Dân Việt

“Bắt tay” kết nối giao thương, nâng tầm hàng trăm sản phẩm OCOP Hà Nội

Minh Ngọc 01/07/2020 22:01 GMT+7
Mới đây, Sở NNPTNT Hà Nội đã tổ chức hội nghị kết nối giao thương sản phẩm OCOP thành phố năm 2020. Đây được coi là cơ hội để các chủ thể OCOP và các nhà phân phối thuộc Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, nghiên cứu sản phẩm và thị trường phù hợp.

Nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP

Theo đánh giá của Sở NNPTNT, nhu cầu tiêu dùng nông sản của thành phố là rất lớn, mức tiêu thụ trung bình khoảng 300.000 tấn lương thực thực phẩm, nông lâm thủy sản.

Trong đó, gạo 92.970 tấn/tháng; thịt lợn hơi 18.594 tấn; thịt gà, vịt 6.198 tấn; thủy, hải sản tươi đông lạnh 5.165 tấn; thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm 5.165 tấn; rau, củ 103.300 tấn; trứng gia cầm 124 triệu quả/tháng.

Đây chính là thị trường lớn để Hà Nội đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP thông qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm…

“Bắt tay” kết nối giao thương, nâng tầm sản phẩm OCOP  - Ảnh 1.

Giới thiệu sản phẩm OCOP cho khách hàng tại Hà Nội. Minh Ngọc

Theo ông Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, với việc đánh giá, phân hạng 301 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đã tạo ra sức bật nhằm thúc đẩy các chủ thể tăng quy mô sản xuất hàng hóa, tiếp tục nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm nông sản.

"Việc phát triển sản phẩm OCOP có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là khi tham gia vào Chương trình OCOP, các sản phẩm sẽ được nâng lên tầm cao mới, được gọi tên và mang thương hiệu cụ thể" - ông Tường chia sẻ.

Ngay tại sự kiện nói trên, đã có hàng trăm biên bản ghi nhớ của 70 chủ thể OCOP và các nhà phân phối thuộc Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam được ký kết. 

Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, tất cả các sản phẩm sản xuất ra phải có sự kết nối giao thương thì mới có thể đưa ra thị trường, phân phối đến tay người tiêu dùng. Hiệp hội sẽ chịu trách nhiệm đầu ra cho các sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, khả năng sản xuất đáp ứng các mặt hàng thiết yếu về sản phẩm thực phẩm trên địa bàn Hà Nội như: Thịt lợn, thịt gà sản xuất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, các mặt hàng khác như: Gạo chỉ đáp ứng khoảng 30%; thủy, hải sản tươi, đông lạnh đáp ứng 3%; thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm đáp ứng được rất ít; rau, củ quả chỉ đáp ứng được 55,7% nhu cầu. Số lượng còn lại nhập tại các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.

Để giải quyết được bài toán liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn, Sở NNPTNT Hà Nội thường xuyên đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm của 141 chuỗi liên kết đã được xây dựng. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ để nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm trong chuỗi, nhân rộng mô hình chuỗi an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ ra toàn thành phố.

Các chuỗi vẫn có những hạn chế nhất định, đó là tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian nên giá bán thực tế cao hơn so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất; sức cạnh tranh của các chuỗi chưa cao; việc nhận diện sản phẩm an toàn tham gia chuỗi còn gặp nhiều khó khăn…".

Ông Tạ Văn Tường

Thời gian qua, Sở NNPTNT Hà Nội cũng đã xây dựng "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm TP.Hà Nội bằng tem điện tử thông minh QRcode", qua đó cấp tài khoản tham gia hệ thống quản lý cho 1.984 doanh nghiệp/cơ sở là HTX, các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói nông lâm và thủy sản.

Ngoài ra, có 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện trái cây an toàn. Cấp mã định danh cho trên 2.500 sản phẩm, cấp phát trên 5 triệu tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản.

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, hiện thành phố đang có 29 chuỗi do các doanh nghiệp, HTX quản lý; 112 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ với 1.379 sản phẩm nông lâm thủy sản được kiểm soát theo chuỗi.

Mặc dù dịch Covid-19 tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhưng thời gian qua, hầu hết các chuỗi đều hoạt động ổn định.