vào cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện với Trung Quốc?
Thực tế là hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc đang tràn ngập tại thị trường Ấn Độ, từ các quầy tạp hóa đến ứng dụng gọi taxi, giao hàng trực tuyến, thanh toán điện tử. Báo cáo của Gateway House hồi tháng 3/2020 chỉ ra các nhà đầu tư Trung Quốc đang rót vốn vào ít nhất 92 công ty khởi nghiệp Ấn Độ, trong đó có 14 doanh nghiệp lớn với giá trị thị trường lên tới 30 tỷ USD. Nghiên cứu của Viện Brookings cũng cho thấy các khoản đầu tư hiện tại và dự kiến của Trung Quốc sang thị trường Ấn Độ tính đến tháng 3/2020 lên tới 26 tỷ USD.
Sự hiện diện của Trung Quốc cũng được ghi dấu bằng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu trung gian, thứ mà các nhà sản xuất Ấn Độ rất cần để sản xuất hàng thành phẩm. Các nguyên liệu trung gian như vậy chiếm khoảng 60% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc sang Ấn Độ. "Nếu chuỗi cung ứng hàng trung gian này rạn nứt, hoạt động sản xuất của Ấn Độ sẽ gặp trục trặc to lớn" - trích lời giáo sư Joe Thomas tại Viện Công nghệ Ấn Độ Madras (IIT-Madras).
Bên cạnh đó, rất nhiều công ty Trung Quốc cũng đang đặt nhà máy sản xuất ở Ấn Độ. 4 trong 5 nhà cung cấp smartphone hàng đầu Ấn Độ là các công ty Trung Quốc với tổng thị phần hơn 66%, theo báo cáo của Gateway House. Nhiều lĩnh vực khác như viễn thông và dược phẩm của Ấn Độ cũng phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc trên hàng loạt lĩnh vực trọng yếu là lý do vì sao các nhà quan sát quan ngại kế hoạch Ấn Độ tự lực mà Thủ tướng Modi thúc đẩy không phải một ý tưởng hay ho.
Chính truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin rất ít về cuộc đụng độ biên giới với Ấn Độ và căng thẳng kinh tế nảy sinh sau đó. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc thậm chí còn cảnh báo ngược lại rằng nỗ lực tẩy chay Trung Quốc của người Ấn Độ có khả năng sẽ tàn phá chính nền kinh tế Ấn Độ vốn đã suy yếu sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.